Vườn quốc gia Pù Mát tổ chức Hội nghị Góp ý “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Pù Mát”

Với 94.816,95 ha diện tích rừng tự nhiên, Vườn quốc gia Pù Mát đang là nhà của nhiều loài động thực vật hoang dã đặc hữu của dải Trường Sơn. Ở đây có nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo (thác nước, hang động, hệ thống khe suối, các quần thể cây cổ thụ và rừng nguyên sinh…) Khu vực VQG Pù Mát cũng là nơi tập trung sinh sống của 07 dân tộc chính là Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Nùng, Tày Pọong; trong đó, người Thái chiếm tỉ lệ lớn nhất (chiếm 62,33%), người Khơ Mú chiếm tỉ lệ ít nhất (chiếm 0,12%); Ngoài ra, khu vực này còn có một số dân tộc khác sinh sống như: Hoa, Mường, Đan Lai, Ơ đu,… Sự đa dạng của các dân tộc ít người đã tạo cho khu vực VQG Pù Mát có nhiều nét văn hoá dân gian đặc sắc có giá trị. Đó là những di sản quý giá được kết tinh qua bao thế hệ.

Nhằm phát huy các giá trị tiềm năng mà Vườn quốc gia Pù Mát đang có, Vườn quốc gia Pù Mát đã tổ chức hội nghị góp ý cho “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Pù Mát giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và đại diện các sở bao gồm: Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Văn hóa thể thao và du lịch, Chi cục Kiểm lâm, công an tỉnh, khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An, Hiệp hội du lịch tỉnh Nghệ An, Thường trực Huyện ủy – Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Văn hóa, khoa học và Thông tin, Ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lâm các huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương; đại diện các xã vùng đệm của VQG Pù Mát, đại diện các trường Đại học Vinh, Đại học kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Du lịch Cửa Lò, đại biểu các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt; tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), tổ chức Fauna and Flora. Đặc biệt có có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp các nhà quan tâm đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Pù Mát như tập đoàn AB, Tập đoàn Mường Thanh,…

Tại hội nghị, sau khi nghe Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Pù Mát, các đại biểu tham dự đã tham gia đã bày tỏ sự quan tâm đến sự phát triển du lịch của VQG Pù Mát và nhiệt tình tham gia đóng góp các ý kiến cho các nội dung của đề án du lịch.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã nêu ra một số vấn đề cần quan tâm nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho du lịch của VQG Pù Mát bao gồm: Phải có quy hoạch đồng bộ, toàn diện trong xây dựng các điểm du lịch gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng; Phải chú trọng công tác bảo tồn rừng, bảo tồn văn hóa khi thực hiện phát triển du lịch tại địa phương; Đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội,… để du khác biết đến các sản phẩm du lịch ở VQG Pù Mát; Phát triển du lịch phải đồng bộ, gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ cũng đề nghị các các cơ quan có liên quan tiếp tục góp ý hoàn thiện để sớm ban hành được đề án du lịch của Vườn quốc gia Pù Mát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch tại VQG Pù Mát.

Bà Trần Thị Hoài Sơn – Tổng Giám đốc tập đoàn A&B phát biểu tại hội nghị

Đại diện Tập đoàn A&B, bà Trần Thị Hoài Sơn – Tổng giám đốc Tập đoàn A&B bày tỏ mong muốn sau khi đề án được thông qua sẽ đầu tư một dự án du lịch nghỉ dưỡng tại VQG Pù Mát nhằm thu hút khách du lịch đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Pù Mát.

Đồng chí Nguyễn Hoài An – Bí thư Huyện ủy Con Cuông phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Hoài An – Bí thư huyện ủy Con Cuông đánh giá cao tính khả thi của đề án và nhấn mạnh rằng đề án cần có cảnh báo cụ thể về an toàn môi trường cho doanh nghiệp đầu tư trong điều kiện khí hậu đặc thù tại Nghệ An. Khi phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí cần gắn liền với du lịch lịch sử của dân tộc Việt Nam, Lịch sử của Con Cuông như: di tích lịch sử cấp quốc gia Bia Ma Nhai, Lịch sử thành Trà Lân và Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia nhà sàn cụ Vi Văn Khang nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ. Phát triển du lịch phải gắn với đảm bảo An ninh rừng, an ninh môi trường du lịch và đặc biệt an ninh khu vực biên giới.

Đồng chí Lê Anh Tuấn – Giám đốc VQG Pù Mát ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các đại diện các đơn tham gia để bổ sung vào  Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Pù Mát giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sớm trình các cơ quan cấp trên để phê duyệt thực hiện. Đồng chí cũng thay mặt Vườn quốc gia Pù Mát tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An để hoàn thiện Đề án theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện tại cũng như đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại VQG Pù Mát trong tương lai.

Một số hình ảnh các đại biểu góp ý cho Đề án: