Tổng quan

Tên chính thức: Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Tỉnh Nghệ An
Tên ngắn gọn: Khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ An
Ngày được UNESCO công nhận: 20-9-2007
Tổng diện tích: 1 303 278 ha. Số dân: 437 822 người.
(H) Bản đồ phân vùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An
Khu DTSQ đề xuất có diện tích là 1.303.285 ha thuộc địa bàn 9 huyện miền núi (Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn,Thanh Chương, Tân Kỳ). Khu DTSQ được thiết kế phù hợp với tiêu chí thực hiện 3 chức năng của một khu DTSQ thế giới và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và UBND Tỉnh trong việc thực hiện công ước đa dạng sinh học (CBD) và Agenda 21. Khu DTSQ đề xuất có 440,8 km biên giới hữu nghị với nước CHDC Nhân dân Lào. Đây sẽ là cơ hội để xây dựng khu DTSQ liên quốc gia sau khi có sự thỏa thuận giữa 2 chính phủ. Vùng sinh địa của toàn bộ khu DTSQ được đề xuất thuộc hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thuộc 12 loại hình hệ sinh thái chính mà UNESCO-MAB nêu ra. Những khu rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại tại khu DTSQ đề xuất này là một di sản hết sức quí giá sau rất nhiều biến cố, nhất là sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ và đặc biệt là trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn mà hầu hết sinh kế của người dân địa phương đều phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng. Đồng thời, điều này cũng nói lên nỗ lực bảo vệ rừng của chính quyền và nhân dân địa phương trong điều kiện rừng bị khác thác kiệt quệ cho mục đích phát triển kinh tế ở nhiều vùng khác. Đây là khu DTSQ đề xuất có diện tích lớn nhất trong các khu DTSQ đã có và trong hệ thống các Khu bảo tồn Việt nam được xây dựng trên ý tưởng về nguyên lý bảo tồn tổng thể cảnh quan với các khoảng chia cắt giữa 3 Khu bảo tồn (1 Vườn quốc gia và 2 khu BTTN tách biệt) sẽ được nối liền bằng các vùng hành lang là các vùng đệm. Một diện tích lớn rừng nguyên sinh còn sót lại, kể cả những vùng chưa có người đặt chân tới đang cuốn hút các nhà nghiên cứu định tên các loài mới và các loài còn sót lại trên thế giới, đặc biệt là Sao la (Pseudoryx nghetinhensis). Khu DTSQ đề xuất có các dân tộc anh em sinh sống như Thái, Đan Lai (Ly Hà), Khơ Mú, Ơ Đu, H’ Mông, Kinh. Đặc biệt có Dân tộc Ơ Đu chỉ còn 528 người (theo kết quả điều tra 30/12/2003) đang trong tình trạng thoái hóa về thể chất và trong hoàn cảnh sống hết sức khó khăn. Đây là tộc người còn sót lại mà trước thế kỷ thứ 11 đã từng là một bộ tộc có nền văn hóa rực rỡ ngã ba sông Nậm Nơn – Nậm Mô – sông Cả. Và đây cũng là ranh giới cuối cùng của tộc người Thái trong quá trình di cư xuống phía Nam. Khu DTSQ đề xuất sẽ góp phần phát triển kinh tế nâng cao mức sống người dân thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) đề xuất Tây Nghệ An bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, theo trục Bắc – Nam. Khu DTSQ bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơn và sông Nậm Mô. Các vùng này thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn.Vùng sinh thái dãy Trường Sơn trải rộng và nằm dài trên phạm vi lãnh thổ 2 quốc gia Việt Nam và Lào. Lòng máng sông Cả (sông Lam) chỉ là đứt gãy bản lề của vùng sinh thái Trường Sơn này tạo nên phức hệ đa dạng và phong phú của hệ sinh thái Trường Sơn. Việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An sẽ tạo nên một hành lang bảo tồn đa dạng sinh học với các loài động thực vật có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đã được đề cập đến trong hệ thống sách đỏ Việt Nam và IUCN (đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn). Căn cứ vào tiêu chí trong xếp hạng ưu tiên trong bảo tồn, khu DTSQ đề xuất thuộc một trong những khu vực có mức điểm cao nhất trong hệ thống bảo tồn của Việt Nam.

Bảo tồn cảnh quan hệ sinh thái đa dạng loài và gen, đa dạng văn hóa truyền thống
Thúc đẩy phát triển kinh tế và nguồn lực con người, bền vững về mặt sinh thái và văn hóa xã hội
Hỗ trợ hậu cần

Bảo tồn cảnh quan hệ sinh thái đa dạng loài và gen, đa dạng văn hóa truyền thống

Bảo tồn cảnh quan hệ sinh thái đa dạng loài và gen, đa dạng văn hóa truyền thống
1. Vườn Quốc gia Pù Mát (Vùng lõi 1)
2. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Vùng lõi 2)
3. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Vùng lõi 3)
4. Đa dạng văn hoá

Bảng: Xếp hạng ưu tiên theo hệ thống tiêu chí trong hệ thống bảo tồn
(1: thấp nhất; 2: thấp; 3: trung bình; 4: cao; 5: cao nhất)

 

VQG Pù Mát

Khu BTTN Pù Huống

Khu BTTN Pù Hoạt

Địa chất

3

1

3

Cảnh quan

4

3

3

Đa dạng sinh học

5

4

5

Độ che phủ rừng

5

4

5

Giá trị sinh cảnh rừng

5

3

5

Nguồn gen loài

5

3

4

Qui mô diện tích tự nhiên

5

5

4

Mức độ khả thi tích cực

5

5

4

Tổng điểm

39/40

28/40

33/40

Nguồn: Võ Trí Chung, 2005.
1. Vườn Quốc gia Pù Mát (Vùng lõi 1)
Pù Mát là khu vực còn rừng tự nhiên lớn nhất và tiêu biểu của Nghệ An nói riêng và Bắc Trường Sơn nói chung, là nơi có thành phần thực vật phong phú và đa dạng vào loại bậc nhất Việt Nam. Nơi đây đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động vật, thực vật, là nơi hội tụ các yếu tố địa lý thực vật.
1.1. Đa dạng hệ sinh thái và cảnh quan: Xếp theo hệ thống phân loại của UNESCO 1973 thì Vườn quốc gia Pù Mát có đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ, đó là lớp quần hệ rừng kín, lớp quần hệ rừng thưa, lớp quần hệ cây bụi và lớp quần hệ cây thảo.
Lớp quần hệ rừng kín: Đại diện cho lớp quần hệ này có 2 quần hệ tiêu biểu là quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa ở địa hình thấp dưới 800 m và quần hệ rừng kín thường xanh á nhiệt đới gió mùa ở núi thấp (800 – 1000 m).                     
Quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa ở địa hình thấp dưới 800 m: bao gồm phân quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa trên đất địa hình thấp và phân quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa trên núi đá vôi.
–  Phân quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa trên đất địa hình thấp: Loại rừng này chiếm ưu thế ở vành đai dưới 800 m và là loại hình rừng đặc trưng của Bắc Trường Sơn xưa kia bao phủ phần lớn diện tích Tây Nghệ An-Hà Tĩnh. Các loài thực vật chủ yếu ở phân quần hệ này là Chò chỉ (Parashorea chinensis), các loài Sao (Hopea), Vàng tâm (Manglietia fordiana), Gội nếp (Aglaia spectabilis), Trám hồng (Canarium bengalense), Re (Cinnamomum sp.), Trâm (Syzygium sp.), Nhội (Bischofia javanica), Sến mật (Madhuca pasquieri), Dẻ (Castanopsis spp., Lythocarpus spp.). Cấu trúc loại  hình rừng này thường có 5 tầng (A1, A2, A3, B, C). Tầng A1 thường cao 35-40 m bao gồm các cây gỗ lớn, phân bố không đều, thiếu liên tục, độ tàn che của tầng này thấp.
–  Phân quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa trên đất đá vôi: Loại rừng này nằm xen giữa vùng núi đất kéo dài từ Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) chạy dọc theo đường số 7 thuộc huyện Con Cuông đến Tam Đình (huyện Tương Dương). Các loài thường gặp ở loại rừng này là Garcinia sp., Lát hoa (Chukrasia tabularis), Giâu gia xoan (Allospondias lakonensis), Gội nếp (Aglaia spectabilis), Trương hôi (Tapiscia), Máu chó bắc bộ (Knema tonkinensis), Kim giao (Nageia fleuryi), Sấu (Dracontomelon duperreanum), Lọ nồi trung bộ (Hydnocarpus annamensis), Vàng anh (Saraca dives). Cấu trúc rừng thường có 4 tầng, tầng nhô không thể hiện rõ.
Quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới và á nhiệt đới gió mùa ở núi thấp (800-1600 m): Đại diện cho quần hệ này có các phân quần hệ sau:
–  Phân quần hệ rừng kín thường xanh nhiệt đới  gió mùa cây lá rộng: Các loài cây gỗ thường gặp ở phân quần hệ này là Lithocarpus pseudosundaicus, Castanopsis hystrix, Syzygium ripicolum, Hopea mollissima, Vatica cinerea, Madhuca pasquieri, Canarium thorelianum, Pterospermum heterophyllum, Gironniera subaequalis.
–  Phân quần hệ rừng kín thường xanh á nhiệt đới gió mùa hỗn giao cây lá rộng, lá kim: Loại rừng này phân bố chủ yếu ở độ cao trên 1000m. Các loài thường gặp là: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Kim giao (Nageia wallichiana), Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), Mắc niễng (Eberhardtia aurata), Giổi lá láng (Michelia foveolata), Đinh (Markhamia sp.), Sến mật (Madhuca pasquieri), Côm (Elaeocarpus sp.).
1.2. Đa dạng loài và vốn gen:
Khu hệ thực vật: Trong số gần 2500 loài đã biết thì có gần 2000 loài thuộc nhóm chồi trên mặt đất (Phanerophytes – Ph) chiếm tỷ lệ 74%. Đây là dạng sống chiếm ưu thế và là yếu tố chủ đạo cấu thành hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam.
Khu hệ động vật: Các loài thú mới được phát hiện ở đây: Sao La (Pseudoryx nghetinhensis), Mang Lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Thỏ vằn Trường sơn (Nesolagus sp) đã làm sửng sốt các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hiện có 130 loài thú lớn và nhỏ; 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 84 loài cá, 39 loài dơi ( có những loài dơi chỉ có duy nhất ở Việt Nam và Đông Bắc Thái Lan), 305 loài bướm ngày, 14 loài rùa, hàng ngàn loài côn trùng khác. Trong đó có 68 loài quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là nơi đang lưu giữ vốn gen quý của hệ động thực vật Việt Nam
Bướm ngày có 305 loài, thuộc 11 họ; Bướm sừng (Sphingidae) có 83 loài; Bướm hoàng đế (Saturniidae) có 11 loài. Trong số 305 loài bướm ngày thì có 7 loài trước đây chưa được biết đến ở Việt Nam, có 2 loài (loài chính và 1 loài phụ) vẫn chưa được mô tả. Một trong số các loài đó  Papilo noblei  được liệt kê vào phần “Dữ liệu thiếu hụt” (IUCN) và trong bản Phụ lục 1 của CITES. Bốn loài Bướm sừng Sphingidae (bướm đêm) ở Pù Mát được xem là loài mới đối với Việt Nam là Dolbina inexacta, Callambulyx poecilus, macroglossum frizei và Phyllosphingia dissimilis.
Lớp Cá có 82 loài, thuộc 19 họ trong số 544 loài cá nước ngọt có ở Việt Nam; Lớp Lưỡng cư có 23 loài, thuộc 5 họ, 1 bộ, trong số 162 loài có ở Việt Nam; Lớp Bò sát có 50 loài, thuộc 10 họ, 2 bộ (trong đó có 15 loài rùa) trong số 296 loài có ở Việt Nam; Lớp chim có 295 loài trong số 850 loài có ở Việt Nam; Lớp thú có 85 loài, thuộc 20 họ, 8 bộ (trong đó có 39 loài dơi) trong số gần 300 loài có ở Việt Nam.
Có 73 loài lưỡng cư và bò sát được thu thập trong các điều tra năm 1998 và thường xuyên được bổ sung cho đến hiện nay. Các loài mới khảo sát là 23 loài ếch nhái, 11 loài rùa, 12 loài thằn lằn và 25 loài rắn.
Trong tổng số 295 loài chim kể cả chim bản địa và chim di cư có 22 loài được xem là những loài đang bị đe doạ và có nguy cơ bị đe doạ toàn cầu (Collar et al., 1994). Hai quần thể Trĩ sao (Rheinardia ocellata) và Hồng hoàng (Buceros bicornis), Niệc Cổ Hung (Aceros nipalensis) có tầm quan trọng quốc tế, Diều Cá Bé (Ichthyophaga humilis) có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia. Các đợt điều tra nghiên cứu đang được tiếp tục triển khai tập trung ở khu vực rừng hỗn giao lá kim, đặc biệt là những nơi có khả năng có sự phân bố của quần thể Sitta formasa.
Thú nhỏ (bộ gặm nhấm và thú ăn côn trùng) có 20 loài được xác định thì có 2 loài được IUCN (IUCN-1996) xem là đang bị đe doạ đó là Rattus remotus và L. neilli. Trong số 39 loài dơi được xác định có 7 loài được xem là loài đang có nguy cơ bị đe doạ và nằm trong “Dữ liệu thiếu hụt” (IUCN 1996).
Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus sp), Cầy vằn bắc (Chrotogale awstoni) và Mang đen Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis) có ý nghĩa bảo tồn rất lớn. Quần thể Vượn Má Trắng (Hylobates leucogenys/gabriellae), Quần thể Sóc Bụng Xám (Callosciurus inornatus), Voọc Vá (Pygathrix nemaeus) là những phát hiện mới tại VQG Pù Mát. Ở đây còn sót lại quần thể Voi Châu Á (Elephas maximus) lớn nhất hiện còn lại ở Việt Nam.
Theo điều tra đến thời điểm hiện tại, có 42 loài thú lớn đã được xác định là có xuất hiện trong Khu bảo tồn. Trong đó có 21 loài được xem là loài chính theo khoá loài của Eve et al. (1998), và 20 loài được xếp vàp cấp độ bị đe doạ, có nguy cơ bị đe doạ, hoặc dữ liệu thiếu hụt của IUCN (1996). Có ba loài, trong đó hai loài đã được xác định và một loài chưa được xác định, nhưng có khả năng xuất hiện trong Khu bảo tồn nên được đưa vào trong danh lục loài chính trong báo cáo của Eve et al. (1998). Những loài này là Viverra tainguensis, Sus bucculentus và loài chưa được mô tả là Nesolagus.
Số lượng các loài quí hiếm ở VQG Pù Mát có trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2000) bao gồm lớp Lưỡng cư có 1 loài; Lớp Bò sát có 19 loài (có 12 loài trong Nghị Định 48/2002/NĐ-CP và 10 loài trong Danh lục Đỏ IUCN);  Lớp Chim có 35 loài; Lớp thú có 34 loài. Tổng: 89 loài (41,35% số loài theo SĐVN). Những loài có ý nghĩa Bảo tồn (Bậc E trong SĐVN), Lớp thú gồm 15 loài:Voọc Hà tĩnh (Tranchipithecus hatinhensis); Voọc vá (Pygathrix nemaeus), Voọc mông trắng (Tranchipithecus francoisi delacouri), Vượn đen tuyền (Hylobates concolor concolor), Vượn đen bạc má (Hylobates concolor leucogenis), Sói đỏ (Cuon alpinus), Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Gấu chó (Helarctos malayanus), Cầy giông sọc (Vivera zibetha), Mèo lửa (Catopuma temmincki), Báo hoa mai (Panthera pardus), Hổ (Panthera tigris), Voi (Elephas maximus), Bò tót (Bos gaurus), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis); Lớp Chim 4 loài: Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura nycthemera), Niệc cổ hung (Aceros nipalensis); Lớp bò sát 1 loài: Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah); Lớp cá xương 1 loài: Cá pạo (Labeo graffeuilli)
2. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Vùng lõi 2)
2.1. Đa dạng hệ sinh thái và cảnh quan
Khu bảo tồn này nằm trong phạm vi các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và Đông Bắc-Tây Nam với đỉnh cao nhất là Pù Hon cao 1447 m. Tuy diện tích không lớn bằng Vườn quốc gia Pù Mát nhưng ở đây có đủ các loại hình thảm thực vật đã có mặt ở Pù Mát.
Rừng nguyên sinh: Đây là loại rừng kín thường xanh á nhiệt đới: Thành phần thực vật chủ yếu là Pơ mu (Fokienia hodginsii) có đường kính đạt tới 100-200 cm, Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii) và Sồi lá mỏng (Quercus blakei). Ngoài ra còn có các loài Sến mật (Madhuca pasquieri), Táu muối (Vatica diospyroides)… Tầng thực vật mục khá dày, đôi chỗ xen lẫn các loài Giang (Dendrocalamus patellaris), Sặt (Arundinaria). Thành phần thực vật tầng cao chủ yếu là Sến mật (Madhuca pasquieri), Táu (Hopea mollissima), Giổi xanh (Michelia mediocris), Trường mật (Amesiodendron chinense)…Tầng dưới tán gặp các loài Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Bời lời lá tròn (Actinodaphne chinensis), Côm (Elaeocarpus sp.), Máu chó bắc bộ (Knema tonkinensis), Sồi sim (Quercus glauca), Cà ổi (Castanopsis ferox), Ràng ràng (Ormosia pinnata)…Vùng này gần như chưa thấy hoạt động khai thác gỗ.
Trong loại hình rừng nguyên sinh thì rừng lùn thường gặp ở đỉnh tam giác Pù Huống có diện tích hẹp, có thân cây cằn cỗi, cây có Rêu, Phong lan bám đầy. Có các loại cây điển hình là: Đỗ Quyên (Rhododendron arboreum), Sơn liễu (Clethra sp), Sặt (Arundinaria), Truông treo (Enkianthus sp.)… Tầng rừng chỉ cao không quá 5 m, đường kính cây gỗ nhỏ dưới 30 cm, cây lá nhỏ gỗ cứng. Kiểu rừng này có tầng thảm mục chưa phân hoá luôn có mây che phủ ẩm ướt và lạnh.
Ngoài ra rừng núi đá phụ ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyên vẹn và hiểm trở có các loài thực vật phổ biến như Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Sến mật (Madhuca pasquieri), Trâm núi (Syzygium sp.), Gội núi (Aglaia perviridis)… Đây là điểm phân bố và cư trú chủ yếu của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis).
Rừng thứ sinh: Ở độ cao 500 m, chủ yếu là loài Chò chỉ (Parashorea chinensis) chiếm ưu thế trên đất ven suối. Kiểu rừng này có các loài ưu thế tầng cao như Trường mật (Amesiodendron chinense), Lát (Chukrasia tabularis), Sến mật (Madhuca pasquieri), Giổi xanh (Michelia mediocris). Thành phần thực vật tán cao gặp chủ yếu là Sến mật (Madhuca pasquieri), Re (Cinnamomum sp.), Trường mật (Amesiodendron chinense), Cà ổi (Castanopsis ferox). Ở tầng thấp gặp chủ yếu các loài Giang (Dendrocalamus patellaris), Sặt (Arundinaria). Trong loại rừng thứ sinh thì rừng tre nứa phân bố rộng, rải rác khắp hai sườn núi. Đây là kiểu rừng xuất hiện sau nương rẫy và chiếm một diện tích khá lớn trên tuyến khảo sát. Xen lẫn với rừng tre nứa vẫn có các loại thân gỗ nhỏ, một số các loài thực vật khác: Ràng ràng mít (Ormosia balansae), Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Sim (Rhodomyrtus), Mua (Melastomataceae)…
2.2. Đa dạng loài và vốn gen
Tại Pù Huống, quần hệ rừng á nhiệt đới núi thấp (800-1600 m) với thành phần thực vật đặc trưng của vùng khí hậu hơi lạnh như Pơ mu (Fokienia hodginsii), Thông tre (Podocarpus neriioflius), Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), Đỉnh tùng (Cephalotaxus manii) cùng với các đại diện thực vật phía Bắc như họ Thích (Aceraceae), họ Đỗ quyên (Ericaceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Chè (Theaceae), họ Hồi (Illiciaceae). Sự có mặt của Đỉnh tùng (Cephalotaxus manii) là điểm đặc biệt của vùng này.Điểm đặc biệt cần nhắc đến là thảm thực vật rừng trên núi đá vôi Pù Huống rất đặc trưng gồm các loài mang tính chỉ thị như Trai lý (Garcinia fagraeoides), Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Đinh (Markhamia stipulata), Ruối ô rô (Streblus ilicifolius), Mạy tèo (Taxotrophis macrophylla). Theo thống kê sơ bộ thì ở đây có khoảng 1200 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 533 chi của 138 họ, trong đó có 33 loài quý hiếm đã ghi trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ.
Số loài động vật đã phát hiện được ở Pù Huống bao gồm: Lớp Lưỡng cư có 17( 25) loài, thuộc 6 họ, 1 bộ; Lớp Bò sát có 35 (62) loài, thuộc 14 (15) họ, 2 bộ, trong đó có 13 loài rùa; Lớp Chim có 176 loài, thuộc 42 họ, 7 bộ; Lớp Thú có 63 loài, thuộc 24 họ. Số loài trong Sách Đỏ VN 2000: Lớp Lưỡng cư có 1 (3) loài; Lớp Bò sát có 10 (16) loài. Trong đó có 14 loài trong Nghị định 48/2002/NĐ-CP và 13 loài trong Danh lục Đỏ IUCN bao gồm Lớp Chim có 11 loài, Lớp Thú có 26 (27) loài và tổng số có 48 loài quí hiếm chiếm 22,32%  số loài theo SĐVN. Có 8 loài quý hiếm và đặc hữu là Voọc đen Hà Tĩnh (Tranchipithecus hatinhensis), Voọc mông trắng (Tranchipithecus francoisi delacouri), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), Vượn đen tuyền (Hylobates concolor concolor), Chà vá (Pygathrix nenacus), Báo hoa mai (Panthera pardus), Trĩ sao (Rheinardia) và Gà lôi trắng (Lophura nycthemera).
3. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Vùng lõi 3)
Theo kết quả khảo sát sơ bộ của đoàn điều tra hỗn hợp Frontier – Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật năm 1999 thì diện tích rừng tự nhiên ở đây còn khá lớn (>56.000 ha) trong đó có 34.000 ha rừng tự nhiên ít bị tác động.

3.1. Đa dạng hệ sinh thái và cảnh quan
Đại diện của 4 lớp quần hệ là rừng kín, rừng thưa, thảm cây bụi, thảm cỏ đều có mặt ở đây, đặc tính nguyên sinh của rừng ở đây còn cao. Ở độ cao trên 2000 m thường có mặt các đại diện của hệ thực vật á nhiệt đới và ôn đới như họ Thích (Aceraceae), họ Đỗ quyên (Ericaceae), họ Chè (Theaceae).
Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi cao hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim: Diện tích 2 682 ha phân bố ở các đai cao trên 1600m của các khối núi Pù Hoạt, Pù Pha Lông, Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ. Kiểu rừng này ít bị tác động, tính nguyên sinh còn cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim. Các Họ thực vật  ưu thế là Lauraceae, Fagaceae, Theaceae, Araliaceae, Aceraceae, Rosaceae, Orchidaceae ; các họ hạt trần: Cupressaceae, Taxodiaceae, Podocarpaceae với các loài điển hình như Re (Cinnamomum liangi, C. iners, C. cambodianum, C. litseaefolium), Chắp (Beilschmiedia), Bời lời (Litsea mollis, L. aurata, L. garrettii), Kháo (Machilus), Cà ổi (Castanopsis ferox), Dẻ đá quả gỗ (Lithocarpus corneus, L. coalitus), Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia), Sồi quả dẹt (Quercus helferiana), Sum đỏ (Adinandra hainanensis), Linh (Eurya japonica), Gỗ hà (Schima wallichii), Cù đèn (Croton maieuticus), Trám trẩu (Mytilaria laosensis), Chắp (Symingtonia tonkinensis), Mạy châu (Carya tonkinensis), Giổi lụa (Tsoongiodendron odorum), Tì bà (Eriobotrya cavaleriei), Cổ phỏng (Photinia arguta), Tô hạp (Altingia excelsa), Sến mật (Madhuca pasquieri), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), Kim giao (Nageia fleuryii), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), và Sa mộc dầu  (Cunninghamia konishii). Rừng chia thành 3 tầng, tầng ưu thế  sinh thái tạo thành tán rừng với các loài cây lá rộng kể trên và các loài lá kim: Kim giao (Nageia wallichiana) và Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus).
Kiểu phụ rừng Lùn (Elfin forest) độ cao trên 2300m của đỉnh Pù Hoạt với diện tích 200 ha luôn có mây mù bao phủ, độ ẩm cao, gió thổi mạnh, cây thấp lùn có rêu bám dày, tầng mùn chưa phân hủy dày 25 –30 cm, tầm vóc cây biến động tùy độ dốc và mặt bằng, thành phần loài gỗ có Đỗ Quyên (Rhododendron), Lồng đèn (Lyonia ovalifolia), Châu thụ (Gaultheria), Mạy châu (Carya tonkinensis), Dẻ (Quercus), Chè béo (Anneslea), Côm (Elaeocarpus), Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia) và các loài bì sinh thuộc họ Phong lan Orchidaceae (Dendrobium, Eria, Coelogyne, Thecopus, Oberonia).
Vành đai rừng Sặt (Arundinaria) ở độ cao 2300 m và rộng khoảng 200 m, mật độ khoảng 20 000 cây/ha, mọc trên tầng mùn cũng chưa phân hóa tạo nên một cảnh quan đẹp của đỉnh núi khá hấp dẫn, có nhiều loài quí hiếm và đặc hữu, rừng gần như còn nguyên vẹn, các loài cây lá kim (hạt trần) cổ như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), Sa mu (Cunninghamia konishii), Cự tùng (Sewuoia). Pù Hoạt là một trong số các mẫu ít ỏi của trái đất còn tồn tại và tạo nên những cảnh ngoạn mục trên vùng đỉnh núi cao luôn luôn có mây che phủ.
Rừng kín lá rộng thường xanh mưa nùa nhiệt đới núi trung bình: Diện tích 26 371 ha, ở độ cao 800 – 1500 m theo sườn núi Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ, Pù Pha Lâng và phía Đông núi Pù Hoạt. Rừng phát triển trên đất feralit màu vàng, đá mẹ chủ yếu là riolit và granit. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng với các loài tiêu biểu của các họ sau: Họ Dẻ (Fagaceae) có khá nhiều loài và cũng chiếm ưu thế trong một số tổ thành đại diện của Họ Dẻ như: Cà ổi (Castanopsis ceratacantha, C. ferox, C. indica), Dẻ đá (Lithocarpus dussaudi), Sồi (L. trachycarpus), Dẻ cau (Quercus xanthoclada); cây lá kim có Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), Kim giao (Nageia fleuryi).
Rừng chia làm 4 tầng, tầng vượt tán ở đây không phải là các cây lá kim như kiểu trên, mà là các loài Chò chỉ (Parashorea chinensis), Thung (Commersonia bartramia), Sến mật (Madhuca pasquieri), Táu muối (Vatica diospyroides), Táu mật (Madhuca pasquirei), Lát (Chukrasia tabularis), Nhọc (Polyalthia sp.), Gội (Aglaia gigantea), Thị (Diospyros), Đinh (Markhamia stipulata), Trâm (Syzygium sp.), Giổi (Manglietia fordiana), Re (Cinnamomum sp.), Dẻ (Castanopsis sp.), Sồi (L. trachycarpus),…Kiểu rừng này phần lớn là rừng ít bị tác động, tính nguyên sinh cao và có nhiều động vật quí hiếm sinh sống như: Voi (Elephas maximus), Bò tót (Bos gaurus), Nai (Cervus unicolor), Gấu (Ursus thibetanus, Ursus malayanus), Hoẵng (Muntiacus muntjak).
Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp: Phân bố ở độ cao dưới 800 m, trên đất feralit đỏ vàng phát triển trên granit, sa phiến thạch, tầng đất mỏng đã bị rửa trôi mạnh, nhiều đại diện ưa sáng của các họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), Sim (Myrtaceae), Xoan (Meliaceae), Dâu tằm (Moraceae), Cánh bướm (Papilionaceae), Vang (Caesalpiniaceae), Thị (Ebenaceae), Re (Lauraceae), Dẻ (Fagaceae), Côm (Elaeocarpaceae). Rừng chia 3 tầng, tầng ưu thế sinh thái tạo thành tán rừng với các loài điển hình: Chẹo (Engelhardtia), Bứa (Garcinia), Vạng trứng (Endospermum), Lim xẹt (Peltophorum), Mọ (Deutzianthus), Muồng (Adenanthera), Đa (Ficus), Mãi táp (Randia), Ngát (Gironniera), Côm (Elaeocarpus), Bời lời (Litsea), Chắp (Beilschmiedia).
Loại rừng này có hai kiểu phụ:
–  Kiểu phụ rừng kín thường xanh lá rộng mưa mùa trên núi đá vôi: Kiểu phụ này nằm trong vành đai rừng lá rộng thường xanh núi thấp dưới 800m, Lòng mang (Pterospermum), Ruối ô rô (Taxotrophis), Na hồng (Miliusa), Rền (Xylopia), Bưởi bung (Acronychia), Thâu lĩnh (Alphonsea), Bứa (Garcinia), Chẩn (Microdesmis), Thị rừng (Diospyros), Đại phong tử (Hydnocarpus), Gội núi (Aglaia perviridis), Sắn thuyền (Syzygium polyanthum). Tầng cây bụi với các loài Trọng đũa (Ardisia), Lấu (Psychotria sp.), Vệ mâu (Euonymus), Ba gạc (Rauvolfia verticillata), Lụi (Licuala fatua), Cau rừng (Pinanga duperreana). Kiểu phụ này ở vùng Pù Hoạt còn nguyên vẹn, chưa bị tác động, hiểm trở, là sinh cảnh tốt cho các loài thú thuộc nhóm Cầy (Viverridae), Sóc (Pteromyidae), Nhím (Hystricidae) sinh sống và trú ẩn.
–  Kiểu phụ rừng tre Nứa: Kiểu phụ rừng Tre Nứa phân bố rải rác ở độ cao dưới 600 m dọc theo các suối và gần bản làng. Rừng tre nứa xuất hiện sau nương rẫy bỏ lại lâu ngày với các loài Nứa (Neohouzeaua), Lùng (Lingnania), Giang (Dendrocalamus patellaris) Một số loài cây gỗ mọc hỗn giao phổ biến là Vạng trứng (Endospermum), Hu (Trema), đôi chỗ có các loài cây có giá trị tái sinh trong rừng tre nứa như Lát (Chukrasia tabularis), Gụ (Sindora tonkinensis), Trường mật (Amesiodendron chinense). Tái sinh cây gỗ khó khăn, chỉ có dưới 2000 cây/ha, trong đó cây gỗ tốt chỉ chiếm 20%.
3.2. Đa dạng loài và vốn gen
Số lượng loài thực vật bậc cao hiện thống kê được khoảng 600 loài trong khoảng 1500 loài, trong đó có 30 loài quí hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Thực vật hạt trần: Bước đầu khảo sát có 7 loài, trong đó có 4 loài quí hiếm là: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepis), Kim giao (Nageia fleuryi) và Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii) là một loài quí hiếm phân bố cực hẹp, từ trước đến nay chưa thấy phân bố trong rừng tự nhiên ở Việt Nam. Cây có đường kính cực lớn, trung bình 1,5m, chiều cao khoảng 45m, trong đó có một cây Sa mu có D = 2,8m và H = 50m. Sa mu Pù Hoạt là cây to lớn nhất trong rừng tự nhiên, là biểu tượng không chỉ riêng cho Pù Hoạt mà cho cả toàn bộ thực vật Việt Nam.

Bảng 2 : Thống kê các loài thực vật đã khảo sát năm 1997

Nhóm phân loại

Số Họ

Số Chi

Số Loài

Ngành Quyết thực vật (Polydiophyta)

Ngành Hạt trần(Pinophyta)

Ngành Hạt kín (Magnoliophyta)

Chia ra:

+ Lớp 2 lá mầm

+ Lớp 1 lá mầm

15

4

105

 

87

18

24

6

397

 

330

67

59

7

697

 

585

112

Tổng số

124

427

763

Thực vật hạt kín: Có 26 loài được ghi vào sách đỏ, trong đó có những loài có giá trị đáng chú ý như: Sến mật (Madhuca pasquieri), Trai (Garcinia fagraeoides), Sao hải nam (Hopea hainanensis), Chò chỉ (Parashorea chinensis), Tô hạp (Altingia excelsa), Trám trẩu  (Mytilaria laosensis), Mạy châu (Carya tonkinensis).
Động vật: Đã thống kê được 193 loài động vật có xương sống, 8 loài bò sát quí hiếm: Rùa núi viền (Manouria impressa), Rùa hộp trấn vàng (Cistoclemmys galbinifrons), Rùa đầu to (Platysternum megacephanlum), Rùa đất (Geomyda spengli), Hổ mang (Naja jaja), Trăn đất (Python molurus), Trăn gấm (Python reticulatus) Khu hệ chim 131 loài, các loài quí hiếm như: Gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Công (Pavo muticus), Hồng hoàng (Buceros bicornis), Niệc hung (Aceros nipalensis), Cắt nhỏ bụng trắng (Microhierax melanoleucos).
Bước đầu đã phát hiện được 45 loài thú chiếm 25% tổng số thú của toàn quốc (chưa kể các nhóm Dơi, chuột ); 131 loài chim thuộc 10 bộ, 33 họ. Khu hệ thú móng guốc bao gồm một số loài lớn như: Bò tót (Bos gaurus), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis), Nai (Cervus unicolor), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Hoẵng (Muntiacus muntjak), khoảng 12 cá thể Bò tót (Bos gaurus), khu Thông Thụ giáp Thanh Hóa còn 5 đàn khoảng 26 con. Quá trình khảo sát đã thu được mẫu vật lạ của 1 loài Mang nhỏ trọng lượng khoảng 12-15kg. Mẫu vật đã được giám định ADN tại Copenhaga Đan Mạch tháng 9/1997 và được thừa nhận là loài mới, loài Mang Pù Hoạt.
Số lượng quần thể của Vọoc xám (Semnopithecus phayrei) còn đáng kể với mật độ dễ gặp, Vượn đen (Hylobates concolor leocogenis) phân bố chủ yếu ở núi phía Bắc núi Pù Hoạt – Pù Pha Lông, các loài Hổ (Panthera tigris), Báo Hoa mai (Panthera pardus), Báo lửa (Felis temmincki), Báo gấm (Pardofelis nebulosa), Sói (Cuon alpinus), 2 loài Gấu (Ursus thibetanus, Ursus malayanus) và các loài Cầy (Viverridae) tập trung ở núi Pù Pha Nhà giáp Lào. Sói đỏ (Cuon alpinus) xuất hiện nhiều, khoảng 3 đàn, mỗi đàn 7 – 10 con, trong số 27 loài quí hiếm.
4. Đa dạng văn hoá:
Những đặc trưng giá trị văn hóa được thể hiện trên một dải nối liền các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thiết lập từ Pù Hoạt xuống Pù Huống đến Pù Mát. Đặc trưng văn hóa của một vùng thượng nguồn dòng sông Cả với các chi lưu lớn đều bắt nguồn từ các dãy núi thuộc 3 Khu bảo tồn thiên nhiên này. Đặc điểm địa hình cánh cung bán sơn địa thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, vành đai “bản lề” giữa miền núi và dải đồng bằng rộng lớn của tỉnh Nghệ An, kéo tới giáp Biển Đông đã tạo nên những giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc với đặc trưng của miền núi phía Tây một địa bàn đa dạng sinh học gắn liền với đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em trên mảnh đất phía Tây Nghệ An này.

Bảng 3: Đa dạng văn hóa gắn liền với đa dạng sinh học trong khu DTSQ đề xuất

Đa dạng văn hóa và truyền thống

Khu BTTN

Pù Hoạt

Khu BTTN

Pù Huống

Vườn Quốc gia

Pù Mát

Các cộng đồng dân tộc thiểu số đặc trưng trong các khu BTTN

Thái, Khơ Mú, H’ Mông, Kinh

Thái, Khơ Mú, H’ Mông, Kinh, một số Ơ Đu 

Thái, Đan Lai (Ly Hà)

Khơ Mú, Ơ Đu, H’ Mông, Kinh

Đặc điểm đặc trưng các truyền thống văn hóa bản địa

Truyền thống văn hóa tộc người Thái (định cư lâu đời nhất)

Các tộc người khác Khơ Mú, H’ Mông và Kinh định cư muộn hơn, ảnh hưởng bản địa đan xen

Truyền thống văn hóa tộc người Thái (định cư lâu đời nhất)

Ơ Đu – tộc người bản địa, rải rác trên vùng đệm

Tộc người Khơ Mú, H’ Mông, Kinh đan xen

Truyền thống văn hóa tộc người Thái

Địa vực tộc người Ơ Đu bản địa trên lòng máng sông Nậm Nơn, vương quốc cổ đại bộ tộc Ơ Đu

Các tộc người khác định cư muộn hơn

Phương thức canh tác truyền thống

Lúa nước là chính, kết hợp canh tác đất dốc, vườn nhà tự cấp

Vườn trồng quế truyền thống

Lúa nước là chính, kết hợp canh tác đất dốc, vườn nhà tự cấp

Canh tác lúa nước là chính, kết hợp nương rẫy

Giao lưu đường thủy trên các sông Nậm Nơn (điển hình) và sông Nậm Mô thượng lưu sông Cả

Đánh bắt cá giỏi

Văn hóa truyền thống

Một trong số các trung tâm định cư tộc người Thái (dòng Man Thanh)

Văn hóa bản sắc tộc người Thái, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và mạnh

Văn hóa bản sắc tộc người Thái. Di sản văn hóa tộc người bản địa Ơ Đu gắn với địa vực cổ đại Ơ Đu vùng Nậm Nơn – sông Cả

Sinh kế và nghèo đói

Vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của miền núi tỉnh Nghệ An, còn nghèo và chậm phát triển

Phần lớn thuộc vùng sâu vùng xa miền núi tỉnh Nghệ An, còn nghèo và chậm phát triển

Vùng sâu vùng xa miền núi Tây Nghệ An, nhưng ven sông lớn và quốc lộ 7, có điều kiện phát triển thuận lợi hơn

Đặc trưng văn hóa – nhân văn toàn vùng được thể hiện nổi bật trong cộng đồng tộc người Thái, với những giá trị bản địa rất đặc sắc. Mặt khác, không thể bỏ qua giá trị cội nguồn tộc người Ơ Đu, từng một thời từ thế kỷ thứ 11 trở về trước đã là một bộ tộc với nền văn hóa rực rỡ ngã ba sông Nậm Nơn – Nậm Mô – sông Cả. Dân số tộc người Ơ Đu theo thống kê của tỉnh Nghệ An ở thời điểm ngày 30 tháng 12 năm 2003 có 528 người, được xác định là tộc người đang ở tình trạng nghèo khổ nhất, có dấu hiệu thoái hóa về thể chất và hoàn cảnh sống.
Vùng đệm khu BTTN Pù Huống có bốn dân tộc cùng sinh sống là người Kinh, Thái, Khơ mú và H’Mông, 8 535 hộ với 49 699 nhân khẩu. Bảo tồn cả về các giá trị thiên nhiên và giá trị văn hóa nhân văn của liên Khu bảo tồn Pù Hoạt – Pù Huống – Pù Mát  sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của tổng hợp bảo tồn vùng lưu vực đầu nguồn sông Cả miền núi phía Tây Nghệ An. Có thể nói đây là những giá trị hiếm có của một tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hóa đồ sộ và hoành tráng với những giá trị của hàng nghìn loài động thực vật, với nhiều loài động thực vật hoang dã, quí hiếm cùng với di sản văn hóa các cộng đồng tộc người vùng sông Hiếu, sông Nậm Nơn, truyền thống bản địa Ơ Đu – Thái.
Nghi lễ tôn giáo liên quan đến săn bắt thú: Hàng năm, những người thợ săn đi rừng từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến ngày 23 tháng Chạp. Họ đi thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 2 đến 8 người. Họ làm lán, ăn ở luôn trong rừng, chờ đến khi nào hết lương thực hoặc bắt được thú thì mới lần lượt thay nhau về làng. Do ở rừng dày ngày, để tránh những bất trắc đe dọa đến tính mạng, cộng với mong muốn bắt được nhiều thú , nên những ngày đầu năm mới, họ đến nhà thầy cúng, đền, chùa trong vùng xin bùa “hộ mệnh” để đeo trong người, treo ở trước cửa nhà và lán trại trong rừng. Họ cũng chọn ngày giờ tốt để đi vào rừng. Ngày tốt thường là ngày chẵn: 2, 6, 8, 10, 12, 16…; không đi vào ngày xấu: 5, 14, 23 và trước khi đi, họ thắp hương ở bàn thờ gia tiên.
Vào tới nơi, họ lại làm lễ cúng thần Giang Sơn, cúng hai lần (đầu năm và cuối năm) trong một năm. Lễ đầu năm cúng vào ngày 7 tháng Giêng gọi là lễ mở cửa rừng và lễ cuối năm vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch – lễ đóng cửa rừng. Nghi lễ cúng thần Giang Sơn làm dưới gốc cây cổ thụ nơi đánh bẫy, hoặc trong lán ở với lễ vật gồm có: trầu, cau, rượu, xôi, gà, nước chè xanh, vàng mã, hương, nến. Ngoài ra, hàng tháng những người thợ săn đều thắp hương vào ngày 30 và mùng 1; 14 và 15 tại lán, bên khe suối, dưới gốc cây cổ thụ nơi gài bẫy. Với người theo đạo công giáo, họ thường đọc kinh vào sáng sớm, chiều tối, lúc ăn cơm hoặc đi gài bẫy, thăm thú cầu chúa Jêsu ban phước lành.
Hàng ngày, những người thợ săn còn có nhiều điều kiêng kỵ như: kiêng gặp đàn bà, người có vía dữ, người đội khăn tang; kiêng không gọi tên nhau trong rừng, khi cần chỉ việc hú thay cho gọi (để tránh ma rừng bắt), không ăn cơm khê, không chặt các cành cây cổ thụ và lấy củi đun ở cây cụt ngọn, không chặt cây sét đánh mang về làm lán, bếp không để tắt.
Tín ngưỡng cả người thợ săn cũng thay đổi theo nhận thức của từng người, từng lứa tuổi và thời gian khác nhau. Xưa ngọn núi Bà Mụ được coi là khu “rừng thiêng” không ai dám vào khai thác, nay đã có người vào lấy trầm, chặt gỗ, đánh bẫy . Hơn thế nữa, những con “vật thiêng” được mệnh danh là Chúa sơn lâm, được tôn làm thần, thánh như hổ, chó sói, gà trắng không một ai bắt ăn thịt và khi đi rừng phải gặp chúng, người ta phải chắp tay lậy, với những lời cầu xin thành kính: “Con lạy các Ngài sơn lâm, bà chúa rừng, thần sông suối, thần cây phù hộ cho con được tai qua nạn khỏi; con vào rừng kiếm ăn cầu xin các Ngài phù hộ”. Nếu thấy con “vật thiêng” chết, họ phải mang chôn dưới gốc cây cổ thụ ở ngay cạnh khe suối. Từ năm 1995 đến nay, lệ tục này không còn là do giá thu mua các con “vật thiêng” thường cao hơn các con thú khác, nên người ta tìm mọi cách để bắt, nếu chết thì lấy xương về nấu cao cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài ra, lớp thanh niên ngày nay tiếp cận nhiều với ti vi, đài báo nên nhận thức cũng được thay đổi. Anh Đỗ Văn Hanh cho biết: “Tôi không tin trong rừng có ma, có thần thánh. Những luật tục của người già quy định trước đây giờ không thích hợp với thời cuộc hôm nay với lớp trẻ chúng tôi”

Thúc đẩy phát triển kinh tế và nguồn lực con người

Thúc đẩy phát triển kinh tế và nguồn lực con người, bền vững về mặt sinh thái và văn hóa xã hội
Một dải các Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống và Vườn Quốc gia Pù Mát có tổng diện tích đất đai tự nhiên bao gồm cả vùng lõi và vùng đệm gần 500 000 ha, số dân gần 200 000 người sẽ gắn kết những giá trị tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan, truyền thống văn hóa góp phần phát triển kinh tế đảm bảo xây dựng thành công chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Mới đây, Chính phủ đã quyết định xây dựng công trình thủy điện trên sông Nậm Nơn (trung tâm địa vực Ơ Đu) có tên gọi Thủy điện Bản Vẽ, sẽ khởi công đầu năm 2006 và sẽ hoàn thành 2010, diện tích mặt nước hồ 4 500 ha, công suất 75,5 MW. Công trình này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho một vùng rộng lớn.
Mặt khác, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên trong toàn vùng rất đa dạng và phong phú. Du khách có thể khám phá những giá trị cảnh quan rất phong phú đặc sắc của toàn vùng từ Pù Hoạt xuống Pù Huống và tới Pù Mát, từ những dãy núi Pù Hoạt – Pù Pha Lâng – Pù Nhích – Pù Phà Nhà kéo dài xuống Pù Khạng, Pù Huống với đỉnh cao trên   1 500 m nối tiếp nhau (đỉnh cao nhất 2 452 m) trên lưu vực sông Cả về phía Bắc; dãy núi Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đin, Pù Mát, Cao Vều trên lưu vực sông Cả về phía Nam, với nhiều đỉnh cao trên 1.000m. Hệ thống sông suối thượng nguồn của lưu vực sông Cả không chỉ tạo nên cảnh quan độc đáo mà còn đậm nét các vùng văn hóa nhân văn bản sắc tộc người Thái (ven sông Hiếu, sông Nậm Mô, sông Khe Thơi), tộc người Ơ Đu (ven sông Nậm Nơn), tộc người Đan Lai (sông Khe Choang), và đan xen nhiều nền văn hóa ven sông suối. Đây chính là những giá trị cảnh quan thiên nhiên và giá trị bản sắc các nền văn hóa gắn liền với tiềm năng du lịch mà vẫn chưa được khai thác.
Một số chính sách của địa phương đã khuyến khích phát triển du lịch sinh thái lồng ghép các nội dung du lịch văn hóa, có sự tham gia đích thực của các cộng đồng tộc người bản địa, là một trong những thế mạnh thúc đẩy phát triển bền vững toàn vùng. Hoạt động du lịch với các mục tiêu nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đem lại những lợi ích an sinh thực sự cho địa phương có Khu dự trữ sinh quyển. Các hoạt động này đang góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và tôn tạo những cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, các nguồn gen nhiều loài quí hiếm.
Chính công việc bảo tồn sẽ trợ giúp cho phát triển kinh tế. Với diện tích rừng rộng lớn phân bố vùng đầu nguồn, rừng khu BTTN Pù Huống có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phòng hộ đầu nguồn cho sông Cả và sông Hiếu bên cạnh chức năng kiểm soát lũ lụt hạn hán và bảo vệ công trình cơ sở hạ tầng vùng hạ lưu các con sông này.
UBND Tỉnh thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ trên văn bản số 933/CP-ĐP ngày 05/7/2004 về chương trình hỗ trợ phát triển các dân tộc ít người đặc biệt khó khăn và có nguy cơ tuyệt chủng, triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu ở miền núi Nghệ An” nhằm thực hiện phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc Ơ Đu đạt được ổn định lâu dài, bảo tồn và phát huy những yếu tố văn hóa đặc trưng của người Ơ Đu bản địa.
Hiện nay, vùng đệm khu BTTN Pù Huống tăng cường các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn 12 xã thuộc 5 huyện: xã cắm Muộn, Quang Phong (huyện Quế Phong); xã Châu Thành, Châu Cường và Châu Thái (huyện Quỳ Hợp); xã Châu Hoàn, Diễn Lãm (huyện Quỳ Châu); xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông); và các xã Nga My, Yên Hoà, Yên Tĩnh à Hữu Khuông (huyện Tương Dương) tiếp giáp với ranh giới Khu bảo tồn với diện tích là 110 883 ha (Nguyễn Ngọc Chính và cộng sự 1996).
Toàn bộ các xã vùng đệm khu bảo tồn là các xã vùng sâu vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn trong chương trình 135. Các hoạt động kinh tế của cộng đồng dân cư vùng đệm là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và tham gia khai thác lâm sản phi gỗ. Thu nhập chính của đại bộ phận người dân trong vùng từ nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên, trong vùng vẫn có những hộ gia đình có nguồn thu tiền mặt chủ yếu từ thu hái lâm sản. Nhìn chung, mức sống của người dân trong vùng rất thấp do họ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghệp trong khi thiếu đất canh tác, thiếu vốn đầu tư, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất và họ cũng không có nghề phụ.
Cơ sở hạ tầng ở các xã vùng đệm gặp nhiều khó khăn. Hầu hết tất cả các xã chưa tiếp cận với lưới điện quốc gia, phần lớn dân trong vùng dùng máy thuỷ điện nhỏ. Hệ  thống giao thông trong vùng rất khó khăn, phần lớn các xã có thể tiếp cận bằng đường ô tô song là đường đất, hệ thống cầu chưa được xây dựng nên rất khó tiếp cận trong mùa mưa. Hiện tại một vài xã chỉ có thể tiếp cận bằng đường sông như xã Hữu Khuông, Yên Tĩnh huyện Tương Dương. Mạng lưới giáo dục đã tới các thôn bản song chưa đảm bảo chất lượng phục vụ. Cũng như giáo dục, hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ cũng gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chất lượng cán bộ.

Hỗ trợ hậu cần

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường được lồng ghép trong các hoạt động của cộng đồng. Được sự tài trợ của Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), một chương trình đánh giá các giải pháp quản lý, nâng cao kiến thức cho người dân với sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với phát triển kinh tế – xã hội đã được triển khai tại xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, địa bàn Pù Huống nhằm xác định mô hình phát triển bền vững với các yếu tố cốt lõi giữa bảo vệ tài nguyên rừng và các truyền thống nhân văn tộc người Thái – Khơ Mú – Kinh trong sử dụng đất đai và tài nguyên nước.
Năm 2004, với sự hợp tác và tài trợ của Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (SNV), một chương trình nghiên cứu đánh giá các nhu cầu bảo tồn thiên nhiên, xác định rõ yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững không thể tách khỏi tăng cường bảo tồn thiên nhiên đã được triển khai tại Pù Huống.
Các chương trình khuyến nông phát triển nông nghiệp nâng cao đời sống đang phát huy hiệu quả tốt. Theo dự án Quế của huyến Quế Phong tháng 4/1997, mỗi ha Quế có thu nhập bình quân 0,2/ha. Sau 12 năm định hình lãi toàn bộ 28,1 triệu/ha, bình quân trồng cây Quế đem lại 2,3 triệu năm. Hiện nay có 750 ha gần bản làng và nương rẫy cũ để phục hồi rừng đặc sản bản địa là cây Quế, bình quân mỗi gia đình được đầu tư vốn trồng 2 ha Quế (3 298 000 đ). Một số hoạt động kinh tế có hiệu quả khác như:
–  Vườn cây ao cá: Lợi dụng dòng chảy của ruộng bậc thang có thể tạo vườn cây ao cá (VAC) cho 110 hộ. Thu nhập bình quân từ ao cá có thể đạt 90 kg/hộ/năm hoặc 900 000 đ/hộ/năm. Tạo vườn rau quả để nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, chứ không bán lấy tiền được.
–  Trồng Song Mây dưới tán rừng: Đầu tư thí điểm mỗi hộ 1/5 ha hoặc 0,3 triệu/hộ. Sau 5 năm định hình và thu nhập sản phẩm, các hộ sẽ tự đầu tư.
–  Nâng cao dân trí: tổ chức cho 30 hộ gia đình của 4 bản và 100 chủ gia đình của vùng đệm đi tham quan các mô hình về sản xuất, sử dụng đất, xây dựng bản làng của các điển hình miền núi khác và tham quan các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia trong nước, tham quan các mô hình tổ chức làng bản về ăn ở vệ sinh, cũng như các bản làng bản du lịch ở Mai Châu sẽ nâng cao hiểu biết của nhân dân bên trong Khu bảo tồn và vùng đệm để cùng thực thi các chương trình bảo tồn thiên nhiên.
–  Tổ chức học tập và tham quan về sinh đẻ kế hoạch sẽ là một trong các biện pháp hạn chế áp lực vào việc bảo tồn thiên nhiên, hạ tỷ lệ sinh đẻ xuống 1,5% sao cho đến năm 2003 tại 3 bản bên trong vẫn đảm bảo an toàn lương thực và đời sống vẫn được nâng cao mà không phải mở thêm diện tích canh tác vùng đệm. Tỷ lệ sinh đẻ chỉ tăng dưới 1,8% để hạn chế việc mở rộng diện tích canh tác lương thực.

Bao gồm các khảm (mosaic), các hệ sinh thái đặc trưng và cả mức độ can thiệp của con người

Các hệ sinh thái đại diện cho khu DTSQ đề xuất được thể hiện trong 3 Khu bảo tồn: Vườn Quốc gia Pù Mát, khu BTTN Pù Huống và khu BTTN Pù Hoạt. Vườn Quốc gia Pù Mát có tỉ lệ che phủ trên 80% diện tích. Sự phân bố của lớp phủ thực vật như sau: 62% là rừng nguyên sinh (gần như chưa bị tác động), 30% là rừng có tán che chở đã bị tác động, 3% là rừng tái sinh bị tác động nghiêm trọng, 1% là đất canh tác (dọc theo thung lũng Khe Khặng). Diện tích còn lại là thực vật hỗn giao cây bụi ven sông, đá và đất trống, và những diện tích trên ảnh có mây che phủ (không thể phân loại). Khu BTTN Pù Huống và Pù Hoạt có rừng núi đất, núi đá với nhiều loài động thực vật có giá trị bảo tồn mang tính toàn cầu. Sự đa dạng về sinh cảnh là yếu tố quan trọng tạo nên tính ĐDSH cao của khu hệ động thực vật rừng của Khu bảo tồn. Rừng đóng vai trò quan trọng bảo vệ nhiều loài thú lớn hiện đang bị đe doạ ở mức toàn cầu như Hổ (Panthera tigris), Báo hoa mai (Panthera pardus), Bò tót (Bos gaurus) cũng như các loài thú mới phát hiện cho khoa học gần đây là Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina), Khỉ mặt đỏ (M. arctoides), Voọc Hà Tĩnh (Tranchipithecus hatinhensis), Vượn đen má trắng (Hylobates concolor leocogenis). Một thể khảm bao gồm các khu sinh địa đặc trưng như sau:
–  Rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh: Đây là loại rừng có tán che kín, chưa bao giờ bị tác động nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác lâm sản. Loại rừng này bao gồm rừng có tán che rộng thường xanh, rừng thay lá và rừng lá kim hỗn giao. Gặp ở các tuyến khảo sát Khe Khồ Khề – Lán Bọ Chó, Lán Bọ Chó đến Dông Pù Huống, Khe Mục Pán đến Khe Khoăng, Mục Pán-dông Pù Lon. Riêng rừng nguyên sinh ven suối ở tuyến khảo sát Mục Pán-dông Pù Lon có các cây gỗ lớn đường kính tới 150 cm. Vùng này gần như chưa thấy hoạt động khai thác gỗ.
–  Rừng mưa nhiệt đới thứ sinh: Loại này có tán che hở thường xanh và cây thay lá xen kẽ cây bụi đang tái sinh. Những vùng rừng này bị tác động nặng nề bởi các hoạt động của con người, chủ yếu là khai thác gỗ có lựa chọn. Ở tuyến khảo sát Bản Khì đến khe Khồ Khề: phân bố nhiều ở vành đai tiếp giáp với khe Khồ Khề có độ cao 500 m.
–  Rừng lùn: Kiểu rừng này gặp ở đỉnh tam giác Pù Huống có diện tích hẹp, có thân cây cằn cỗi, cây có Rêu, Phong lan bám đầy. Tầng rừng chỉ cao không quá 5 m, đường kính cây gỗ nhỏ dưới 30 cm, cây lá nhỏ gỗ cứng. Kiểu rừng này có tầng thảm mục chưa phân hoá luôn có mây che phủ ẩm ướt và lạnh.
–  Rừng suy thoái: Đây là những vùng diễn ra các hoạt động của con người, bao gồm hai loại. Thông thường được tìm thấy ở những vùng có đất bị phát quang để canh tác và sau đó bị hoang hoá. Mét (Dendrocalamus barbatus) mọc rất đều với hình thức canh tác độc canh. Nếu đất nghèo kiệt, nó sẽ phát triển kém hơn các thực vật khác trong vùng. Dần dần, nó sẽ bị thay thế bởi các cây gỗ và cây bụi tiên phong. Cây bụi thân gỗ và cây bụi nhỏ được hình thành từ các loài ở tầng thấp và các cây lâm nghiệp non hình thành cây bụi trong một số trường hợp do các hoạt động chăn thả gia súc. Loại rừng này được tìm thấy ở những vùng mà đất quá khô cằn không thể canh tác đã để cho hoang hoá trong 5-10 năm, dần dần loại thực vật này sẽ phát triển thành độ che phủ của rừng.
–  Vùng núi đá có cây bụi: Nói chung, những vùng này được hình thành từ những cây bụi gỗ (thấp hơn 2 mét) và cỏ. Rừng ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyên vẹn và hiểm trở, có các loài thực vật phổ biến như Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Sến mật (Madhuca pasquieri), Trâm núi (Syzygium sp.), Gội núi (Aglaia perviridis)… Đây còn là điểm phân bố và cư trú chủ yếu của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis).
–  Các thảm cỏ cao và thấp: Loại cỏ cao che phủ này xuất hiện một vài năm sau khi đất canh tác bị hoang hoá. Nếu đất không bị nghèo kiệt, nó sẽ phát triển thành cây bụi gỗ hoặc mét. Nếu đất không cung cấp đủ dinh dưỡng, cỏ cao sẽ trở thành thực vật tầng trên. Loại cỏ thấp sẽ phát triển trở lại ngay sau khi đất canh tác khô cằn bị hoang hoá. Tuy nhiên, cỏ thấp là dấu hiệu của những vùng đất quá nghèo kiệt và thực vật không thể phát triển thêm nữa. Những vùng này thường được dùng để chăn thả gia súc.
–  Đất canh tác nông nhiệp: Được chia thành hai loại, đất canh tác hoa màu (ví dụ, đất dốc hay những vùng đất không đủ nước tưới) và đất trồng lúa nước nơi có đủ nước tưới. Đất canh tác hoa màu dùng để trồng ngô, lúa cạn và sắn. Thông thường, những vùng đất này được canh tác trong khoảng 1-5 năm sau đó bỏ hoang trong 1-20 năm, phụ thuộc vào sức ép của dân số; và đất lúa nước. Có thể thấy đất trồng lúa nước ở dọc theo các con sông và được dùng để canh tác từ 1-2 vụ lúa một năm. Các vụ mùa này phụ thuộc vào nước tưới và thời tiết.
–  Các sông suối dọc theo tuyến khảo sát Khe Cồ – Khe Hịn Đọng, Bản Cướm- Khe Quán, lòng suối từ 4 – 6 m với độ dốc cao, dòng chảy mạnh, đặc biệt ở đầu ngọn khe Bô có những thác cao đến 40-50 m. Thành phần thực vật ở hai bên khe Bô chủ yếu là Chuối rừng (Musa coccinea), Tre nứa (Neohouzeaua), Chò nước (Platanus kerri), Tô hạp (Altingia sinensis)…
–  Canh tác nương rẫy: Trên tuyến khảo sát từ bản Khì đến hết bản Tèo, dọc đường đi xung quanh bản Cướm, tuyến khảo sát Bản Tạ – Bản Huồi Lắc, Bản Huồi Lắc- Chân Pù Lon. Thành phần thực vật chủ yếu là Lúa nước, Lúa nương, Ngô, Đậu, Sắn và một số các loại cây khác. Các nương rẫy sau khi thu hoạch thường bị bỏ hoang sau đó được phục hồi 1 đến 2 năm, thành phần thực vật chủ yếu là loại cây Ràng ràng (Ormosia pinnata), Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Côm (Elaeocarpus sp.)… các khu rừng bị chặt phá làm nương rẫy sau đó bị bỏ hoang có chu kì ngắn hơn do vậy các cây rừng nương rẫy có đường kính nhỏ hơn 10-20 cm và tán thấp 5-7 m.

Có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học

Toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Pù Mát và hai Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng tổ chức quốc tế Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF xác định và công bố chính thức tháng 6 năm 2003). Vùng sinh thái dãy Trường Sơn trải rộng và nằm dài trên phạm vi lãnh thổ 2 quốc gia là Việt Nam và Lào, thuộc lãnh thổ nước ta từ dãy núi Pù Luông (Hòa Bình, Thanh Hóa) qua suốt các tỉnh Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và tới các tỉnh phía Bắc miền Đông Nam bộ (Bình Phước, Đồng Nai, một phần Bà Rịa – Vũng Tàu). Lòng máng sông Cả (sông Lam) chỉ là đứt gãy bản lề của vùng sinh thái Trường Sơn này, thành tố đa dạng hệ sinh thái Trường Sơn.
Việc hình thành Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có ý nghĩa thiết lập một hành lang bảo tồn đa dạng hệ sinh cảnh của các loài động thực vật có giá trị (đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn). Căn cứ mức độ cho điểm bảo tồn (8 tiêu chí và điểm tối cao là 5) để có thể xác định được giá trị sinh thái của 3 cơ sở nền bảo tồn thiên nhiên vùng này. Vườn Quốc gia Pù Mát là một khu vực được ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Quốc gia, đồng thời là khu vực có diện tích rừng tự nhiên rộng nhất miền Bắc Việt Nam và có ý nghĩa nhất trong việc bảo tồn hệ sinh thái của dải Trường Sơn. Vườn Quốc gia  Pù Mát có vị trí tiếp giáp với các khu rừng rộng và nối dài về phía bên kia biên giới Việt – Lào và các khu rừng kéo dài từ phía Nam của dải Trường Sơn, điều đó làm tăng thêm tầm quan trọng của nó trong khu vực.
Đây là Khu bảo tồn rất đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới chưa hoặc ít bị tác động. Tiếp theo là những loại rừng hỗn giao thể hiện sự diễn thế của loài chuyển tiếp sinh thái đại diện cho một số hiếm các khu rừng được bảo vệ ở Việt Nam. Các khu vực rừng hỗn giao lá kim còn sót lại ở đây có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong việc bảo tồn những loài chỉ duy nhất phân bố trong loại môi trường sống này. Những khu rừng ở độ cao hơn 1000 mét so với mặt biển ở trong Khu bảo tồn không nhiều nhưng nó là một trong số khu vực đặc biệt đại diện cho những khu vực được bảo vệ gần biên giới quốc tế nhất.
Hệ thống sông suối cũng cung cấp cho các Khu bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học đáng kể.  Đặc biệt là số lượng lớn về các loài bị đe doạ và những loài sắp bị đe dọa bởi sự diệt chủng bao gồm cả một số loài đặc hữu đối với dải núi Trường Sơn. Đây là nơi cung cấp một quần thể lớn nhất về các loài đặc hữu ở Bắc Việt Nam với số lượng quần thể loài quí hiếm mang ý nghĩa quốc gia, khu vực và quốc tế, bao gồm một số loài bị đe doạ như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Voi (Elephas maximus), loài Mang đặc hữu của vùng, Cầy Vằn Trường Sơn (Chrotogale awstoni), Vượn Má Trắng (Hylobates leucogenys/gabriellae) và Niệc Cổ Hung (Aceros nipalensis).
Bảng  4 : Kết quả sơ bộ điều tra khảo sát điều kiện tự nhiên, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, giá trị đặc trưng của các Khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia Pù Hoạt, Pù Huống, Pù Mát

TT

Giá trị đặc trưng có ý nghĩa bảo tồn

Khu BTTN Pù Hoạt

Khu BTTN Pù Huống

Vườn Quốc gia  Pù Mát

1

Cảnh quan địa lý

Miền núi Bắc Trường Sơn

Đầu nguồn lưu vực sông Cả

Xen lẫn cảnh quan núi đá vôi (Kast)

Miền núi Bắc Trường Sơn

Đầu nguồn lưu vực sông Cả

Xen lẫn cảnh quan núi đá vôi (Kast)

Miền núi Bắc Trường Sơn điển hình

Đầu nguồn lưu vực sông Cả

Xen lẫn cảnh quan núi đá vôi (Kast)

2

Hệ sinh cảnh và các hệ sinh thái tự  nhiên

Rừng lá rộng thường xanh có hỗn giao một số loài lá kim, đặc biệt một số loài hiếm quí

Rừng thường xanh Bắc Trường Sơn, lòng máng sông và nhiều suối lớn

Núi đá vôi có rừng

Tương tự với Pù Hoạt và Pù Mát

Tương tự với Pù Hoạt và Pù Huống, nhiều đặc trưng và hiếm quí hơn

Đặc sắc cảnh quan núi đá vôi xen với dải Bắc Trường Sơn đồ sộ

3

Số loài thực vật hoang dã / số loài ghi trong Sách Đỏ quốc gia và quốc tế

Loài hiếm quí đặc trưng

736 loài (năm 1997)

30 loài quí hiếm

(4 loài đặc trưng)

612 loài (năm 2002)

21 loài quí hiếm

(4 loài đặc trưng)

1297 loài (năm 2001)

51 loài quí hiếm

(12 loài đặc trưng)

4

Số loài động vật hoang dã / số loài ghi trong Sách Đỏ quốc gia và quốc tế

Loài hiếm quí đặc trưng

193 loài (năm 1997)

41 loài quí hiếm

(6 loài đặc trưng)

219 loài (năm 2002)

45 loài quí hiếm

(7 loài đặc trưng)

938 loài (năm 2001)

77 loài quí hiếm

(19 loài đặc trưng)

5

Xác định mức độ chức năng bảo tồn

Bảo tồn ưu tiên

Bảo tồn ưu tiên

Bảo tồn

đặc biệt ưu tiên

Là điểm cung cấp cơ hội khácm phá và minh chứng khả năng phát triển bền vững trên phạm vi khu vực

Phát triển bền vững dựa trên 3 lĩnh vực cơ bản: bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tăng thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo cộng đồng người dân địa phương góp phần giải quyết những vấn đề xã hội. Lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học được thể hiện khá rõ trong 3 Khu bảo tồn trong hệ thống các Khu bảo tồn quốc gia. Các Khu bảo tồn này được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương cũng như các tổ chức bảo tồn quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và môi trường của địa phương.
Bảng 5: Các Khu bảo tồn nằm trong hệ thống quốc gia các khu bảo vệ được thể chế hóa trong các văn bản của nhà nước.

 

TT

Cơ sở bảo tồn thiên nhiên theo cấp độ phân loại

Tên (theo địa danh)

Diện tích (ha)

Thuộc địa bàn huyện

Vùng lõi

Vùng đệm

1

Vườn quốc gia

Pù Mát

91 113

100 370

Anh Sơn

Con Cuông

Tương Dương

2

Khu bảo tồn thiên nhiên

Pù Huống

43 972

110 880

Quì Châu

Quì Hợp

Quế Phong

Con Cuông

Tương Dương

3

Khu bảo tồn thiên nhiên

Pù Hoạt

56 837

70 068

– Quế Phong

* Nguồn: Dự án chính thức xây dựng các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn đã được cấp thẩm quyền nhà nước phê duyệt.
Góp phần phát triển kinh tế bền vững cho khu vực này, mới đây Chính phủ đã quyết định xây dựng công trình thủy điện trên sông Nậm Nơn (trung tâm địa vực Ơ Đu) có tên gọi Thủy điện Bản Vẽ, khởi công đầu năm 2006 và sẽ hoàn thành 2010, cột nước dâng 200 m, diện tích mặt nước hồ 4 500 ha, công suất 75,5 MW. Đây là công trình quan trọng góp phần phát huy tiềm năng tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên cùng với giữ gìn văn hóa nhân văn truyền thống, nâng cao mức sống người dân địa phương.
Ngoài ra, UBND Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dự án tái định cư phát triển bền vững cộng đồng tộc người Đan Lai (Ly Hà, Tày Poọng) địa phận Pù Mát huyện Con Cuông. Một chương trình phát triển tổng hợp có sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm phát triển kinh tế – xã hội được triển khai tại xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu (địa bàn Pù Huống), xây dựng các mô hình phát triển bền vững kết hợp hài hòa giữa bảo vệ tài nguyên rừng và các truyền thống nhân văn tộc người Thái – Khơ Mú – Kinh trong sử dụng đất đai và tài nguyên nước. Một dự án khác “Hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng dân tộc người Ơ Đu ở miền núi Nghệ An nhằm thực hiện mô hình phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc Ơ Đu tiến tới ổn định lâu dài cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy những yếu tố văn hóa đặc trưng của người Ơ Đu bản địa.
Các hoạt động văn hóa, xã hội tuyên truyền và giáo dục đã nâng cao kiến thức và nhận thức cho người dân về giá trị cảnh quan rất phong phú và đặc sắc của toàn vùng từ Pù Hoạt xuống Pù Huống và tới Pù Mát. Từ những dãy núi Pù Hoạt – Pù Pha Lâng – Pù Nhích – Pù Phà Nhà kéo dài xuống Pù Khạng, Pù Huống, đỉnh cao trên 1500 m nối tiếp nhau (đỉnh cao nhất 2 452 m) trên lưu vực sông Cả về phía Bắc; dãy núi Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đin, Pù Mát, Cao Vều trên lưu vực sông Cả về phía Nam với nhiều đỉnh cao trên 1 000 m. Hệ thống sông suối của lưu vực sông Cả không chỉ tạo nên cảnh quan độc đáo mà còn đậm nét các vùng văn hóa nhân văn bản sắc tộc người Thái (ven sông Hiếu, sông Nậm Mô, sông Khe Thơi), tộc người Ơ Đu (ven sông Nậm Nơn), tộc người Đan Lai (sông Khe Choang), và đan xen nhiều nền văn hóa ven dòng sông Cả.
Trong các hoạt động phát triển kinh tế thì du lịch sinh thái được coi là hoạt động then chốt nhằm thúc đẩy toàn bộ các hoạt động bảo tồn gắn liền với các dịch vụ du lịch để từng bước cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân. Các hoạt động du lịch đang dần được phát triển gắn với các hoạt động văn hóa, các lễ hội quần chúng trong các dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn các cảnh đẹp thiên nhiên, các loài quí hiếm, các hệ sinh thái đặc trưng, đặc biệt là rừng nguyên sinh sẽ cuốn hút du khách trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Về mặt chiến lược, UBND Tỉnh cũng ủng hộ và chỉ đạo những hoạt động này như một phần trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.
Bảng 6: Các tuyến và điểm du lịch gắn với các hoạt động văn hóa và bảo tồn đa dạng sinh học.

 

TT

Tuyến – Điểm

Những giá trị

văn hóa điển hình

Giá trị vẻ đẹp cảnh quan của ĐDSH

1

Dọc sông Hiếu vào sông Cả

Văn hóa tộc người Thái vùng quế Kim Sơn, Quế Phong

Văn hóa, lễ hội của tộc người Khơ Mú, H’ Mông và Kinh

Rừng già nguyên sinh trên các dãy núi cao

Hang động núi đá vôi

Thác nước

2

Dọc sông Nậm Nơn tới ngã ba Nậm Mô vào đầu sông Cả

Nét sinh hoạt của tộc người Ơ Đu

Dấu tích nền văn hóa Ơ Đu cổ đại, lễ hội giao lưu trên sông, đánh bắt thủy sản

Thủy điện Bản Vẽ

Rừng già nguyên sinh trên các dãy núi cao

Hang động núi đá vôi

Thác nước

3

Dọc sông Cả từ Cửa Rào xuôi dòng qua địa phận Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn

Giá trị văn hóa giao thoa và kết hợp các vùng miền tộc người Thái – Kinh – Khơ Mú,

Các loại hình canh tác đan xen của các dân tộc

Phân bố không gian của các thị trấn, thị tứ, làng xã

Rừng nguyên sinh trên các dãy núi ven sông

Hang động núi đá vôi

Thác nước

Những khu rừng thuần loại tự nhiên như Săng Lẻ, Mét

4

Các tuyến thám hiểm

Khe Thơi, Khe Choang

Ngược dòng Nậm Nơn

Chinh phục các đỉnh cao trên các dãy Pù Hoạt, Pù Huống, Pù Mát

Địa điểm cư trú thời cổ đại của các tộc người Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai

Tìm hiểu hệ thống kiến thức bản địa

Sinh cảnh rừng nguyên sinh, thứ sinh

Các loài cây, con hiếm quí, đặc trưng

Có diện tích phù hợp để thực hiện 3 chức năng của KDTSQ

Tổng diện tích khu DTSQ đề xuất là 1 303 285 ha thuộc địa bàn 9 huyện miền núi (Con Cuông, Anh sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn,Thanh Chương, Tân Kỳ). Đây sẽ là một trong những khu DTSQ lớn nhất của Việt Nam phù hợp với tiêu chí thực hiện 3 chức năng của một khu DTSQ và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và UBND Tỉnh.
Các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được thực hiện trên 3 vùng lõi với tổng diện tích là 241 985 ha (Vùng lõi 1: Vườn Quốc gia Pù Mát 94 628 ha; Vùng lõi 2: Khu BTTN Pù Huống  60 163 ha và Vùng lõi 3: Khu BTTN Pù Hoạt 87 194 ha). Các vùng lõi này là các Khu bảo tồn trong hệ thống các Khu bảo tồn quốc gia được quản lý theo các văn bản qui chế và chỉ thị của Nhà nước về các Khu bảo tồn. Đây là các hoạt động chính góp phần thực hiện Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Các hoạt động kinh tế nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương sẽ được triển khai trong vùng đệm, vùng này có tổng diện tích 503 270 ha. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế trong vùng này đều nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan chính quyền địa phương nhằm thực hiện mục đích phát triển các hoạt động kinh tế, các ngành nghề thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm và đặc biệt là không gây áp lực, đe dọa các loài thú quí hiếm. Du lịch sinh thái là một trong những hoạt động ưu tiên trong vùng. Một vùng đệm rộng lớn này cũng sẽ tạo nên một hành lang an toàn cho sự hoạt động, kiếm ăn, săn mồi và sinh đẻ của các loài chim di cư, các loài thú quí hiếm cũng như các con mồi của chúng.
Các hoạt động nông nhiệp, công nghiệp và dịch vụ cùng với xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế do được triển khai trong vùng chuyển tiếp rộng lớn 558 030 ha. UBND Tỉnh và các ban ngành chức năng đã bước đầu triển khai việc thay đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu nông nhiệp chuyển từ kinh tế tự cấp tự túc sang nông nghiệp theo hướng xuất khẩu hàng hóa. Các hoạt động này sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo từng bước cải thiện đời sống người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác các hoạt động văn hóa xã hội sẽ được triển khai và lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế và bảo tồn trong cả các vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Các dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học, danh mục bổ sung các loài quí hiếm và có giá trị bảo tồn, giáo dục môi trường và giáo dục vì phát triển bền vững sẽ được triển khai trên cả 3 vùng góp phần thực hiện thành công sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương.

Có khoanh vùng phù hợp, rõ ràng

Toàn bộ khu DTSQ đề xuất được phân vùng rõ ràng theo các chức năng cơ bản của một Khu dự trữ sinh quyển. Khu DTSQ gồm 3 vùng lõi chạy dài theo hướng Bắc Nam được nối liền bằng các hành lang (vùng đệm). Đó là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống và khu BTTN Pù Hoạt. Tất cả các vùng lõi đều nằm dưới sự quản lý của UBND Tỉnh và tuân thủ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Việc phân vùng dựa trên địa giới hành chính đã có sẵn sẽ giúp cho công việc bảo tồn thuận lợi và nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia các họat động bảo tồn.
Vùng lõi 1 có diện tích 94 628 ha bao gồm toàn bộ diện tích VQG Pù Mát nằm trong địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện Anh Sơn (5 xã: Phúc Sơn, Hội Sơn, Tương Sơn, Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn), Con Cuông (7 xã: Môn Sơn, Lục Giạ, Yên Khê, Bồng Khê, Châu Khê, Chi Khê, Làng Khê) và Tương Dương (4 xã: Tam Quang, Tam Đình, Tam Hợp, Tam Thái).
Vùng lõi 2 có diện tích 60 163 ha bao gồm toàn bộ Khu BTTN Pù Huống thuộc 15 xã của 5 huyện: Quế Phong (3 xã: Cắm Muộn, xã Quang Phong), Quỳ Châu (2 xã: Châu Hoàn, Diễn Lãm), Quỳ Hợp (3 xã: Châu Thành, Châu Cường, Châu Thái), Con Cuông (xã Bình Chuẩn) và huyện Tương Dương (4 xã: Nga My,  Yên Hòa,  Yên Tĩnh,  Hữu Khuông). Huyện Con Cuông có 4 xã không có đất trong Khu bảo tồn, không giáp trực tiếp trong Khu bảo tồn, nhưng tiếp giáp vùng đệm Pù Huống và vùng đệm Pù Mát. Các xã thuộc vùng đệm nối liền Pù Mát với Pù Huống là xã Cam Lâm, Đôn Phúc, Thạch Ngàn và xã Mậu Đức.
Vùng lõi thứ 3 rộng 87 194 ha gồm toàn bộ Khu BTTN Pù Hoạt nằm trong phạm vi 6 xã: Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Trí lễ của huyện Quế Phong. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm hầu hết diện tích và trải dài 45km theo biên giới Lào Việt, 25km theo biên giới với Thanh Hóa. Để quản lý có hiệu quả, việc phân công trách nhiệm cụ thể cho các trạm bảo vệ và đội cơ động nên phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được chia thành 3 khu:
–  Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt I: 20 774 ha, nằm ở Nam huyện Thường Xuân – Thanh Hóa tới sông Chu. Phân khu này kiểm soát và giám sát các hoạt động bảo tồn từ Thông thụ, Đồng Văn ra cửa sông Chu đổ vào Thanh Hóa.
–  Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt II: 11 106 ha, nằm từ sông Chu tới giông núi Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ (1700 m). Phân khu này kiểm soát và giám sát các hoạt động bảo tồn theo tuyến đường Mường Piệt – bản Lốc đi Phú Phương và từ phía Lào vào Mường Piệt.
–  Phân khu nghiêm ngặt III: 24 957 ha. phạm vi kiểm sóat và giám sát các hoạt động bảo tồn từ giông Pù Pha Nhà đến tận cùng phía Nam Khu bảo tồn, núi Pù Hoạt.
Các phân khu trên cũng tạo điều kiện cho các công việc nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Tạo điều kiện cho các trường đại học và chuyên nghiệp học tập về rừng nhiệt đới vùng núi cao và trung bình và các Viện nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học. Phân khu cũng góp phần xây dựng các Khu bảo tồn giống các loài quí hiếm, giám sát sự thu giống để không làm tổn hại đến sự nguyên vẹn của rừng. Đồng thời cho phép du khách tham quan đỉnh Pù Hoạt, đỉnh Phu Pha Nhà trên một số tuyến được thiết kế cụ thể để đảm bảo các khu vực khác được yên tĩnh tuyệt đối cho động vật sinh sống.
Ngoài ra, còn có các phân khu phục hồi hệ sinh thái chiếm diện tích nhỏ và nằm ở các bản sát ranh giới ngoài Khu bảo tồn hình thành 3 phân khu như sau:
–  Phân khu phục hồi hệ sinh thái I: 3 625 ha. Phạm vi quanh bản Piệt xã Thông Thụ có vai trò nối kết các khu rừng phía Bắc với phía Nam Khu bảo tồn, chủ yếu bằng biện pháp khoán bảo vệ khoanh nuôi và ổn định, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên trợ giúp sản xuất của bản Piệt.
–  Phân khu phục hồi hệ sinh thái II: 5 572 ha, nằm ở gần các bản Mường Đán (Hanh Dịch), bản Pục (Nậm Giải), ngay gần cửa suối giáp ranh giới, đất đai màu mỡ, khoanh nuôi và bảo vệ triệt để sẽ sớm phục hồi lại thành rừng. Một phần được phép trồng lại rừng bằng loài cây quí hiếm bản địa: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mu (Cunninghamia konishii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), Quế (Cinnamomum tamala).
–  Phân khu phục hồi hệ sinh thái III: 1 900 ha, nằm ở phía xã  Trí Lễ giáp ranh phía Nam Khu bảo tồn, phục hồi lại màu xanh của rừng bằng khoanh nuôi và một phần nhỏ trồng Quế (loài đặc sản truyền thống). Sử dụng bền vững tài nguyên đất đai và rừng sẽ đảm bảo an toàn lương thực cho dân ở bản Sài và Trí Lễ, hạn chế được phá rừng.
Cả 3 phân khu phục hồi sẽ tạo lại rừng bằng khoanh nuôi bảo vệ là chính, sau 5 – 8 năm rừng sẽ phục hồi trở lại, dành ra 200 – 300 ha để trồng lại các loài quý hiếm như Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mu (Cunninghamia konishii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis) để rút ra kinh nghiệm, và trồng một số diện tích Quế (Cinnamomum tamala) để tạo thu nhập bằng hàng hóa cho 3 bản trong Khu bảo tồn. Thu nhập từ sản phẩm Quế (Cinnamomum tamala) sẽ tạo nguồn thu nhập có hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa trên núi.

Có cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của khu DTSQ đề xuất sẽ được xây dựng chủ yếu dựa trên hai hệ thống có sẵn trong hệ thống cơ cấu tổ chức của địa phương. Đó là hệ thống tổ chức theo ngành đối với 3 khu bảo vệ đồng thời là các vùng lõi của khu DTSQ. Hệ thống này được xây dựng chủ yếu dựa trên các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nông nghhiệp và Phát triển Nông thôn. Theo cơ cấu của hệ thống này, mỗi Khu bảo tồn (vườn quốc gia hay khu BTTN) đều có một Ban quản lý điều hành chung các hoạt động của Khu bảo tồn, đội kiểm lâm giám sát và bảo vệ rừng, Trung tâm thông tin, giáo dục môi trường, phòng kỹ thuật nghiệp vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc bảo vệ và khôi phục rừng…Các đội kiểm lâm của các Khu bảo tồn cũng thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm cấp tỉnh và Cục kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhên, về mặt nhân sự của các tổ chức này vẫn thuộc quyền quản lý của cơ quan cao nhất là UBND Tỉnh.
Song song với hệ thống tổ chức quản lý theo ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là hệ thống quản lý theo địa giới hành chính. Các vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu DTSQ đề xuất đều nằm trong địa giới hành chính của 10 huyện miền núi (Con Cuông, Anh sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ). Điều này có nghĩa là các hoạt động phát triển kinh tế thân thiện với bảo tồn, tuyên truyền giáo dục, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc đều nằm dưới sự quản lý và điều hành của các cơ quan  chính quyền địa phương. Trong hệ thống hành chính này, cơ quan quản lý có quyền lực cao nhất là UBND tỉnh. Mỗi chủ trương chính sách của tỉnh đều được triển khai xuống cấp huyện, sau đó là xã và cuối cùng là thôn xóm.
Khu DTSQ đề xuất sẽ nằm dưới sự điều phối trực tiếp của UBND Tỉnh với sự tham gia của các ban ngành của địa phương như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Ban quản lý VQG Pù Mát, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và  Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, các tổ chức chính quyền là UBND của 10 huyện, và các tổ chức quần chúng bao gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội Cựu chiến binh, các tổ đội sản xuất, dòng tộc của các cộng đồng thiểu số…Ngoài ra, các tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, các nhà khoa học trong nước và quốc tế và cộng đồng người dân địa phương đều tham gia trong việc chuẩn bị hồ sơ, nghiên cứu thực địa đề xuất khu DTSQ và công việc này sẽ được tiếp tục khi đã được  công nhận.

Có cơ chế thực hiện

(a) Có những cơ chế quản lý nguồn lực và các hoạt động của con người trong vùng đệm không ?
Uỷ ban nhân dân của 9 huyện miền núi Con Cuông, Anh sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ là các cơ quan quản lý hành chính dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện quản lý mọi hoạt động của các thành phần kinh tế, văn hóa và xã hội theo cơ chế hành chính quốc gia và điều phối các hoạt động thông qua các tổ chức quần chúng, các hiệp hội ngành nghề…UBND các huyện quản lý các vùng đệm bao gồm cả nguồn nhân lực theo cơ chế quản lý nguồn lực và các hoạt động của con người trong vùng đệm. Cơ chế phối hợp quản lý của các ban ngành từ trung ương tới cấp huyện, xã sẽ huy động sự tham gia của các sở, ban ngành của Tỉnh cùng với các Ban lãnh đạo các Vườn quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt cùng với Uỷ ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam phối hợp tham gia trong các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai các dự án bảo tồn và phát triển vùng đệm của địa phương.
(b) Có kế hoạch hay chính sách quản lý của một khu dự trữ sinh quyển?
Kế hoạch quản lý khu DTSQ đã được UBND Tỉnh chỉ đạo thống nhất các ban ngành từ tỉnh, huyện, xã trong việc phối hợp với các ban quản lý các Khu bảo tồn. Một Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề cử khu DTSQ đã được thành lập và tiếp tục công việc theo dõi chỉ đạo công việc. Trưởng ban chỉ đạo này là Phó chủ tịch UBND Tỉnh, các ủy viên là đại diện của các sở Khoa học Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa và Tài chính cùng với đại diện các ban quản lý của 3 Khu bảo tồn. Kế hoạch quản lý khu DTSQ đã được phác thảo dựa trên hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển.
(c) Có cơ chế hay chính quyền được bổ nhiệm để thực hiện kế hoạch hay chính sách này không ?
UBND Tỉnh sẽ chỉ đạo trực tiếp việc thành lập Ban quản lý khu DTSQ đề xuất và cơ chế điều phối các hoạt động bảo tồn đi đôi với phát triển kinh tế và văn hóa xã hội trên cơ sở kế hoạch quản lý đã được thông qua. Các thành viên trong Ban quản lý khu DTSQ dự kiến bao gồm đại diện các sở, ban ngành và ban quản lý các Khu bảo tồn sẽ được UBND Tỉnh bổ nhiệm trực tiếp theo cơ chế phân công kiêm nhiệm theo nguyên tắc của Chính phủ trong cải cách hành chính: tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đội ngũ, giảm phiền hà theo cơ chế ‘một cửa’ và tinh giảm bộ máy quản lý. Công việc kiêm nhiệm sẽ được UBND Tỉnh có văn bản hướng dẫn về trách nhiệm và thưởng phạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
(d) Có những chương trình nghiên cứu, điều tra giám sát, giáo dục và đào tạo không?
Các chương trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát, giám sát đa dạng sinh học, truyền thông và giáo dục môi trường đang tiến hành sẽ được tiếp tục triển khai với việc tăng cường chỉ đạo trực tiếp của các cấp từ tỉnh, huyện, xã. Các chương trình triển khai chính bao gồm:
Chương trình điều tra khảo sát xác định các loài động vật, thực vật mới được phát hiện cùng với việc định tên, so mẫu và hoàn thiện danh lục các loài quý hiếm, các loài bản địa và phân loại ưu tiên trong bảo tồn. Công việc này tiến hành trên cả 3 Khu bảo tồn, đặc biệt là những vùng rừng nguyên thủy ít người đặt chân tới của Pù Mát, Pù Huống và Pù Hoạt.
Chương trình truyền thông và giáo dục môi trường cho cộng đồng và có sự tham gia của cộng đồng sẽ được tiếp tục triển khai tại các bản làng của các dân tộc Thái, Đan Lai (Ly Hà), Khơ Mú, H’ Mông, Kinh và người Ơ Đu. Các hoạt động này sẽ được triển khai ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong vùng. Các lớp tập huấn giáo viên sẽ đến tham quan và làm việc trực tiếp với phòng bảo tồn, thư viện của các vườn quốc gia Pù Mát, khu BTTN Phù Huống và Pù Hoạt.
Ngoài ra, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc ít người sẽ được tiếp tục triển khai trên cơ sở đảm bảo cuộc sống kinh tế của người dân thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển du lịch sinh thái góp phần kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, nâng cao mức sống và gìn giữ bản sắc dân tộc. Mặt khác, chương trình bảo tồn dân tộc ít người Ơ Đu có nguy cơ bị mai một cùng với các giá trị văn hóa của họ sẽ được tiếp tục triển khai trong các năm tới.

 

Toàn bộ khu DTSQ đề xuất nằm trọng tọa độ: Kinh độ: 103,874345 – 105,500152; vĩ độ: 18,579179 – 19,727594

 

Bảng 7: Toạ độ các vùng chức năng của khu DTSQ đề xuất

 

Phân vùng KDTSQ

Tọa độ

Kinh độ (°E)

Vĩ độ (°N)

Vùng Lõi 1

104,3980324 – 104,9811363

18,77388419 – 19,12624170

Vùng Lõi 2

104,6444596 – 105,0049483

19,28702435 – 19,48854688

Vùng Lõi 3

104,7607166 – 105,1884970

19,70162420 – 19,99657378

Vùng Đệm

104,0737072 – 105,2033806

18,70127935 – 19,77505748

Vùng Chuyển tiếp

103,874345 – 105,500152

18,579179 –

19,727594

Diện tích và cấu trúc không gian

  1. Diện tích vùng lõi
    Diện tích của vùng lõi ở trên cạn/đất liền: ___241.985___ ha;
    Diện tích vùng lõi dưới nước: ___0____ ha.
    2. Diện tích vùng đệm
    Diện tích vùng đệm trên cạn/đất liền: ____503.270____ ha;
    Diện tích vùng đệm dưới nước: ___0___ ha.
    3. Diện tích vùng chuyển tiếp
    Diện tích vùng chuyển tiếp trên cạn: khoảng _____558.030___ ha.
    Diện tích vùng chuyển tiếp dưới nước: khoảng _____0____ ha.
    4. Mô tả tóm tắt sự phân vùng
    (xét về những vai trò khác nhau của khu dự trữ sinh quyển) như trên bản đồ khoanh vùng:

 

Bảng 8: Diện tích, dân số và tổ chức quản lý theo phân vùng chức năng

Phân vùng chức năng

Diện tích

(ha)

Dân số (người)

Tổ chức và cơ chế quản lý

 

Hệ thống bảo tồn

Địa giới hành chính huyện

Vùng lõi 1

94.628

0

VQG Pù Mát

Con Cuông, Tương Dương

Vùng lõi 2

60.163

0

Khu BTTN Pù Huống

Con Cuông, Tương Dương

Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp

Vùng lõi 3

87.194

0

Khu BTTN Pù Hoạt

Quế Phong, Quỳ Châu

 

Tổng Vùng lõi

 =SUM(ABOVE) 241.985

0

 

 

Vùng đệm

503.270

200 926

VQG Pù Mát

Con Cuông, Tương Dương

Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương

Vùng chuyển tiếp

 

558.030

272 896

 

Con Cuông, Tương Dương

Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ

Tổng chung

1.303.285

473 822

 

 

 

Bảng 9: Cơ cấu quản lý theo địa giới hành chính cấp huyện

 

Phân vùng chức năng

Huyện

Diện Tích

Vùng lõi 1

 

Con Cuông

24.130

Tương Dương

68.370

Anh Sơn

2.128

Tổng số

94.628

Vùng lõi 2

 

Con Cuông

3.722

Tương Dương

36.670

Quế Phong

6.718

Quỳ Châu

12.200

Quỳ Hợp

853

Tổng số

60.163

Vùng lõi 3

 

Quế Phong

83.670

Quỳ Châu

3.524

Tổng số

87.194

Tổng chung vùng lõi

 

241.985

Vùng đệm

Con Cuông

86.280

Tương Dương

160.100

Quế Phong

68.550

Quỳ Châu

44.560

Quỳ Hợp

28.910

Kỳ Sơn

53.660

Anh Sơn

26.810

Thanh Chương

34.400

Tổng số

503.270

Vùng chuyển tiếp

 

Con Cuông

16.830

Tương Dương

60.430

Quế Phong

31.050

Quỳ Châu

46.380

Quỳ Hợp

64.750

Kỳ Sơn

156.100

Anh Sơn

30.870

Thanh Chương

78.710

Tân Kỳ

72.910

Tổng số

558.030

Tổng chung

 

1.303.285

Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh

Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh trong khu DTSQ được đề xuất phần lớn nằm trong các Khu bảo tồn và đều nằm trong vùng lõi của khu DTSQ: VQG Pù Mát, khu BTTN Pù Huống và khu BTTN Pù Hoạt. Loại rừng nguyên sinh này được phân hạng theo các kiểu rừng sau đây:
VQG Pù Mát
a. Rừng kín thường xanh mưa mùa trên núi thấp: Phân bố ở đai cao từ 800 m trở lên, với các loài cây ưu thế trong cấu trúc thảm thực vật thuộc các loài trong họ Dẻ – Fagaceae, họ Sim -Myrtaceae.
b. Rừng kín thường xanh mưa mùa hỗn giao cây lá rộng – cây lá kim: Phân bố ở độ cao trên 1000 m ở phía Bắc và trên 900 m ở phía Nam VQG. Các thực vật hạt trần quý hiếm, quan trọng được tìm thấy ở đây có thể kể như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), Kim giao (Nageia fleuryi), Thông tre (Podocarpus neriifolius)… Hầu hết đây là những loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.
c. Rừng lùn: Phân bố ở độ cao trên 1500 m, trên các giông và chỏm núi dốc có đá nổi và hướng gió mạnh, không giống như ở nhiều nơi rừng lùn thường xuất hiện ở những đai độ cao thấp hơn như Cúc Phương 600 m, Tam đảo 1100 m. Đây là một kiểu thảm rất đặc  biệt thuộc vành đai cao trên đất địa đới ở VQG Pù Mát.
Khu BTTN Pù Huống
a. Rừng kín thường xanh nhiệt đới: Gặp ở các tuyến khảo sát Khe Khồ Khề – Lán Bọ Chó, Lán Bọ Chó đến Dông Pù Huống, Khe Mục Pán đến Khe Khoăng, Mục Pán-dông Pù Lon: Thành phần thực vật tầng cao chủ yếu là Sến mật (Madhuca pasquieri), Táu (Vatica), Giổi (Michelia mediocris), Trường (Amesiodendron chinense), Chò chỉ (Parashorea chinensis), Dẻ (Castanopsis sp), Trâm  núi (Syzygium sp.)…Tầng dưới tán gặp các loài Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Bộp (Actinodaphne chinensis), Côm (Elaeocarpus stipularis), Máu chó (Knema conferta), Dẻ bạc (Quercus glauca), Cà ổi (Castanopsis ferox), Ràng ràng (Ormosia balansae), Cọ phèn (Protium serratum), Giang (Dendrocalamus patellaris), Song (Calamus platyacanthus), Mây (Calamus tonkinensis),…Riêng rừng nguyên sinh ven suối ở tuyến khảo sát Mục Pán-dông Pù lon có các cây gỗ lớn đường kính tới 150 cm. Vùng này gần như chưa thấy hoạt động khai thác gỗ.
b. Rừng kín thường xanh á nhiệt đới: Xuất hiện ở tuyến khảo sát Dông Pù Huống, Mục Pán – dông Pù Lon. Thành phần thực vật chủ yếu là Pơ mu (Fokienia hodginsii) có đường kính đạt tới 100 –  200 cm, Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii) và Dẻ lá tre (Quercus blakei). Ngoài ra còn có các loài Sến mật  (Madhuca pasquieri), Táu muối (Vatica diospyroides)… Tầng thực vật mục khá dầy, đôi chỗ xen lẫn các loài Giang (Dendrocalamus patellaris), Sặt (Arundinaria).
c. Rừng lùn: Tuyến khảo sát: Lán Bọ Chó-Dông Pù Huống, Mục Pán-dông Pù Lon. Kiểu rừng này gặp ở đỉnh tam giác Pù Huống, có diện tích hẹp, thân cây cằn cỗi, cây có Rêu, Phong lan bám đầy.Các loại cây điển hình là: Đỗ Quyên (Rhododendron arboreum), Sơn liễu (Clethra sp.), Truông treo (Enkianthus sp.)… Tầng rừng chỉ cao không quá 5 m, đường kính cây gỗ nhỏ dưới 30 cm, cây lá nhỏ, gỗ cứng. Kiểu rừng này có tầng thảm mục chưa phân hoá luôn có mây che phủ ẩm ướt và lạnh.
Khu BTTN Pù Hoạt
a. Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi cao hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim: Phân bố ở các đai cao trên 1600m của các khối núi chính là : Pù Hoạt, Pù Pha Lông, Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ và một phần nhỏ ở biên giới phía Bắc giáp huyện Thường Xuân – Thanh Hóa. Rừng phát triển trên đất feralit mùn thô, trên đá riolit xen kẽ granit. Nhiệt độ trung bình năm dưới 20˚C, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất 10 – 13˚C. Lượng mưa trung bình hàng năm trên 2000 mm, số tháng khô 1 – 2 tháng, số ngày mưa 100 – 150 ngày. Độ ẩm không khí trung bình 82 – 86%.
Kiểu rừng này ít bị tác động, tính nguyên sinh còn cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim có một số loài tầm vóc to lớn nhưng mật độ và sinh khối không vượt quá 30%. Tầng cây gỗ nhỏ và cây tái sinh với các loài của họ Ngũ gia bì (Araliaceae) như các loài Chân chim (Schefflera), Đu đủ rừng (Trevesia), Thụ sâm (Dendropanax), họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae) với các chi Euonymus; họ Cà phê (Rubiaceae) với các chi Randia, Canthium và các cây tái sinh của tầng ưu thế với mật độ khoảng 6000 cây/ha
Tầng vượt tán với 2 loài lá kim có giá trị là Pơ mu (Fokienia hodginsii) và Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), những cây này có đường kính trung bình 50 – 80 cm, chiều cao 45 – 50 m vươn lên khỏi tán rừng một cách rõ rệt. Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii) với tầm vóc to lớn nhưng không có bạnh vè, nhiều cây có đường kính ngay từ gốc đã đạt trên 2m, tạo nên một cảnh quan hấp dẫn ngoạn mục của kiểu rừng mang tính chất á nhiệt đới vùng núi cao. Về mặt sinh khối, kiểu rừng này trữ lượng trung bình đạt 160 – 200 m3/ha, chiều cao trung bình 16 – 20 m, đường kính 22 – 28 cm.
Ở độ cao trên 2300 m của đỉnh Pù Hoạt với diện tích 200 ha xuất hiện kiểu phụ rừng lùn (Elfin forest), luôn luôn có mây mù bao phủ, độ ẩm cao, gió thổi mạnh, cây thấp lùn, có rêu bám dày, tầng mùn chưa phân hủy dày 25 –30 cm, tầm vóc cây biến động tùy độ dốc và mặt bằng, thành phần loài gỗ có Đỗ Quyên (Rhododendron bracteatum), Nam chúc (Lyonia ovalifolia), Châu thụ (Gaultheria), Mạy châu (Carya tonkinensis), Dẻ (Quercus), Chè béo (Anneslea), Côm (Elaeocarpus), Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia). Về ngoại mạo, cây không thẳng, tầm vóc cây rất biến động, đường kính trung bình 6 – 14cm, chiều cao trung bình 6 – 10 cm, thân cây có rêu bao bọc dày và các loài bì sinh thuộc họ Phong lan (Dendrobium, Eria, Coelogyne, Thecopus, Oberonia) với khoảng hơn 40 loài; Họ Cà phê (Rubiaceae) với 2 loài vừa bì sinh vừa cộng sinh là Tổ kiến (Myrmecodia tuberosa) sống bám trên cành cây, thân do cộng sinh với Nấm đã mọng nước và phình ra cỡ lớn như các củ khoai to.
Trước khi tới rừng lùn, xuất hiện một vành đai rừng Sặt (Arundinaria baviensis) ở độ cao 2300 m và rộng khoảng 200 m, với các cây sặt có đường kính 1,3 – 1,7 cm; cao 2,5 – 3,5 m; mọc tản, mật độ khoảng 20 000 cây/ha, mọc trên tầng mùn cũng chưa phân hóa , cũng có cảm giác rùng rình như ở trên đỉnh. Rừng Sặt tạo nên một cảnh quan đẹp của đỉnh núi khá hấp dẫn trước khi đưa ta tiếp cận với rừng Lùn trên đỉnh.
Trong kiểu rừng này, có nhiều loài quí hiếm và đặc hữu, rừng gần như còn nguyên vẹn, sự tác động của con người chỉ hạn chế ở các hoạt động săn bắn (chủ yếu do người H’Mông ở bản Sài). Về mặt khoa học, là một trong rất ít khu vực của đất nước còn giữ được một mẫu rừng vùng đỉnh núi với nhiều loài đặc hữu và đặc biệt là sự tồn tại của các loài cây lá kim (hạt trần) cổ như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), các loài này tuy số lượng và sinh khối trên toàn rừng không lớn nhưng là những cây có tầm vóc lớn cả về chiều cao và đường kính mà không có loài nào cây nào ở trong nước có thể sánh nổi. Nếu so sánh với 8 cây đã được P.W. Richards giới thiệu trong “Rừng mưa nhiệt đới” như Cự tùng (Sewuoia) H = 102, D = 8; Bạch đàn vua ở Úc (Eucalyptus regnans) H = 97; Bạch quả ở Trung Quốc (Gingko biloba) chu vi 16 cm; cây Com pat ở Sarawark (Koompasia exelsa) … thì những cây Sa mộc dầu của Pù Hoạt có thể đứng vào hàng thứ 8 hoặc thứ 9 trong số các cây có tầm vóc lớn nhất thế giới. Do đó những quần thể các loài lá kim trong kiểu rừng này của Pù Hoạt là một trong số các mẫu ít ỏi của Trái đất còn tồn tại, và tạo nên những cảnh ngoạn mục trên vùng đỉnh núi cao luôn luôn có mây che phủ.
b. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình: Phân bố ở độ cao 800 – 1500m, phân bố rộng khắp vùng sườn núi từ các tiểu khu giáp Thanh Hóa, sông Chu cho tới sườn Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ, Pù Pha Lâng và phía Đông núi Pù Hoạt. Rừng phát triển trên đất feralit màu vàng, đá mẹ chủ yếu là riolit và granit, phong hóa mạnh, tầng đất dày đến trung bình, độ sói mòn, độ tán che 0,8.
Kiểu rừng này còn giữ được tính nguyên sinh cơ bản, đôi chỗ bị làm nương rẫy với từng đám nhỏ. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, sinh trưởng tốt, cây lá kim có Thông nàng, Kim giao (Nageia fleuryi) rải rác đôi chỗ trên các sườn giông và rất dốc. Cây lá rộng với các loài tiêu biểu của các Họ sau: Họ Dẻ (Fagaceae) có khá nhiều loài và cũng chiếm ưu thế trong một số tổ thành đại diện như: Cà ổi (Castanopsis ceratacantha, C. ferox, C. indica), Dẻ đá (Lithocarpus dussaudi), Sồi (L. trachycarpus), Dẻ cau (Quercus fleuryi); Họ Re (Lauraceae) có 30 loài của các chi; Họ Dầu (Dipterocarpaceae) tuy ít loài nhưng ở nhiều lâm phần ở Thông thụ  và Phu Pha Nhà đã chiếm ưu thế tuyệt đối tới trên 50% trong tổ thành. Họ Mộc lan (Magnoliaceae) với nhiều cây gỗ lớn của các chi Giổi (Michelia, Manglietia, Tsoongiodendron); Họ Hồng xiêm (Sapotaceae) với nhiều loài cây gỗ nổi tiếng Sến mật (Madhuca pasquieri) với đường kính trên 60 – 80 cm cũng đôi khi chiếm 3 – 5% trong tổ thành.
Ở kiểu rừng này các họ sau xuất hiện và đóng vai trò quan trọng là Họ Xoan (Meliaceae) với các loài Gội (Aglaia); Họ Bồ hòn (Sapindaceae) với các loài Sâng (Pometia), Trường (Mischocarpus); Họ Thị (Ebenaceae) có 6 – 7 loài của chi Diospyros. Đường kính trung bình 24 – 28cm, ở những lâm phần chưa bị tác động, dễ dàng gặp các cây có đường kính trên 45cm, những cây có đường kính lớn hơn thường gặp ở các loài Chò chỉ (Parashorea chinensis), Sến mật (Madhuca pasquieri), Sâng (Pometia), Thung (Commersonia bartramia), Giổi (Manglietia fordiana), Gội (Aglaia gigantea), Lát (Chukrasia tabularis), chiều cao bình quân 20 cm.Trữ lượng bình quân 150 – 200 m3/ha, ở các trạng thái giàu trên Pù Pha Nhà, giáp Lào và Pù Nhích, Thông Thụ có cá lâm phần rừng giàu đạt tới 550 m3/ha. Kiểu rừng này phần lớn cũng là rừng ít bị tác động, tính nguyên sinh cao và có nhiều động vật quí hiếm sinh sống như: Voi (Elephas maximus), Bò tót (Bos gaurus), Hươu nai (Cervidae), Gấu (Urcidae), Hoẵng (Muntiacus muntjak). Rừng chia làm 4 tầng:
–  Tầng vượt tán ở đây không phải là các cây lá kim như kiểu trên, mà là các loài Chò chỉ (Parashorea chinensis), Thung (Commersonia bartramia), Sến mật (Madhuca pasquieri). Tầng vượt tán cũng không vượt trội tầng tán rừng như ở kiểu rừng nhiệt đới núi cao kể trên:
–  Tầng ưu thế sinh thái tạo nên tán rừng tương đối đồng đều cao 18 – 20 m với đa số cây lá rộng kể trên: Táu muối (Vatica diospyroides), Sến mật (Madhuca pasquieri), Lát (Chukrasia tabularis), Nhọc (Polyalthia lauii), Gội (Aglaia gigantea), Thị rừng (Diospyros), Đinh (Markhamia sp.), Trâm (Syzygium sp.), Giổi (Manglietia fordiana), Re (Cinnamomum sp.), Dẻ (Castanopsis sp), Sồi (L. trachycarpus),… khoảng 1/4 số cây ở tầng này có bạnh vè.
–  Tầng dưới tán bao gồm nhiều loài của họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae) như Nen, Chẩn (Microdesmis), Nàng hai (Sumbaviopsis albicans); họ Cà Phê (Rubiaceae) như Mãi táp (Randia) và các loài phổ biến như Máu chó (Knema conferta), Bời lời (Litsea baviensis), Chân chim (Schefflera), Bưởi bung (Acronychia), Sảng đất (Sterculia lanceolata)
–  Tầng cỏ quyết: ngoài các Dương xỉ còn có Ráy (Alocasia macrorrhiza ), Thiên niên kiện (Homalomena occulta), Hương bài (Dianella ensifolia), Mây (Calamus tonkinensis), Song (Calamus platyacanthus), Lá dong (Phrynium), Lụi (Licuala fatua), Lá nón (Licuala hexasepala)
c. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp: Phân bố ở độ cao dưới 800 m, trên đất feralit đỏ vàng phát triển trên granit, sa phiến thạch, tầng đất mỏng đã bị rửa trôi mạnh ở một số lớn diện tích, do có những giai đoạn mà thảm che bị phá vỡ do đốt nương rẫy. Thảm thực vật không đồng đều với nhiều Họ và nhiều đại diện ưa sáng của họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), Sim (Myrtaceae), Xoan (Meliaceae), Dâu tằm (Moraceae), Cánh bướm (Papilionaceae), Vang (Caesalpiniaceae), Thị (Ebenaceae), Long não (Lauraceae), Dẻ (Fagaceae), Côm (Elaeocarpaceae). Rừng chia thành 3 tầng:
– Tầng ưu thế sinh thái tạo thành tán rừng với các loài điển hình: Chẹo (Engelhardtia), Bứa (Garcinia), Vạng trứng (Endospermum), Lim xẹt (Peltophorum), Mọ (Deutzianthus), Muồng (Adenanthera), Đa (Ficus), Mãi táp (Randia), Ngát (Gironniera), Côm (Elaeocarpus), Bời lời (Litsea), Chắp (Beilschmiedia). Về mặt tài nguyên, đa số các lâm phần nghèo nằm ở kiểu rừng này với trữ lượng dưới 10 m3/ha.
– Tầng dưới tán có nhiều loài và thay đổi theo địa hình chủ yếu có các họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Cam (Rutaceae), họ Đay (Tiliaceae), họ Vang (Caesalpiniaceae), họ Cà phê (Rubiaceae),…
– Tầng cỏ quyết: nhiều loài Dương xỉ, cọ, lụi và xuất hiện của nhiều Giang (Dendrocalamus patellaris), Nứa (Neohouzeaua), Ráy (Alocasia macrorrhiza), Lá nón (Licuala hexasepala), Lá khôi (Ardisia silvestris), Trọng đũa (Ardisia), Lấu (Psychotria), …
Nhìn chung so với nhiều khu rừng khai thác tại Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn thì tầng đất của kiểu rừng này chưa bị rửa trôi trầm trọng, tình hình tái sinh tốt với nhiều loài cây giá trị. Số lượng cây tái sinh đạt 10 000 cây/ha, số cây có cấp H trên 3 m khoảng 2 200 cây/ha. Kiểu rừng này tuy bị tác động bởi các hoạt động nương rẫy và khai thác trộm, nhưng đôi chỗ vẫn còn giữ tính nguyên sinh và có nhiều loài thú lớn sinh sống.
d. Rừng kín thường xanh lá rộng mưa mùa trên núi đá vôi: Kiểu phụ này nằm trong vành đai rừng lá rộng thường xanh núi thấp dưới 800m, phát triển trên núi đá vôi, phân bố ở xã Thông Thụ phía Bắc sông Chu và một diện tích nhỏ rải rác ở Pù Pha Nhà và Pù Ca Tũn. Rừng chia ra làm 3 tầng chính, tầng ưu thế tạo thành tán rừng không đồng đều hình thành các ưu hợp với các loài điển hình: Lòng mang (Pterospermum), Ruối ô rô (Taxotrophis), Na hồng (Miliusa), Rền (Xylopia), Bưởi bung (Acronychia), Thâu lĩnh (Alphonsea), Bứa (Garcinia), Chẩn (Microdesmis), Thị rừng (Diospyros), Đại phong tử (Hydnocarpus), Gội núi (Aglaia perviridis), Trâm (Eugenia resinosa).
Trên các lập địa hơi bằng hoặc tích tụ mùn có một số cây tầm vóc lớn vượt khỏi tầng ưu thế : Sâng (Pometia), Sấu (Dracontomelon duperreanum), Thung (Commersonia bartramia), Gội núi (Aglaia silvestris), Đa (Ficus), Trường (Amesiodendron chinense), Huỳnh đường (Dysoxylum sp), Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Lát (Chukrasia tabularis) với đường kính đôi khi vượt 70 – 100 cm, chiều cao 22 – 25 m. Tầng cây bụi với các loài Trọng đũa (Ardisia), Lấu (Psychotria), Vệ mao (Euonymus), Ba gạc (Rauvolfia verticillata), Lụi (Licuala fatua), Cau rừng (Pinanga duperreana). Kiểu phụ này ở vùng Pù Hoạt còn nguyên vẹn, chưa bị tác động, hiểm trở, là sinh cảnh tốt cho cá loài thú thuộc nhóm Cầy (Chrotogale awstoni), Sóc (Callosciurus inornatus), Nhím (Hystricidae) sinh sống và trú ẩn

Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thứ sinh

Rừng nhiệt đới thứ sinh sau khai thác hết sức đa dạng và phong phú bao gồm các loại rừng như sau:
Rừng núi đá phụ: Rừng ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyện vẹn và hiểm trở có các loài thực vật phổ biến như Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Sến mật (Madhuca pasquieri), Trâm núi (Syzygium sp.), Gội núi (Aglaia perviridis)… Đây là điểm phân bố và cư trú chủ yếu của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis). Loại rừng này phân bố dọc theo tuyến Khe Cô – Khe Hịn Đọng.
Rừng tre nứa: Đây là kiểu rừng xuất hiện sau nương rẫy và chiếm một diện tích khá lớn trên tuyến khảo sát. Xen lẫn với rừng tre nứa vẫn có các loại thân gỗ nhỏ, một số các loài thực vật khác: Ràng ràng (Ormosia pinnata), Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Sim (Rhodomyrtus), Mua (Melastomataceae)… Loại rừng này được xác định dọc theo tuyến khảo sát: Từ Bản Khì đến Khe Khồ Khề, Bản Cướm-Khe Quán Việt, Tả Ngạn và Hữu Ngạn khe Bô, phân bố rộng, rải rác khắp hai sườn núi.
Tại Pù Hoạt, rừng tre nứa phân bố rải rác ở độ cao dưới 600 m và dọc theo các suối và gần bản làng. Rừng tre nứa xuất hiện sau nương rẫy bỏ lại lâu ngày với các loài Nứa (Neohouzeaua), Lùng (Lingnania), Giang (Dendrocalamus patellaris) với tỷ lệ Nứa 70%, Lùng 20%, Giang 10%. Nứa có đường kính bình quân 4 cm, cao bình quân 10 m, 400 bụi/ha với trữ lượng 13000 cây/ha. Lùng có đường kính bình quân 5 cm, cao bình quân 12 m, 80 bụi/ha với trữ lượng 26000 cây/ha mọc rải rác phía ngoài rìa các rừng Nứa. Giang có đường kính bình quân 3 cm, dài 12 – 18 m, nhiều nhánh. Một số loài cây gỗ mọc hỗn giao phổ biến là Vạng trứng (Endospermum), Hu (Trema), Sơn hương viên, đôi chỗ có các loài cây  có giá trị tái sinh trong rừng tre nứa như Lát (Chukrasia tabularis), Gụ (Sindora tonkinensis), Trường (Amesiodendron chinense). Tái sinh cây gỗ khó khăn, chỉ có dưới 2000 cây/ha, trong đó cây gỗ tốt chỉ chiếm 20%
Rừng thứ sinh được bảo tồn
Ở tuyến khảo sát Bản Khì đến Khe Khồ khề: Phân bố nhiều ở vành đai tiếp giáp với khe Khồ Khề có độ cao 500 m, chủ yếu là loài Chò chỉ (Parashorea chinensis) chiếm ưu thế trên đất ven suối. Kiểu rừng này có các loài ưu thế tầng cao như Trường (Amesiodendron chinense), Lát (Chukrasia tabularis), Sến mật (Madhuca pasquieri), Giổi xanh (Michelia mediocris)
Ở tuyến khảo sát Khe Khồ Khề – Lán Bọ Chó: Thành phần thực vật tầng cao chủ yếu là Sến, Táu, Giổi, Trường…tầng dưới tán gặp các loài Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Bộp (Actinodaphne chinensis), Côm (Elaeocarpus stipularis), Máu chó (Knema conferta), Dẻ bạc (Quercus glauca), Cà ổi (Castanopsis ferox), Ràng ràng (Ormosia balansae)…
Ở tuyến khảo sát Đường bộ đội đa số được che phủ bởi rừng thứ sinh và đang bị khai thác bởi người dân các Bản Khỉ và xã Bình Chuẩn. Ở tuyến khảo sát Khe Cô – Khe Hịn Đọng: Rừng ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyện vẹn và hiểm trở có các loài thực vật phổ biến như Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Sến mật (Madhuca pasquieri), Trâm núi (Syzygium sp.), Gội núi (Aglaia perviridis)… Đây là điểm phân bố và cư trú chủ yếu của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis).
Ở tuyến khảo sát Tả Ngạn – Hữu Ngạn khe Bô: Thành phần thực vật chủ yếu ở đây là Bộp (Actinodaphne chinensis), Giổi xanh (Michelia mediocris), Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Ràng ràng (Ormosia pinnata)…Ở tuyến khảo sát Bản Huồi Lắc-Chân PuLon, rừng có dấu hiệu phục hồi và ít bị tác động bởi hoạt động khai thác gỗ. Gặp chủ yếu ở khu vực này là các bẫy cũ từ tháng 9-11 năm trước (mùa săn bắn các loài thú). Thành phần thực vật tán cao gặp chủ yếu là Sến mật (Madhuca pasquieri), Táu (Vatica), Re (Cinnamomum sp.), Trường mật (Amesiodendron chinense), Cà ổi (Castanopsis ferox), ở tầng thấp gặp chủ yếu các loài Giang (Dendrocalamus patellaris), Sặt (Arundinaria),

Hệ thực vật dọc theo sông suối

Thành phần thực vật ở hai bên khe Bô chủ yếu là Chuối rừng (Musa coccinea), Tre nứa (Neohouzeaua), Chò nước (Platanus kerri), Tô hạp (Altingia excelsa)…Chẳng hạn như trên các tuyến khảo sát : Khe Cô – Khe Hịn Đọng, Bản Cướm- Khe Quán Việt, lòng suối từ 4 – 6 m với độ dốc cao, dòng chảy mạnh, đặc biệt ở đầu ngọn khe Bô có những thác cao đến 40-50 m.

Hệ thực vật nương rẫy và sau nương rẫy

Chủ yếu thành phần thực vật được trồng là Lúa nước, Lúa nương, Ngô, Đậu, Sắn và một số các loại cây khác. Chủ yếu là các nương rẫy bỏ hoang sau đó được phục hồi 1 đến 2 năm, thành phần thực vật chủ yếu là loại cây Ràng Ràng (Ormosia pinnata), Bời lời ba vì (Litsea baviensis), Côm (Elaeocarpus sp.)… có đường kính từ 10 cm đến 30 cm, sinh cảnh này kéo dài từ khe Tèo cho đến hết dốc khe Tèo. Gặp ở hai bên đường đi từ bản Khỉ đến hết bản Tèo, dọc đường đi xung quanh bản Cướm, tuyến khảo sát Bản Tạ – Bản Huồi Lắc, Bản Huồi Lắc- Chân Pù lon.
Nương rẫy ở bản Tạ so với ở bản Khì và bản Cướm thì chiếm diện tích nhiều hơn, các khu rừng bị chặt phá làm nương rẫy sau đó bị bỏ hoá có chu kì ngắn hơn do vậy các cây rừng nương rẫy có đường kính nhỏ hơn 10-20 cm và tán thấp 5-7 m. Hai bên đường mòn của Dông Hứa, Bản Huồi Lắc-Chân Pù Lon, chủ yếu sinh cảnh sau nương rẫy ở đây đã bị bỏ hoá khá dài tới vài năm nên hệ thực vật rừng ở đây khá cao. Thành phần thực vật chủ yếu là cây Bộp (Actinodaphne chinensis) có đường kính từ 20 – 40 cm, Mò lưng bạc (Cryptocarya metcalfiana), Tre nứa (Neohouzeaua), Cà ổi (Castanopsis ferox), Sồi sim (Quercus glauca), Ngát (Gironniera), …
Ngoài ra còn có loại ‘Thảm thực vật theo người’: Hiện nay, có rất nhiều loại động, thực vật có mặt một cách vô tình hoặc hữu ý do con người mang từ nơi khác đến (trong hoặc ngoài nước). Các loài này thích ứng nhanh với môi trường mới và phát triển rất mạnh đe dọa sự tồn tại của các loài thực vật bản địa, đó là các sinh vật xâm lấn theo người, như cây Mai dương (Mimosa pigra), Keo (Acacia), Bạch đàn (Eucalyptus)… Vì thế việc phát hiện sớm để có các biện pháp ngăn chặn kịp thời có một ý nghĩa rất quan trọng.

Nông nghiệp lúa nước và vườn rừng

Một phần diện tích không lớn được sử dụng cho việc trồng cấy lúa nước, các địa điểm thường gần các nguồn nước, sông suối… Loại hình canh tác này chủ yếu do người kinh và người Thái phát triển đi liền với quá trình vận động định canh định cư cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Các loại cây chủ yếu là lúa nước, ngô, lạc, đậu, khoai, sắn..Việc sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu rất hạn chế. Năng suất hoa màu thường rất thấp do tập quán canh tác và thiếu nguồn giống thích hợp cũng như thị trường tiêu thụ.
Một số chủ trang trại nhỏ đã bắt đầu xuất hiện với việc canh tác theo mô hình vườn rừng với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế và thương mại: mít, dứa, xoài, đu đủ…Tuy nhiên, do qui mô còn rất nhỏ nên giá trị hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài còn rất hạn chế.

TỔ CHỨC BỘ MÁY

  1. Lãnh đạo: Giám đốc và 2 – 3 Phó Giám đốc.
    Giám đốc là người đứng đầu Vườn Quốc gia Pù Mát; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Vườn. Phó Giám đốc giúp Giám đốc chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của nhà nước.
    2. Các phòng chuyên môn:
    a) Phòng Kế hoạch – Tài chính.
    b) Phòng Tổ chức – Hành chính.
    c) Phòng Nghiên cứu Khoa học – Cứu hộ động vật hoang dã – Hợp tác quốc tế;
    3. Các đơn vị trực thuộc:
    a) Hạt Kiểm lâm Vườn bao gồm:
    + Văn phòng Hạt.
    + Đội Kiểm lâm cơ động;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Thơi;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam Đình;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Bu;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Kèm;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cò Phạt;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Phà Lài;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Yên;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cao Vều;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam Hợp;
    + Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lục Dạ;
    b) Trung tâm Giáo dục môi trường – Du lịch sinh thái và dịch vụ;

    Lịch sử sử dụng đất

    Đất và rừng thuộc các vùng lõi của khu DTSQ đề xuất (VQG Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống và Khu BTTN Pù Hoạt) đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước; Cơ quan quản lý trực tiếp là các ban quản lý Vườn quốc gia và Khu bảo tồn dưới sự chỉ đạo của UBND Tỉnh Nghệ An. Trong các vùng đệm và chuyển tiếp của khu DTSQ thì có các vùng đất thuộc quyền sở hữu tập thể được các nông lâm trường trực tiếp quản lý và cuối cùng là sở hữu cá nhân và hộ gia đình kể cả nhà ở, ruộng vườn, trang trại do Nhà nước giao quyền sử dụng hoặc theo hợp đồng có thời hạn theo qui định về giao đất, giao rừng. Cụ thể như sau:
    Lịch sử và hiện trạng sử dụng đất ở vùng lõi 1 (VQG Pù Mát )
    Khu bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Pù Mát được phê duyệt luận chứng kinh tế Kỹ thuật và chính thức đuợc thành lập ngày 24 tháng 8 năm 1995 trên cơ sở kết hợp 2 vùng bảo vệ Anh Sơn và Thanh Chương trước đây, nằm trên sườn đông của dải Trường Sơn, về phía Tây bắc của tỉnh Nghệ An, có độ cao tuyệt đối dao động từ 200 đến 1841m. Đỉnh cao nhất trong toàn khu vực là Pù Mát, cao 1841 m được lấy làm tên cho Khu bảo tồn.
    Với diện tích khi thành lập là 91 113 ha, đất có rừng chiếm 95%, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Để tăng cường năng lực quản lý bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội miền núi của tỉnh, tháng 4 năm 2000, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An có công văn số 814/TTUB gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị xây dựng dự án chuyển hạng Khu BTTN Pù Mát thành Vườn quốc gia (VQG) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn số 2113/BNN – KH, ngày 20/6/2000 đồng ý và giao cho Viện điều tra Quy hoạch rừng phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An xây dựng dự án đầu tư chuyển hạng KBTTN Pù Mát thành VQG.
    Vườn Quốc gia Pù Mát chính thức được thành lập theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương tỉnh Nghệ An, với diện tích 91 113 ha. Để thực hiện mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ nghiên cứu khoa học, tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, khai thác tiềm năng du lịch, góp phần phát triển – xã hội trên địa bàn. Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 phê duyệt Dự án khả thi đầu tư xây dựng VQG Pù Mát với nội dung đầu tư trọng điểm cho 7 Chương trình hoạt động, trong đó Chương trình bảo vệ là một trong những chương trình quan trọng hàng đầu.
    Lịch sử và hiện trạng sử dụng đất ở vùng lõi 2 (Khu BTTN Pù Huống)
    Khu BTTN Pù Huống nằm ở phía tây tây bắc tỉnh Nghệ An, trên địa giới hành chính của 11 xã thuộc 5 huyện: xã Cắm Muộn, Quang Phong (huyện Quế Phong); xã Châu Thành, Châu Cường và Châu Thái (huyện Quỳ Hợp); xã Châu Hoàn, Diễn Lãm (huyện Quỳ Châu); xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông); và các xã Nga My, Yên Hoà và Yên Tĩnh (huyện Tương Dương).
    Pù Huống được chính thức công nhận là khu BTTN với diện tích là 5 000 ha theo quyết định 194CT ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Năm 1995, Viện Điều tra quy hoạch rừng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Nghệ An tiến hành xây dựng Dự án đầu tư thành lập khu BTTN Pù Huống cho giai đoạn 1996 – 2000 với diện tích đề xuất là 49 806 ha và Dự án này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thẩm định theo công văn số 127/NN-KH-TĐ ngày 15 tháng 01 năm 1996. Dự án đầu tư đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo quyết đinh 4296/QĐ-UB ngày 23 tháng 10 năm 1997. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách nên Dự án đầu tư cho giai đoạn 1996-2000 đã không triển khai được.
    BQL khu BTTN Pù Huống được thành lập theo quyết định số 342/QĐ-UB ngày 25 tháng 01 năm 2002 của UBND tỉnh Nghệ An. Sau khi thành lập BQL xây dựng lại dự án đầu tư và đã được UBND Tỉnh phê duyệt theo quyết định số 2452/QĐ-UB ngày 11 tháng 7 năm 2002 cho giai đoạn 2002-2006 với tổng kinh phí là 23 244 000 000 đồng.
    BQL khu BTTN Pù Huống thành lập đi vào hoạt động từ tháng 01 năm 2002 với đội ngũ cán bộ chủ yếu chuyển sang từ lực lượng kiểm lâm và cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong hoạt động bảo tồn. Hiện tại, Khu bảo tồn chưa có kế hoạch quản lý và hệ thống theo dõi và đánh giá, nguồn kinh phí hạn chế và thiếu trang thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc là cản trở lớn cho việc quản lí Khu bảo tồn một cách hiệu quả và giảm thiểu các mối đe dọa tới ĐDSH, đặc biệt là các loài có giá trị bảo tồn mang tính toàn cầu của khu vực.
    Lịch sử và hiện trạng sử dụng đất ở vùng lõi 3 (Khu BTTN Pù Hoạt)
    Khu Pù Hoạt nằm ngoài danh sách hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam đã ghi trong quyết định 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng), khu vực này bao gồm các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phía Bắc sông Chu và 3 tiểu khu của rừng sản xuất đã được ghi trong bản đồ phát triển kinh tế tổng quan của tỉnh Nghệ An năm 1996.
    Cả 3 vùng lõi của khu DTSQ đề xuất đều nằm trong “Chiến lược phát triển của Ngành Lâm nghiệp” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đó có việc đề xuất mở rộng diện tích các khu rừng đặc dụng từ 1 triệu ha hiện nay lên 2 triệu ha trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2000, và đã được Chính phủ phê duyệt. Các công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và của tỉnh Nghệ An liên quan đến chiến lược này bao gồm:
    –  Công văn số 1586 ngày 13/7/1993 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) về qui định vùng đệm, Vườn Quốc gia và Khu BTTN.
    –  Quyết định số 62 LN/KL ngày 3/2/1990 ban hành những nguyên tắc và thủ tục xây dựng dự án rừng đặc dụng.
    –  Tài liệu hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp tháng 6/1992 về nội dung, phương pháp xây dựng LCKTKT khu rừng đặc dụng.
    –  Quyết định số 202 TTg ngày 2/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc khoanh nuôi bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng.
    –  Thông tư hướng dẫn thực hiện mức xuất vốn đầu tư lâm sinh số 09/KH Bộ Lâm nghiệp ngày 13/9/1994.
    –  Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ ban hành văn bản qui định về việc giao đất lâm nghiệp các hộ gia đình cá nhân và các tổ chức để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
    –  Chỉ thị số 525/TTg của Thủ tướng Chính Phủ về một số chủ trương tiếp tục phát triển kinh tế xã hội miền núi.
    –  Dự án đầu tư và chăm sóc Quế huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An năm 1997 – 2005.
    –  Công văn số 310/CV. UB của UBND huyện Quế Phong gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc kiến nghị lập Khu bảo tồn Pù Hoạt với diện tích 67 900 ha.

Dân số của KDTSQ: 473 822 người

1 Vùng lõi:

Vùng lõi 1 (Pù Mát): ________0 người____

Vùng lõi 2 (Pù Huống): ___0 người____

Vùng lõi 3 (Pù Hoạt):____0 người___

 

2 Vùng đệm:

200 926 người

Vùng đệm 1 (Pù Mát): _______93 335 người________

Vùng đệm 2 (Pù Huống): ___49 699 người____

Vùng đệm 3 (Pù Hoạt):___57 892 người____

 

3 Vùng chuyển tiếp:

Vùng chuyển tiếp: 272 896 người

 

4 cộng đồng địa phương sống  trong và gần khu dự trữ sinh quyển  

Trong số các dân tộc anh em sống trong khu DTSQ đề xuất thì dân tộc Thái có dân số đông nhất (chiếm 66,89%) và ít nhất là dân tộc Ơ Đu (chiếm 0,6%). Sinh sống trong 3 huyện thuộc khu vực VQG Pù Mát có 3 dân tộc chính là: Thái, Khơ Mú, Kinh. Ngoài ra còn có một bộ phận dân cư thuộc các dân tộc khác như: Tày, H’Mông, Poọng, Ơ Đu. Toàn bộ dân số trong 16 xã thuộc VQG Pù Mát là 16 954 hộ với 93 335 nhân khẩu. Phần lớn dân cư ở đây được phân bố trong 7 xã của huyện Con Cuông (39 419 nhân khẩu với 7 167 hộ) và 5 xã thuộc huyện Anh Sơn (38 163 nhân khẩu với 6 938 hộ), số còn lại thuộc 4 xã của huyện Tương Dương (15 753 nhân khẩu với 2 849 hộ), trung bình mỗi hộ gia đình có từ 5-6 người. Như vậy số người sinh con thứ 3, thứ 4 vẫn còn rất phổ biến, điều này sẽ tạo ra một áp lực to lớn về vấn đề tăng dân số trong những năm sau này.

 

Bảng 10  : Thành phần dân tộc, dân số và tỉ lệ trong khu vực VQG Pù Mát

 

Tên dân tộc

Số hộ

Số người

Tỷ lệ %

Thái

11 338

62 435

66,89

Khơ Mú

1984

13 765

14,75

Kinh

2531

10.498

11,25

H’Mông

599

3 714

3,98

Đan Lai

265

1 494

1,60

Poọng

132

813

0,87

Ơ Đu

96

563

0,60

Dân tộc khác

9

53

0,06

Tổng cộng

16 954

93 335

100,00

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, năm 1999.

 

Dân số trong khu vực phân bố không đồng đều giữa các xã. Một số xã có mật độ dân số rất thấp như xã Tam Hợp huyện Tương Dương (7 người/km2), xã Châu Khê huyện Con Cuông (13 người/km2), nhưng bên cạnh đó có những xã có mật độ dân số cao như xã Đỉnh Sơn (495 người/km2), xã Cẩm Sơn (421 người/km2) của huyện Anh Sơn. Phân bố lực lượng lao động cũng chủ yếu tập trung ở các xã vùng thấp của huyện Anh Sơn. Phần lớn các hoạt động sản xuất là nghề nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi gia súc, gia cầm. Một số ít người làm trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, dịch vụ… Điều này phần nào gây sức ép tới tài nguyên rừng vì kế mưu sinh.

 

Khu BTTN Pù Huống nằm trong địa giới hành chính của 12 xã thuộc 5 huyện: xã Cắm Muộn, Quang Phong (huyện Quế Phong); xã Châu Thành, Châu Cường và Châu Thái (huyện Quỳ Hợp); xã Châu Hoàn, Diễn Lãm (huyện Quỳ Châu); xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông); và các xã Nga My, Yên Hoà, Yên Tĩnh à Hữu Khuông (huyện Tương Dương) tiếp giáp với ranh giới Khu bảo tồn với diện tích là 110 883 ha (Nguyễn Ngọc Chính và cộng sự 1996). Vùng đệm của Khu BTTN Pù Huống có bốn dân tộc cùng sinh sống là người Kinh, Thía, Khơ mú và H’Mông. Dân cư hiện đang sinh sống tại các bản gần ranh giới Khu bảo tồn là 8 535 hộ với 49 699 nhân khẩu, trong đó có bản Na Kho, xã Nga My huyện Tương Dương đang sinh sống trong Khu bảo tồn (Ban quản lý khu BTTN Pù Huống, 2002).

 

Toàn bộ các xã vùng đệm Khu bảo tồn là các xã vùng sâu vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn trong chương trình 135. Các hoạt động kinh tế của cộng đồng dân cư vùng đệm là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và tham gia khai thác lâm sản. Thu nhập chính của đại bộ phận người dân trong vùng từ nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên, trong vùng vẫn có những hộ gia đình có nguồn thu tiền mặt chủ yếu từ thu hái lâm sản. Nhìn chung, mức sống của người dân trong vùng rất thấp do họ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghệp trong khi thiếu đất canh tác, thiếu vốn đầu tư, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất và họ cũng không có nghề phụ.

 

Cơ sở hạ tầng ở các xã vùng đệm gặp nhiều khó khăn. Hầu hết tất cả các xã chưa tiếp cận với lưới điện quốc gia, phần lớn dân trong vùng dùng máy thuỷ điện nhỏ. Hệ  thống giao thông trong vùng rất khó khăn, phần lớn các xã có thể tiếp cận bằng đường ô tô song là đường đất, hệ thống cầu chưa được xây dựng nên rất khó tiếp cận trong mùa mưa. hiện tại một vài xã chỉ có thể tiếp cận bằng đường sông như xã Hữu Khuông, Yên Tĩnh huyện Tương Dương. Mạng lưới giáo dục đã tới các thôn bản song chưa đảm bảo chất lượng phục vụ. Cũng như giáo dục, hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ cũng gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chất lượng cán bộ.

Ý nghĩa về mặt văn hoá

Đặc trưng văn hóa – nhân văn toàn vùng có thể nổi bật thuộc về cộng đồng tộc người Thái, nhưng giá trị bản địa rất đặc sắc không thể bỏ qua giá trị cội nguồn tộc người Ơ Đu, từng một thời từ thế kỷ thứ 11 trở về trước đã là một bộ tộc với nền văn hóa rực rỡ ngã ba sông Nậm Nơn – Nậm Mô – sông Cả. Dân số tộc người Ơ Đu theo thống kê của tỉnh Nghệ An ở thời điểm 30 tháng 12 năm 2003 có 528 người, được xác định là tộc người đang ở tình trạng nghèo khổ nhất, có dấu hiệu thoái hóa về thể chất và hoàn cảnh sống.

Văn hóa dân tộc các bản làng trong khu DTSQ đề xuất như Mường Piệt, Mường Đán, Bản Lốc là nơi  cư trú của người Thái (dòng Mãn Thanh) mang lại những giá trị văn hóa hết sức phong phú về cách thể hiện tình cảm, cách ăn mặc, trang phục trong các lễ hội và ngày thường. Có thể nói chỉ có ở đây người Thái vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán và bản sắc dân tộc trong sinh hoạt, giao tiếp và sản xuất. Nhà cửa là sàn gỗ, to lớn, có thể hấp dẫn du lịch như Mai Châu – Hòa Bình, có hơn 100 nhà đã lợp mái bằng Pơ mu hoặc Sa mu. Dọc tuyến đường lên Pù Hoạt có hàng chục guồng xe nước lớn rất ngoạn mục. Đồng bào vẫn còn trồng bông và dệt thổ cẩm. Khi tiếp khách vẫn thường xuyên dùng rượu cần. Các nhà sàn rộng thoáng mát có thể làm nơi nghỉ ngơi cho du khách.

Đồng bào dân tộc Đan Lai thuộc 3 bản thượng nguồn Khe Khặng (Sông Giăng) giáp biên giới Việt – Lào ở vào Vườn Quốc gia Pù Mát cách trung tâm xã Môn Sơn 40 km, trung tâm huyện Con Cuông 60 km. Đời sống kinh tế – xã hội còn quá nghèo nàn và lạc hậu. Trình độ dân trí thấp, cuộc sống chủ yếu dựa vào đốt rừng làm nương rẫy và săn bắt động vật hoang dã. Cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống chưa có gì, ốm đau, bệnh tật thiếu cơ sở y tế, thiếu thầy, thiếu thuốc điều trị, tỷ lệ tử vong cao. Để nâng cao đời sống kinh tế – xã hội, đảm bảo tồn tại và phát triển tộc người Đan Lai, bảo vệ tài nguyên rừng và động vật quý hiếm Vườn Quốc gia Pù Mát, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được ổn định, việc tái định cư đồng bào dân tộc Đan Lai ở 3 bản Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng ra định cư tại nơi mới là hết sức cần thiết.

Dân tộc Thái sống trong các cánh đồng thung lũng lòng chảo của vùng núi cao miền nhiệt đới gió mùa ẩm ướt phía tây và tây bắc Bắc Bộ. Trải qua hàng ngàn năm khai thác thiên nhiên ở điạ hình này, họ đã tạo được hệ sinh thái nhân văn thường gọi là “văn hoá thung lũng”. Các thung lũng ấy thường có cảnh quan địa lý như sau: có sông suối chảy qua tạo thành vùng đồng bằng rất thuận lợi cho việc làm ruộng, cấy lúa. Cánh đồng tiếp giáp với chân núi, sườn núi thuận lợi cho việc khai thác nương vườn. Bởi vậy đồng bào có truyền thống chính là làm ruộng và làm nương. Bên cạnh đó, từng gia đình còn có những hoạt động kinh tế khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm các nghề phụ: mộc, rèn, đan lát, đặc biệt là nghề dệt vải. Ngoài ra còn có các hoạt động kinh tế chiếm đoạt như: hái lượm, đánh cá, săn bắt.

 

Bảng 11 : Các yếu tố địa văn hóa của khu vực lưu vực sông Cả thuộc khu DTSQ đề xuất

 

Dọc sông Hiếu vào sông Cả

Đặc sắc văn hóa tộc người Thái Vùng quế Kim Sơn, Quế Phong, Văn hóa sắc thái tộc người Khơ Mú, H’ Mông, Kinh

Dọc sông Nậm Nơn tới ngã ba Nậm Mô vào đầu sông Cả

Đặc sắc địa vực tộc người Ơ Đu và Dấu tích nền văn hóa Ơ Đu cổ đại, giao lưu trên sông, đánh bắt thủy sản và Thủy điện Bản Vẽ

Dọc sông Cả từ Cửa Rào xuôi dòng qua địa phận Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn

Đặc sắc văn hóa vùng miền xen ghép các tộc người Thái – Kinh – Khơ Mú, đan xen các loại hình canh tác Thị trấn, thị tứ, làng xã

Khu vực Khe Thơi, Khe Choang, Ngược dòng Nậm Nơn

Và các đỉnh cao trên các dãy Pù Hoạt, Pù Huống, Pù Mát

Các địa vực cư trú cổ đại của các tộc người Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai, hệ thống kiến thức bản địa của các tộc người còn sót lại.

Khí hậu có hai mùa rõ rệt: mùa mưa (mùa nóng) bắt đầu từ tháng 5, 6 đến tháng 10, 11 dương lịch, tương đương với lịch Thái là từ tháng 10 đến tháng 3. Mùa rét (hanh khô) bắt đầu từ tháng 10, 11 đến tháng 4, 5 dương lịch, tương đương với lịch Thái là tháng 4, 5 đến tháng 9, 10. Dựa vào đó, đồng bào đã hướng việc sản xuất sao cho phù hợp với các điều kiện tự nhiên để đảm bảo cuộc sống.

Kinh tế trồng trọt ở đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của xã hội cổ truyền Thái. Đồng bào trồng nhiều giống cây nhưng chủ yếu là lúa. Nông nghiệp truyền thống của đồng bào mang tính độc canh rõ rệt. Mọi hoạt động sản xuất đều xoay quanh việc làm ra thóc gạo. Nếu như người Kinh có câu: “Quý hồ nhiều lúa là tiên” thì người Thái có câu: “Thóc lúa ngồi trên, bạc tiền ngồi dưới” (Khảu nặm năng nưa, ngân căm năng tảư). Đối tượng lao động chủ yếu của đồng bào là ruộng và nương. Người Thái gọi tầng lớp nông dân mình là “ Ông nương – bà ruộng” (Po hay – me na).

Ruộng: Phương pháp canh tác trên ruộng nước của đồng bào Thái cũng nằm trong loại hình nông nghiệp dùng cày, có sử dụng sức kéo của gia súc. HIện nay niên đại phát sinh nông nghiệp dùng cày ở cư dân Thái chưa xác định được. Tài liệu khảo cổ chỉ có thể cho biết lưỡi cày xuất hiện đầu tiên ở thời đại đồng thau. Song trước đó, nhiều nơi đã sử dụng những cày bằng gỗ, mà thời gian do tác động của nhiều đã làm tiêu tan dấu vết.

Người Thái gọi ruộng nước là na. Đó là khoảng đất có mặt bằng, xung quanh có bờ ngăn nước để trồng lúa. Khâu trồng lúa đã được nhấn mạnh để phân biệt giữa ruộng với ao, hồ. Tục ngữ Thái nói: “Làm ao để thả cá, làm ruộng để trồng lúa” (Dệt nong vạy pói pa, dệt na vạy xáư kháu). Như vậy, muốn có ruộng, con người nhất thiết phái đem sức lao động của mình tác động vào khâu kỹ thuật: tạo mặt bằng, đắp bờ ngăn, dẫn nước và làm nhiều công đoạn khác để tạo điều kiện cho cây lúa sinh sôi nảy nở. Từ đất ruộng, lúa nước có một năng suất lương thực cung cấp cho con người để tái sản xuất. Ruộng lúa của người Thái có thể phân thành các loại sau:

–  Về địa hình thì có ruộng bậc thang (na hon), ruộng bằng (na piêng) , vùng ruộng rộng tạo ra cánh đồng (tông na).

–  Về chất lượng thì ruộng bằng (na piêng) bao giờ cũng tốt hơn ruộng bậc thang. Ruộng sẵn nước (na nặm che) bao giờ cũng tốt hơn ruộng chờ mưa. Ruộng gần bản (na há) bao giờ cũng tốt hơn ruộng xa bản (na khók him khim bản).

–  Theo nguồn nước thì có ruộng sẵn nước nhờ có biện pháp thuỷ lợi (na tông) và ruộng chờ mưa (na nặm phôn).

Sau khi phân được các loại ruộng tức là đã đi đến định nghĩa đầy đủ về ruộng nước ở vùng người Thái. Ai cũng biết là yếu tố nước đã quyết định sự tồn tại của ruộng nước. Biện pháp để có nước ruộng bao giờ cũng được người nông dân Thái đặt lên hàng đầu và được đúc kết trong 4 chữ : Mương, phai, lái, lin:

Mương là đường khai thông để dẫn nước vào ruộng. Nói về việc đào mương, người ta dễ thấy rằng người Thái, với trình độ thủ công trước đây, đã đạt được những thành tựu đáng kể. Có những con mương dài ngót chục cây số vắt qua triền núi đá hoặc uốn lượn theo đường khúc khuỷu của chân đèo đầy chướng ngại. Trong tay họ khi ấy chỉ có con dao với lưỡi mai bằng sắt tra cán gỗ, thêm vào đó là sự hiểu biết theo kinh nghiệm về nguyên tắc đòn bẩy, về lực tác động,…, thế mà họ đã thi công được không ít công trình về mương cho đồng ruộng.

Phai là một loài đập ngăn trên sông hoặc do người Thái dựng bằng gỗ, tre, nứa và đất để dâng nước đổ vào mương, dẫn tới ruộng. Phai quyết định lưu lượng nước trong mương. Phai vững thì mương có nước tưới cho ruộng và mùa màng đảm bảo thu hoạch tốt. Ngược lại, phai vỡ, mương, ruộng khô, mùa màng thất bát. Bởi vậy đồng bào thường ví rằng: “Phai vỡ như cha chết” (Po tai phai păng). Từ dự nhận thức đầy đủ về mối tương quan ấy mà đồng bào đã tạo ra cách đắp phai tương đối vững vàng, đủ sức ngăn được dòng suối đương chảy xiết và dâng mực nước lên tới mức cần thiết để đổ vào mương.

Lái bao gồm những phai của hệ thống con nước. Hệ thống con nước tiếng Thái gọi là lốc và cọn. Lái còn bao gồm những phai phụ của phai chính dùng để ngăn nước ở đoạn mương hay bị vỡ; dẫn nước mương chảy qua những chướng ngại vật lớn như tảng đá, cây cối… Lái cũng là những đoạn phai ngăn đắp ở phần suối mé trên bờ lở để tránh xói mòn vùng bờ ruộng hoặc xói vào các điểm tựa của “mẹ nặm cát” (me non xai) của phai …

Lin là hệ thống máng dẫn nước vào ruộng. Hệ thống này người Thái thường làm bằng các loại cây có dóng như tre, bương, vầu; thân gỗ đục hoặc vỏ cứng của cây báng, cây móc. Máng cũng có nhiều loại, và mỗi loại có tên gọi khác nhau. Mỗi loại máng có một tác dụng riêng. Chẳng hạn như máng ngầm và ngắn gọn là to hay lay dùng để đưa nước vào các thửa ruộng sát mương, rút hết nước ở ruộng cao xuống thấp hoặc tháo toàn bộ nước của một thửa ruộng ra cho cạn… Những máng dài hàng mét dẫn nước từ trên cao xuống thấp để tưới ruộng cũng gọi là lin. Những máng bắc qua sông suối phải đặt trên cầu treo thì gọi là cuộm. Ống dẫn nước qua chướng ngại vật cao hơn nguồn nước được áp dụng theo nguyên tắc lợi dụng sức đẩy của áp suất nước ở trên cao là lin cun…

Những biện pháp thuỷ lợi thủ công thô sơ này đã xuất hiện cùng với việc ổn định nơi cư trú, lập bản dựng mường của người Thái. Ngoài biện pháp thuỷ lợi, người nông dân Thái còn có những biện pháp kỹ thuật khác như: bón phân, cày, bừa, chăm sóc, chọn giống… Trước đây vì đất rộng người thưa, người Thái chỉ làm mỗi năm một vụ. Sau 1954, nông dân Thái đã biết canh tác ruộng hai vụ.

Nương: Trong cuộc sống xưa của người Thái, nương có nhiều tác dụng. Nương lúa cùng với ruộng nước đáp ứng nhu cầu về thóc gạo. Nương ngô giúp thêm cái ăn cho con người và gia súc, nương còn cung cấp thêm những thức ăn có bột khác như khoai sọ, khoai lang,…, những cây có dầu như vừng, lạc và đặc biệt là cây bông để làm nguyên liệu dệt. Người Thái làm nương theo phương pháp chặt phá cây, đốt, chọc lỗ – tra hạt. Nương chỉ làm được ba vụ rồi phải bỏ theo chu kì khép kín. Cách sản xuất dựa vào nương rẫy nay đã lỗi thời, cần bỏ vì chặt phá rừng gây tổn thất nghiêm trọng cho môi trường sống. Thay vào đó là việc trồng rừng và phục hồi rừng theo cách cho rừng được tái sinh tự nhiên.

Nói về nương rẫy ở cư dân Thái, trong một bài nghiên cứu nhỏ, PGS. Lê Sỹ Giáo đã viết:

“Nương rẫy có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp truyền thống của người Thái. Quả vậy, sinh sống lâu đời ở vùng thung lũng, các cư dân Thái – Tày không chỉ có ruộng mà còn có rừng, không chỉ sống nhờ vào ruộng mà còn triệt để khai thác thế mạnh của rừng. Phương thức phát cây đốt rừng làm nương rẫy được con người biết đến đã từ rất lâu đời…

 “Nương rẫy trong đời sống kinh tế truyền thống của các cư dân thung lũng trước hết là nguồn bổ sung một phần lương thực cho con người và cung cấp thức ăn cho gia súc. (Thóc nếp cho người, thóc tẻ và ngô, sắn cho chăn nuôi). Các cây cho thức ăn có dầu như vừng, cho thức ăn có đạm như các loại đậu, các loại rau xanh, các cây gia vị (kiệu, hành, gừng,… )đều được trồng trên đất rẫy. Thành thử nương rẫy trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là mảnh đất trồng trọt một vài loại cây lương thực và hoa màu, mà nó đã mang dáng dấp của mảnh vườn trong tương lai.

“Cũng cần lưu ý là ngoài nương rẫy có vai trò quan trọng như đã thấy thì rừng, sông suối cũng cung cấp một nguồn thức ăn rất đáng kể: đó là các loại rau, măng, mộc nhĩ; các loại tôm, cá. Rừng còn là nơi khai thác lâm – thổ sản phục vụ cho cuộc sống của con người, quan trọng như làm nhà cửa, bình thường như củi đun hàng ngày. Rừng còn là “ bãi chăn thả” gia súc mà chủ yếu là trâu bò.

“Ngày nay, hiện tượng chặt đốt rừng làm nương rẫy đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống – là vấn đề thời sự nóng bỏng ở các vùng núi nói chung. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn cho rằng giải quyết vấn đề nương rẫy ở các tộc người làm cho ruộng vùng thung lũng không phải là quá nan giải và bế tắc. Cái gốc là ở chỗ các cư dân này vốn là những người canh tác ruộng nước truyền thống chứ không phải là những người chuyên sống bằng “ăn nương”. Do sức ép của dân số, nhu cầu lương thực ngày càng tăng lên, trong khi đó diện tích ruộng nước gần như đã cạn nguồn khai phá từ lâu. Người dân chỉ còn biết trông cậy vào đất rừng, biến rừng thành nương rẫy để trồng lúa, trồng màu. Vì vậy chỉ có thể giải quyết vấn đề “bảo vệ rừng” trên cơ sở giải quyết tốt vấn đề lương thực cho nhân dân. Mặt khác cũng cần xác định rõ ràng quyền sở hữu và kế thừa các vạt rừng trồng theo chủ trương giao đất – giao rừng. Kinh nghiệm cho thấy không một lực lượng xã hội nào lại chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn chính những người dân sở tại luôn sống và quen thuộc với rừng.”

Chăn nuôi: Trước đây mỗi gia đình người Thái đều nuôi gia súc, gia cầm. Trâu để kéo cày; ngựa để thồ và đi lại; chó giữ nhà, mèo bắt chuột; trâu, bò, gà, vịt, dê,v..v.. để ăn thịt, cúng tế, tiếp khách. Vật nuôi còn dùng để phục vụ các bữa ăn khi mời bà con trong bản tới giúp những công việc lớn cần phải hoàn thành trong một thời gian ngắn như dựng nhà, trồng cấy, phát nương, gặt hái v.v..và khi cần thiết cũng đem ra trao đổi, biến sản phẩm tự cung tự cấp thành hàng hóa.

Phương thức chăn nuôi của hầu hết các gia đình thường thể hiện tính chất nửa chăm sóc, nửa thả rông. Đàn gia súc được nuôi theo tập quán thả rông đã hình thành những giống thích nghi với lối sống hoang dã của người. Chăn nuôi theo phương pháp này, người Thái cũng sản sinh ra được một vài giống gia súc tương đối tốt. Giống trâu ở Mường Thanh (Điện Biên) tương đối to, khỏe, cho nhiều thịt. Giống ngựa tuy nhỏ nhưng thồ được nặng, sức bền, ít ốm yếu dọc đường và đặc biệt là leo núi cao, đường đi gập ghềnh khá giỏi. Bởi vậy trâu, bò, ngựa v.v.. nhất là trâu của người Thái đã bước đầu trở thành hàng hóa.

Ngày nay, trong cơ chế thị trường, cách thức chăn nuôi theo truyền thống đã không còn thích hợp. Nông dân Thái đã biết chăn nuôi theo phương pháp mới do các cơ quan nông nghiệp của huyện, của tỉnh hướng dẫn.

Hái lượm:  Ở cư dân Thái, hoạt động này vẫn còn đóng vai trò quan trọng. Tất nhiên hái lượm cũng không thể gọi là một là ngành kinh tế chủ đạo như thời nguyên thủy, nhưng ít nhất những tàn dư của nó được bảo lưu cũng đã đáp ứng khá nhiều cái ăn cho đồng bào, trong điều kiện thiên nhiên vẫn cho phép họ làm việc đó. Chắc rằng, người ta sẽ chưa nghĩ gì đến việc trồng rau nếu như ở rừng, ngay bên cạnh nhà đã có loại rau tự nhiên đó và lại rất phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của con người. Hiện tượng hái lượm ở người Thái tồn tại khá đậm nét:

 Lụ hặc lả me ếm ơi!Mưng cọ nhaư lom phắc lai xa.(Con yêu lớn bởi nhiều rổ rau xanh)

Mả lom nó lai luông. (Bởi nhiều búp măng ở rừng)

Sinh hoạt hái lượm đã trở thành tập quán cổ truyền của phụ nữ và trẻ em. Điều đó không chỉ có trong thực tế mà còn được phản ánh trong múa và hát dân ca:

            Nhinh cọ tộc té nọi kin khảu bái nó.

            (Em là phận gái nghèo từ thuở nhỏ. Ăn cơm với măng)

            Khó té nọi kin khảu báiblon.

            (Khó từ tuổi thơ ăn cơm với “bon”) .

            Nhing kin nó cọ báu chư đảy xuốn hon.

            (Ăn măng một ngọn không riêng một mình).

Nhing kin bon báu chư đảy xuốn kản.

(Ăn bon một cuống không phải mình em ăn)

Công việc hái lượm của phụ nữ và trẻ em Thái còn bao gồm cả việc bắt tôm, cua, ếch, nhái, các loại sâu bọ, động vật nhuyễn thể và những loài tép, cá con… Đây là nguồn thức ăn kiếm được thường xuyên, có sẵn trong tự nhiên, có nhiều dinh dưỡng và ngon miệng.

Ngày nay do rừng bị tàn phá nghiêm trọng, toàn bộ khu vực Tây Bắc chỉ còn 9% đất rừng. Sông suối cạn, các loại thủy sản cũng không còn chỗ để sinh tồn bởi vậy đối tượng hái lượm của các gia đình hầu như không còn. Người ta phải chuyển sang kinh tế VAC.

Đánh cá: Cơ cấu bữa ăn của các gia đình Thái là cơm-cá. Bởi vậy cùng với hái lượm, việc đánh cá ở sông suối cũng được các cư dân Thái tổ chức thường xuyên. Tục ngữ nói về sự sung túc của kinh tế truyền thống Thái như sau: “Không đói cơm, thiếu gạo, không thiếu cá” (khảu báu ứt, pa báu dak). Như vậy ở phương diện nào đó, cá được coi ngang với thóc lúa. Việc đánh cá của đồng bào được tổ chức dưới hai hình thức: cá nhân và tập thể. Mùa nước suối trong, người ta còn “mở hội đánh cá” (phá pa văng hảm) ở vùng cấm hay ao của mường. Hội này rất vui, thu hút được hàng ngàn người xuống một nơi đã được cấm không đánh bắt cá, làm ồn ào, gây tiếng động lớn để cá đến tụ đàn. Ba năm một lần, hội được mở ở các trung tâm đất mường.

Hiện nay do thiên nhiên đã bị cạn kiệt, sông suối cạn nước lại bị đánh mìn, đánh điện, cá và các loài thủy sản không còn là bao. Các hình thức đánh cá trong tự nhiên cũng bị mất đi để chuyển sang việc đào ao thả cá.

Săn bắn: Khái niệm săn bao gồm cả việc bắt các loài muông thú và các loài thú nhỏ, to trong tự nhên. Cũng như hái lượm và đánh cá, săn cũng vẫn đóng vai trò hỗ trợ trong việc thỏa mãn thức ăn về thịt trong đời sống hàng ngày của người Thái. Tuy nhiên do tính chất thất thường của săn bắn và nguồn thịt của chăn nuôi gia đình, hoạt động săn đã bị hạ thấp xuống vị trí rất phụ so với hái lượm và đánh bắt.

Việc đi săn của người Thái cũng được tổ chức dưới hai hình thức: săn cá nhân và săn tập thể. Săn các nhân gọi là “Đi thăm rừng” (pai dam pá) và săn tập thể gọi là “săn” (húa hay hóm). Săn cá nhân có hai cách: đối mặt với muông thú để diệt và đặt bẫy săn bắn. Săn tập thể còn gọi là săn gióng, dùng số đông cùng với đàn chó săn để đuổi thú trong rừng ra chỗ có người mai phục sẵn để diệ bằng súng hay bằng lưới săn. Trước đây mỗi bản đều có nhiều vùng rừng dành để săn bắn tập thể gọi là “gò săn” (đon húa). Ngày nay hoạt động này hầu như đã chấm dứt vì đã bị cấm.

Bản: Bản là danh từ trong nhóm ngôn ngữ Thái, hệ Nam – Thái tức Thái – Ka đai. Nó dùng để chỉ một đơn vị cộng đồng cư dân – trong đó mỗi gia đình phụ hệ, bất kể là nhỏ hay lớn, ở mọi nơi (hay mẫu hệ như ở miền Bắc Thái Lan)- đều có một ngôi nhà riêng. Chủ nhân của đơn vị bản là những nông dân. Đây là lớp người đã có hàng ngàn năm lịch sử để tạo lập hệ sinh thái nhân văn và làm nên văn hóa thung lũng. Bản có những đặc trưng chủ yếu sau:

Đây là đơn vị sở hữu lãnh thổ. Lãnh thổ ấy là “đất bản” (đin bản). Bản nhỏ nhất có hai nóc nhà và hoàn chỉnh phải có từ 10 nóc nhà trở lên với một vùng lãnh thổ được sở hữu gồm các khu vực tự nhiên như: ruộng đồng, đất bãi, đất rừng, núi, sông suối, đầm hồ…Đây là đơn vị cộng cư nên từ lâu đã là một cấp mà tổ chức xã hội trực tiếp quản lý toàn bộ vùng “ đất bản”. Trước đây nó là đơn vị hành chính dưới cấp mường. Bây giờ, tuy không phải là đơn vị hành chính của nhà nước nhưng vẫn được cấp xã chỉ đạo phản ánh tình hình của dân với Đảng và Nhà nước. Như vậy bản là tổ chức xã hội đặc thù mang đậm tính tự nhiên và bền vững của tộc người.

Đây là đơn vị dân cư đảm nhiệm chức năng văn hóa. Xưa, tất cả những người đứng đầu bản đều biết chữ Thái cổ. Chính họ là người khuyến khích toàn dân trong bản học và dùng chữ Thái trong sinh hoạt hàng ngày.

Từ yêu cầu trong cuộc sống về văn hóa tâm linh, cần khẳng định vị trí cư trú lâu đời và ổn định của mỗi nóc nhà trên bản nên có tục chọn hồn người đứng đầu bản là “ linh hồn chủ” (chẩu xửa). Vào dịp “ cúng bản” (xên bản), người ta đem áo của chủ bản ra đặt cạnh mâm cúng. Xưa, đây là một trong những tập tục trở thành yếu tố quan trọng trong việc cố kết cộng đồng bản. Nó khẳng định điều như câu tục ngữ : “ Một thân không thể ngồi trên nong tự nhấc; một mình không thể ngồi trên gốc tự nhổ” (phủ điêu báu năng đổng hăk nho; báu năng to hák cốn). Với ý niệm đó, bản không chỉ là nơi tập hợp các gia đình riêng rẽ – thân người nào, người ấy lo; nhà người nào, người ấy liệu … – mà là một cộng đồng có tổ chức. Có nhiều việc không kể nhỏ hay lớn chỉ là của riêng một cá nhân, gia đình, dòng họ, nếu bản biết thì lập tức theo lệ chia sẻ vui buồn hoặc cưu mang khi cần thiết. Chẳng hạn, một gia đình làm lễ cúng tổ tiên cũng sẵn sàng trở thành lễ hội của cả bản; một người trong bản chết cả bản khóc và cùng tham gia làm tang lễ.

Từ sau năm 1945, vai trò tổ chức do giữ được nếp sống cộng đồng nên vẫn tiếp tục phát huy mặt tích cực. Ngoài tính hạn chế như khi đưa dân vào hợp tác xã nông nghiệp thì mọi người đã cùng nhau phá rừng làm nương rẫy, bản vẫn như mộ “ pháo đài” vững chắc, góp phần vào sự thành công của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, tuy không có văn bản của Nhà nước, nhưng bản vẫn không thể theo tập quán truyền thống và là một tổ chức cơ sở của mường Việt Nam. Nó là nơi hàng ngày, hàng giờ tác động tới sản xuất và đời sống của từng gia đình hạt nhân. Cũng cần nhấn mạnh rằng, bản Thái không phải là tổ hợp những khuôn viên của các gia đình tư hữu mà vẫn quen nếp cũ sống theo cộng đồng một cách tự nhiên.

Mỗi người dân trong bản vẫn coi đơn vị cộng đồng này như là nơi nương tựa vững chắc về vật chất cũng như tinh thần. Bởi vậy, bản cần thiết phải được củng cố để phát huy đầy đủ chức năng “ pháo đài văn hóa” của tộc người. Chẳng hạn, đây là nơi tổ chức học lại chữ Thái, sinh hoạt hội hè, vui chơi lành mạnh và quan trọng hàng đầu hiện nay là phục hồi các khu rừng cần thiết của bản. Nếu bản không phải là đơn vị tổ chức trồng và bảo vệ rừng thì chắc chắn tài nguyên này sẽ mất hẳn. Bản còn là nơi định hướng sản xuất cho các gia đình hạt nhân. Chẳng hạn như nơi có quá ít ruộng, buộc lòng họ phải trở lại với việc phá rừng làm nương. Bản cần lập kế hoạch để các gia đình chuyển hướng sản xuất sang trồng rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây phục vụ sức tiêu thụ của thị trường…Vùng người Thái, bản không nên chỉ hướng cho các gia đình hạt nhân của mình trồng cây mà cần phải phát triển chăn nuôi gia đình theo hướng làm giàu. Hướng đi đáng chú ý này đã có nhiều bản đang thực hiện và bước đầu tỏ ra có hiệu quả kinh tế.

Nhưng dù thế nào, tổ chức bản cũng cần cố gắng đi theo truyền thống của mình. Theo đó thì chỉ nên dừng ở chỗ tìm ra hướng đúng để cho các hộ thành viên biết mà tự vận động, không nên lấy chính tổ chức bản làm đơn vị  sản xuất thay cho từng gia đình như trước đây hợp tác xã đã thực hiện. Định hướng kế hoạch, cần phải nhường phần thực thi cụ thể cho các gia đình. Và như thế bản vẫn là tổ chức đảm nhiệm chức năng văn hóa như xưa nay.

Mường: Nếu bản còn có thể cho ta quan sát được cái cốt lõi của nó thì mường đã không còn dáng dấp nào chứng tỏ nó đã từng là một thang trong cơ cấu xã hội, ngoài cái tên còn đọng lại do đã trở thành địa danh như Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lay (Lai châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Xang (Mộc Châu)… Như vậy, trước sự thống nhất cách tổ chức một thể chế ở nước ta, cơ cấu mường vùng Thái đã lùi vào quá khứ để thay vào đó là các cấp xã, huyện, tỉnh như hiện nay. Trình bày tổ chức mường của người Thái ở đây không phải là để biết hiện tình của xã hội Thái ở đơn vị này mà để hình dung một mô thức văn hóa – xã hội đã từng tồn tại ở dân tộc này ít nhất cũng đã có ngót ngàn năm, từ thế kỉ thứ IX, X đến thế kỷ XX vừa qua.

Điều đáng chú ý nhất, có lẽ tổ chức mường Thái không chỉ có ở vùng Tây Bắc Việt Nam mà là hiện tượng phổ cập chung cho tất cả các cộng đồng tộc người trong nhóm ngôn ngữ Thái ở miền nam Trung Hoa và Đông Nam Á lục địa. Căn cứ vào tư liệu đã hệ thống được, có thể phân chia quá trình phát triển xã hội các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái hàng ngàn năm đã diễn ra qua bốn mốc lớn:

–  Đẳm . Đây là hình thái tổ chức xã hội dựa trên quan hệ huyết thống, ra đời trong xã hội thị tộc – bộ lạc, thời sơ sử.

–  Bản – mường. Đây là hình thái tổ chức xã hội dựa trên quan hệ lãnh thổ và sở hữu. Cơ cấu theo hệ thống phân chia lãnh địa mường, trong đó “mường ngoài” (mương nọk) quy tụ vào “ mường trong” (mương cuông) với trung tâm là đất chiềng; các mường chịu quy phục thep lệ cống nạp (mương vảy) phụ thuộc vào “mường lớn” (mương luông).

–  Pathết. Danh từ này không có gốc từ ngôn ngữ nhóm Thái mà do vay mượn từ tiếng Pali – sanscrit của Ấn Độ. Điều đó chứng tỏ về tổ chức xã hội nguyên Thái đã lập ra hai quốc gia Lào và Thái Lan. Đây là hai quốc gia dân tộc (nation) có hình thái tổ chức cao hơn bản- mường, cơ cấu theo hệ thống dọc, thứ cấp theo bậc trên dưới từ trung ương đến địa phương.

Như vậy, vị trí lịch sử của tổ chức xã hội theo mô thức bản – mường mang tính đặc thù Thái và có tầm quan trọng trong việc nghiên cứu xã hội phương Đông nói chung.

Tổ chức bản – mường tuy đều đã từng tồn tại ở tất cả các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Thái, nhưng ngoài vùng Tây Bắc Việt Nam, người ta không còn tìm thấy nguyên dạng của nó. Nhìn sang phía đông và đông bắc, trong các dân tộc Tày, Nùng, Choang cũng như người Thái ở miền tây Thanh Hóa, Nghệ An, danh từ bản – mường chỉ đọng lại như một dấu ấn của tính phổ biến trong lịch sử. Tại đây, người ta chịu ảnh hưởng đậm nét mô hình tổ chức xã thôn của người Kinh và người Hán, không còn là bản – mường nguyên dạng. Ngược lại, vùng người Thái ở Tây Bắc bao gồm các địa bàn thuộc tỉnh : Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, đặc biệt là Sơn la, Lai châu, trước năm 1954 vẫn còn thấy khá rõ mô hình cấu trúc bản – mường nguyên Thái. Tại đây tổ chức xã hội của mường theo mô hình cơ cấu đồng tâm xoay quanh một trục đã được thể hiện một cách toàn diện trong hệ thống tổ chức một đơn vị châu mường  về một mối có những đặc điểm sau:

Mường là một đơn vị tổ chức xã hội có vùng đất đai và đường ranh giới rõ rệt, mang tên “đất mường” (đin mương). Đất đó đã sống trong tâm thức người Thái thể hiện qua câu ca dao:

“Đất mường từ đời tổ (Đin mương té chua đẳm), Đất nước từ đời xưa”(Đin nặm té chua lang).

Với các gia đình hạt nhân – tế bào của xã hội, tổ chức mường không trực tiếp tác động mà thông qua cấp cơ sở bên dưới là bản. Như vậy, bản  là hạ tầng cơ sở, còn mường là hình thái cấu trúc thượng tầng. Ngày nay, mặc dù cấu trúc xã hội Thái theo kiểu  bản – mường  ấy không còn, nhưng danh từ ghép này vẫn được sử dụng để gọi một số khái niệm như: tổ quốc, xã hội, quyền lực xã hội…

Tín ngưỡng – Tôn giáo: Người Thái quan niệm đất này vốn phân chia thành hai mường, tương đương với quan niệm về hai  thế giới. Đó là “thế giới của sự sống” tiếng Thái là mương côn (mường người) và “thế giới hư vô” là mương fi (mường phi). Hiểu đúng nghĩa thì “phi” không thể dịch là “ma”, đơn giản như số đông vẫn hiểu. Ma của người Kinh thực chất chỉ là một phần rất nhỏ của “Phi” trong khái niệm ở đây. Thế giới hư vô của người Thái có ba không gian tồn tại. Một là không gian của mỗi con người có phi khoăn  tương đương với “linh hồn” hay “vía”. Hai là không gian “cõi linh” hiểu theo nghĩa cụ thể của  mường phi  được phân thành hai phần. Phần ác gồm các ma thiêng – quỷ dữ có thể do người chết biến thành và cũng có thể có sẵn trong tự nhiên. Phần lành có tổ tiên – phi  đẳm  hay  phi hươn. Ba là không gian của cõi trời có phi  then hay  then.

Khoăn – Phi khoăn (Hồn – Linh hồn): Cũng như mọi dân tộc khác, người Thái cho rằng có sự sống là do có linh hồn tồn tại trong thể xác, nhưng quan niệm và cách giải thích thì hoàn toàn mang màu sắc riêng. Thể xác là con người, linh hồn là cái bóng. Ma hoặc người biết làm ma thuật có thể làm hại chính cái bóng đó khiến cho thân xác giật mình, ốm đau hoặc chết. Vậy muốn cho tai qua nạn khỏi thì phải cứu lấy cái bóng đó tiếp tục phù hộ thể xác. Do có quan niệm như thế nên tiếng Thái mới có thuật ngữ “hồn bóng” (khoăn ngau). “Cái bóng” không cảm nhận được bằng các giác quan nên thuộc lĩnh vực siêu nhiên, gọi chung là phi – phi khoăn . Mỗi con người có “30 hồn ở phía trước và 50 hồn ở phía sau” (xam xíp khoăn mang nả hả xíp khoăn mang lăng). Đó là các hồn của từng bộ phận cơ thể như: mắt, tóc, tai, tim, phổi, chân, tay,… Trong đó có hồn chủ là hồn bao trùm, gọi là chính hồn ngụ ở đỉnh đầu – nơi có xoáy tóc. Người Thái gọi chỏm xoáy trên đầu là “đỉnh hồn” (chom khoăn).

Vì là một loại phi nên hồn có thể tạm thời tách khỏi thể xác để đi vào “cõi hư vô” (mương phi). Sau đó lại trở về thân xác tiếp tục sống. Ngược lại, nếu hoàn toàn ở lại trong “cõi hư vô” thì thân xác chết. Niềm tin vào các linh hồn như thế đã dẫn đến sự ra đời của nghi thức, nghi lễ. Một là các loại nghi thức và nghi lễ mang tên “sửa sang hồn” (peng khoăn). Hai là nghi lễ trong đời người gọi là “cúng sinh hồn” (xên khoăn). Thường nhật, các linh hồn ngụ ở áo của chủ. Tiếng Thái gọi là áo là xửa nên trở thành thuật ngữ chỉ linh hồn. Nói rõ hơn, nếu không gọi linh hồn là phi khoăn thì cũng gọi là xửa (xửa khoăn). Bởi vậy khi tiến hành các nghi thức, nghi lễ, người ta phải lấy áo của đương sự và người thân thích đặt tại mâm cúng.

Linh hồn người tồn tại nhờ có cái gọi là minh, nen, khớ. Minh  là nền để linh hồn trụ. Nen  là trục mọc thành hình chóp chư măng mọc nên mới có tên “măng nen” (nó nen). Trên đỉnh chóp của nen nối với một sợi dây vô hình (sai nen) để buộc vào cái móc (kho nen) ở chạn của then bẩu (hinh then).Chết đồng nghĩa với khái niệm dây nen đứt, móc neni rơi, măng nen đổ. Khái niệm về minh và nen lúc bình thường được thể hiện bằng câu thành ngữ thì: “minh đặt nen dựng” (Minh đa nen tẳng). Vì có quan niệm này nên khi làm các nghi thức, nghi lễ liên quan đến linh hồn, người ta phải làm các nghi thức, nghi lễ sao cho “Minh vững  nen bền” (Minh têm nen mẳn). Khớ còn gọi là khọk với nghĩa là mện. Người Thái quan niệm mệnh người mong manh như sợi chỉ bông nên gọi là sai khớ (dây khớ). Dây khớ  đứt là chết, đồng nghĩa với mệnh tận.

Có một lực lượng siêu nhiên giữ chức năng bảo vệ linh hồn mang tên là Một. Đấy là lực lượng siêu nhiên thuộc dòng nữ – Me Một. Người ta nói, có Khoăn thì có Một. Khoăn không có Một thì sẽ chơi vơi, dễ bị ma và các lực lượng ma thuật làm hại; Một càng khoẻ thì linh hồn càng vững. Ngược lại, Một yếu thì thân thể hay lâm cảnh “hồn xiêu phách lạc”. Người bình thường, Một không biểu hiện cụ thể. Có một số người do Một  xuất thần nên biết sử dụng thủ pháp ma thuật. Một xuất thần theo đường hiền thì thành người chuyên làm ma thuật chữa bệnh, tiếng Thái gọi người ấy là Một. Một xuất thần theo đường ác thì không gọi là Một mà tuỳ theo điều chuyên làm ác mà gọi. Ở đây cũng cần phân biệt hai thuật ngữ là Một và Mo. Một là thầy cúng có nam có nữ. Mo có nghĩa chung là người hiểu biết sâu rộng một lĩnh vực nào đó. Nếu biết về đường cúng – lễ thì gọi là Mo phi. Nếu giỏi và hay chữ là Mo năng sư. Nếu giỏi về đường thuốc thì gọi là Mo da…

Phi hươn, Phi đẳm, Phi Pảu pú, Phi pú đa, Phi hóng (Tổ tiên): Người Thái theo tục cúng tổ tiên, không theo bất cứ tôn giáo ngoại tộc nào. Đây là đặc trưng nổi bật trong tôn giáo – tín ngưỡng Thái. Khi chết, linh hồn đầu (hồn chủ) hoá kiếp về cõi đẳm để trở thành tổ tiên, tồn tại mãi mãi ở “cõi vĩnh hằng”. Nơi thờ cúng tổ tiên (phi hươn) đặt ở gian gọi là hóng bên phía quản (xem sơ đồ mặt bằng nếp nhà sàn truyền thống nhóm Thái Đen ở Thuận Châu – Sơn la, phần Văn hoá vật chất, mục Nhà cửa). Với nhóm Thái Đen, lễ cúng tổ tiên gọi là “cúng nhà” (xên hươn) được xem như ngày tết. Dịp vui của một nóc nhà mà thu hút sự tham gia của bà con trong bản và một vùng rộng lớn. Vật hiến tế là lợn to. Cúng xong đặt bàn cỗ mừng. Người đọc khấn lễ là Mo không phải Một. Ngày cúng cũng là ngày vui, người ta uống rượu, hát đối đáp theo làn điệu dân ca suốt ngày thâu đêm, đánh trống, chiêng, xoè múa, hát hò. Người Thái Đen xưa không ăn tết Nguyên Đán như người Hán, Kinh, Thái Trắng. Ngày nay, hai sự kiện: “Cúng nhà” và tết Nguyên đán thường kết hợp làm một.

Bản – Mường là một thể thống nhất tâm linh, có nhiều linh hồn và một linh hồn chủ. Linh hồn bản – mường gồm tất cả các linh hồn của mọi thành viên trong một đơn vị cư dân mang tên bản  hay  mường. Hồn chủ là linh hồn của người được bản – mường chọn áo để cúng. Người Thái gọi người đó là chảu xửa, chủ áo, chủ các linh hồn. Chảu xửa ở bản trước tiên là ông cha người có công khai phá ra bản đó, nay con cháu vẫn tiếp tục đưa ra làm người đứng đầu bản. Cũng có thể về sau, con cháu của người có công khai phá bản đó không giữ chức đứng đầu bản nhưng vẫn được người ta chọn là chảu xửa. Nếu đã quên người khai phá, lập bản đầu tiên, nhất thiết phải coi người đứng đầu bản là chảu xửa.

Chảu xửa của mường là người đứng đầu thuộc dòng quý tộc cai quản mường đó. Họ phải là người thuộc con cháu của lớp tạo đầu tiên có công dẫn dắt người Thái trong mường dựng nên tổ chức của mường đó. Bởi vậy thủ lĩnh châu mường, phìa, tạo thường cũng là chảu xửa. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ, một mường có một người làm thủ lĩnh, một người khác đứng làm chảu xửa gọi là tạo chảu xửa. Đó là trường hợp đứng đầu mường là người thuộc một dòng quý tộc ở nơi khác được cử đến thay thế. Linh hồn của mường cũng có  minh, nen như linh hồn cá thể.  Minh, nen  ngụ ở một quả núi nương bóng bên dòng sông, suối được người ta chọn, đặt tên là pom minh mương hay pom nen mương.

Thành phần  phi bản, phi mường  gồm cả “thế giới của linh hồn bất biến” gọi chung là phi đẳm. Khi các thành viên của  bản, mường chết đi, tất cả linh hồn của họ “tiếp tục tái sinh” ở cõi phi do tổ tiên của quý tộc làm chủ. Phi bản, phi mường còn có lực lượng thần linh là chủ các khe suối, dòng sông, ngọn núi trong phạm vi đất mường, được hợp lại gọi chung là Chủ nước- chủ đất (chảu nặm – chảu đin), Khe suối lớn, sông con chảy qua đất của mường còn có nơi được chọn để thờ Chủ cõi nước gọi là  Văng mương, hay Phi mương. Hình thức cúng  bản – mường được tập trung ở đất chiềng. Như Mường Mụa (Mai Sơn- Sơn la) có đến 12 kiểu cúng. Đây chính là lễ hội của mỗi đơn vị mường của người Thái xưa.

Ngày nay, việc cúng bản, cúng mường đã hoàn toàn biến mất. Người ta cũng nghĩ rằng với phong trào phục hồi lễ hội truyền thống, có thể cho cúng bản, cúng mường ở mức độ thích hợp với việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc chăng? Nhưng cho đến nay cũng chưa có cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào bàn đến truyền thống sinh hoạt văn hoá này ở cư dân Thái.

Phi phạ – Phi then (Cõi trời): Theo quan niệm xưa, cõi trời là thế giới chứa đựng mọi lực lượng quyết định tất cả sự việc và hiện tượng trên mặt đất. Đối với họ, cõi trời cũng là một mường nên có tên Mường phạ. Mường phạ do các vị Then làm chủ nên còn gọi là Mường Then. Mường phạ chia làm hai phần. Một là nơi chứa đựng “những linh  hồn bất biến” gọi là đẳm hay đẳm pang. Hai là nơi ngụ của các vị Then do Then Luông (lớn) làm chủ. Then luông tương tự như Ngọc Hoàng thượng đế cuả người Kinh. Việc cúng Then bao giờ cũng gắn với lễ nghi cúng linh hồn người và linh hồn bản – mường. Ngày nay, việc cúng bái này cũng không còn thấy ở đâu tổ chức nữa.

 

Đặc điểm về địa hình, địa mạo

1. Địa hình

1.1 Độ cao cao nhất so với mực nước biển : _____2000__ mét

1.2 Độ cao thấp nhất so với mực nước biển: ______________ mét

1.3 Đối với những vùng ven biển/vùng biển, độ sâu lớn nhất dưới mực nước biển trung bình (maximum depth below mean sea level):

____________ mét

2. Đặc điểm địa mạo

Kết quả nghiên cứu các đặc điểm địa mạo thuộc các huyệnTương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Quế Phong  thuộc tỉnh Nghệ An cho thấy độ cao địa hình nhìn chung thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Bậc địa hình cao nhất phân bố dọc theo biên giới Việt – Lào thành một dải dài theo phương Tây Bắc- Đông Nam tạo thành các đỉnh như đỉnh Pù Hoạt, Pù Miêng, Pù Samtie, Pù Tong Chinh, Pù Xông, Pù Xai Lai Leng với độ cao từ 2000-2700 m. Thấp nhất là các bề mặt đáy thung lũng với độ cao từ 0-10 m phân bố dọc theo sông Cả và các sông suối trong khu vực. Trên cơ sở tổng hợp các tài liệu thực tế, bản đồ địa mạo ảnh, bản đồ trắc lượng hình thái và các tài liệu có trước địa hình khu vực nghiên cứu được chia thành hai nhóm bề mặt địa hình chính:

2.1. Nhóm bề mặt nguồn gốc tích tụ

Khu vực nghiên cứu có hệ thống sông suối khá dày đặc song các sông suối đều ngắn, dốc, lòng hẹp, nước chảy xiết do đó ít thuận lợi cho việc hình thành địa hình tích tụ. Vì lẽ đó địa hình tích tụ chỉ chiếm điện tích rất nhỏ (khoảng 2% ), bao gồm bãi bồi, bậc thềm I, bậc thềm II, bậc thềm III, bề mặt tích tụ sườn – lũ tích, bề mặt tích tụ sông – lũ tích.

Bãi bồi hiện đại: Bề mặt bãi bồi hiện đại chiếm diện tích bé phân bố dọc theo sông hoặc ven mép nước dọc theo sông Lam và các sông suối khác trong vùng. Độ cao tương đối 0-2 m. Bãi bồi được tích tụ bởi các trầm tích bở rời: cuội, sỏi, tảng, lẫn cá bột sét tuổi Holocen muộn. Đối với các suối nhỏ, bãi bồi có thành phần chủ yếu là hạt thô, còn đối với sông Lam, sông Nậm Mô, suối Bành Thoong, suối Nậm Chon các bãi bồi có thành phần hạt mịn là chính.

Địa hình bề mặt bãi bồi khá bằng phẳng, hơi nghiêng về phía dòng chảy hiện đại. Chiều rộng không lớn, kéo dài gần như liên tục dọc theo các sông suối và thường bị ngập nước vào mùa mưa. Phần lớn bề mặt này ở vùng thượng nguồn thường bị thu hẹp lại khoảng 5-10 m, đôi nơi không thể hiện rõ bãi bồi. Quá trình xâm thực sâu phát triển mạnh tạo nên các thung lũng xâm thực dạng chữ “V”. Do lưu lượng dòng chảy ở các sông suối lớn nên quá trình họat động xâm thực bồi tụ xảy ra mạnh, các bãi bồi liên tục thay đổi về hình dạng và vị trí qua các mùa mưa lũ.

Bề mặt bãi bồi có cát cuội sỏi làm vật liệu xây dựng cho địa phương

Thềm sông bậc I: Bậc thềm này chiếm diện tích nhỏ, có độ cao tương đối từ 2-4 m, so với mặt nước sông. Chúng phân bố dọc theo sông Cả và các suối chính. Thềm bậc I được cấu tạo bởi bột sét lẫn cát, cuội sỏi màu xám nhạt thuộc trầm tích sông tuổi Holocen sớm-giữa. Bề mặt thềm khá bằng phẳng, hơi nghiêng về phía thung lũng với chiều rộng trung bình 200-300 m, rộng nhất là vùng Tương Dương và Na Ca tới 700-800 m, kéo dài liên tục dọc theo cácc sông suối trong vùng. Hiện tại bề mặt thềm chịu tác động mạnh mẽ của quá trình xâm thực ngang của dòng chảy, đồng thời thềm đã và đang được con người cải tạo trồng lúa và hoa màu.

Thềm sông bậc II: Bề mặt thềm II phân bố thành dải hẹp phía bên trên của thềm bậc I  ở khu vực thị trấn huyện Tương Dương, Bản Lũng xã Tam Thái và ở xã Bình Chuẩn. Độ cao tương đối của thềm là 4-6 m.Thềm được cấu tạo bởi trầm tích bở rời: bột sét lẫn cát, cuội sỏi, sạn dày 1,5-3 m, phần trên bị phong hoá mạnh nên có màu loang lổ, thuộc trầm tích sông có tuổi Pleistocen muộn. Bề mặt thềm không được bằng phẳng, hơi nghiêng xuống phía thung lũng với góc 2-30 và là phần chuyển tiếp từ phần chân sườn thoải xuống thềm bậc I. Ranh giới chuyển tiếp giữa thềm II xuống thềm I thường là các vách khá rõ ràng. Trên bề mặt thềm II quá trình xâm thực chia cắt khá mạnh diễn ra vào mùa mưa. Đôi nơi trên bề mặt đồi thấp trong vùng còn sót cuội Thạch anh có độ chọn lọc và mài tròn tốt.  Nhân dân địa phương khai thác triệt để trồng các loại cây lương thực trên bề mặt thềm bậc II.

Thềm sông-lũ bậc III: Thềm bậc III là thềm cổ nhất trong khu vực nghiên cứu. Độ cao tương đối là 20-40 m. Sự thành tạo bề mặt tích tụ này liên quan với quá trình xâm thực bóc mòn mạnh vào Pleistocen giữa-muộn. Hiện tại bề mặt tích tụ này chịu tác động của quá trình  xâm thực rửa trôi bóc mòn mạnh. Chính quá trình  chia cắt về sau này đã tạo cho bề mặt thềm III có dạng đồi đỉnh bằng.

Bề mặt tích tụ sườn tích-lũ tích: Bề mặt này chiếm diện tích nhỏ, độ cao tương đối của bề mặt này thay đổi từ 5-30 m. Bề mặt này chính là các vạt gấu dưới chân núi. Thành phần trầm tích gồm tảng, dăm, cuội, sạn, cát hỗn tạp. Cuội tảng có độ mài tròn và chọn lọc kém. Hiện tại bề mặt đang được nhân dân sử dụng trồng cây công nghiệp như sắn, lạc v.v.

Bề mặt tích tụ sông-lũ tích: Bề mặt tích tụ sông-lũ tích nằm ven theo các suối chính trong khu vực nghiên cứu. Bề mặt này có chiều ngang hẹp từ 20-500 m, chiều dài từ 0,5-3 km. Độ cao tương đối của bề mặt này từ 2-10 m. Thành phần vật chất tạo nên bề mặt này là cuội, tảng, dăm, sạn, cát bột hỗn độn. Cuội có độ mài tròn và chọn lọc kém. Hình thái bề mặt khá bằng phẳng hơi nghiêng thoải lại phân bố gần dòng chảy hoặc giữa các trũng giữa núi do đó nhân dân đã cải tạo trồng lúa nước, canh tác kiểu bậc thang.

2.2. Nhóm bề mặt nguồn gốc bóc mòn xâm thực

Các bề mặt thuộc nhóm này chiếm diện tích chủ yếu của vùng nghiên cứu bao gồm các bề mặt san bằng và các bề mặt sườn.

Các bề mặt san bằng: Tổng hợp phân tích cụ thể trên toàn vùng có một bề mặt Pediment và 6 bề mặt san bằng. Đặc điểm chung của các bề mặt san bằng trong vùng nghiên cứu là mức độ bảo tồn kém, chỉ còn lại những mảnh địa hình tương đối bằng phẳng, lượn sóng với diện tích hẹp trên các đỉnh núi và vai núi với độ cao khác nhau và thấp dần từ phía tây sang phía đông. Sau đây là phần mô tả chi tiết từng bề mặt:

Bề mặt bóc mòn pediment cao 150-200 m: Bề mặt này phân bố ở phần chân núi ven theo các thung lũng sông Cả, suối Huổi co, suối Bình Thoong, suối Nậm Ngân với những diện tích rất hẹp tồn tại dưới dạng các đồi (hoặc dải núi thấp), đỉnh bằng, sườn lồi hoặc thẳng. Các bề mặt này có xu hướng nghiêng về phía thung lũng với góc nghiêng 1-30. Độ cao tuyệt đối của bề mặt này150-200 m. Quá trình thành tạo bề mặt này chủ yếu do hoạt động của các quá trình ngoại sinh như phong hóa, xâm thực và bóc mòn làm cho bề mặt địa hình ngày càng mềm mại hơn.

Bề mặt san bằng cao 300-500 m: Bề mặt này hiện nay chỉ còn gặp các mảnh sót nhỏ hẹp, rộng từ 100-500m có dạng kéo dài và hình thù đa dạng. Bề mặt này hình thành trên khá nhiều loại đá: cát kết, bột kết, phiến sét , đá vôi, đá phiến sét Serixit và trên đá xâm nhập Granit, Granodiorit .

Về hình thái bề mặt này tồn tại trên các đỉnh riêng biệt, bề mặt đỉnh tương đối bằng phẳng, trên đó thường tồn tại lớp vỏ phong hóa là bột sét, dăm sạn với chiều dày 0,5-1 m. Sự chuyển tiếp lên các bề mặt san bằng cao hơn bằng các sừon có độ dốc 20-300.

Bề mặt san bằng cao 600-800 m: Trong diện tích nghiên cứu di tích của các bề mặt này còn lại với các diện tích rất nhỏ tồn tại trên các đỉnh phân thuỷ thành các vòm núi nằm rải rác hầu hết khu vực, song mật độ của các bề mặt này cũng tăng dần từ Tây sang Đông. Bề mặt này có phương kéo dài theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, chiều rộng 200-300 m, chiều dài 500-1000 m. Bề mặt địa hình khá bằng phẳng đựơc phủ bởi trầm tích bở rời mỏng khoảng 0,5m. Bề mặt này chuyển tiếp lên bề mặt 1000-1400 m bằng các sườn có độ dốc 30-400.

Bề mặt san bằng cao 1000-1400 m: Bề mặt san bằng này chỉ bắt gặp ở phần đỉnh phân thủy của các núi như đỉnh Phu Xam Hoi 1366 m, Cao Vều 1342 m, Pù Loòng 1246 m, Phu Mon cao 1180 m, Phu Quoac cao 1140 m, Phu Pom cao1000 m, Phu Nam Pung cao1200 m, núi Hồi Cóc cao 1011 m, núi Sơn Lếch cao 1000 m, Phu Hương cao 1100 m. Các bề mặt này kéo dài dạng tuyến, chiều ngang hẹp 50-300 m, chiều dài 100-1000 m, cá biệt như  ở núi Phu Quoac chúng kéo dài liên tục tới 2000 m. Về hình thái bề mặt san bằng cao 1000-1400 m tương đối bằng phẳng, hơi nghiêng thoải, trên mặt thường phủ lớp vỏ phong hóa mỏng gồm bột sét lẫn dăm sạn.

Bề mặt san bằng cao 1500-1800 m: Bề mặt san bằng này phân bố ở các khối và dãy núi cao phía Tây khu vực nghiên cứu như Pù Mát 1875 m, Pù Huổi Ngoạ 1762 m,  Pù Thâm Khúp 1543 m, Pù Pan 1700 m, Pù Mo 1700 m, Pù Pung Mon 1575 m. Trên đỉnh Pù Thâm Khúp chúng kéo dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam khoảng 1km, trên các đỉnh núi còn lại chúng có dạng kéo dài Đông Bắc –Tây Nam với chiều rộng thay đổi từ 200-500 m. Bề mặt san bằng này có địa hình khá bằng phẳng, được phủ lớp vật chất bở rời do quá trình phong hoá tại chỗ. Sự chuyển tiếp lên bề mặt san bằng cao hơn bằng các sườn dốc 35-450.

Bề mặt san bằng cao 2000-2700 m: Đây là bề mặt san bằng cao nhất và chiếm diện tích ít nhất trong khu vực nghiên cứu. Bề mặt này chỉ sót lại trên đường phân thủy của dải núi nằm sát biên giới Việt Lào như đỉnh Pù Xai Lai Leng 2711 m, Pù Hoạt 2452 m,  Pù Xong 2354 m, đỉnh Pù Mo 2194 m với diện tích bé, chiều dài 300 m, rộng 300-800 m và kéo dài theo phương á kinh tuyến. Bề mặt địa hình khá bằng phẳng do quá trình phong hóa và bóc mòn mạnh mẽ nên bề mặt lộ hoàn toàn đá gốc.

Các bề mặt sườn và vách:

Sườn kiến tạo do đứt gãy: Sườn này phát triển dọc theo các đứt gãy sông Cả, đứt gãy Xiểng Líp và một số đứt gãy khác có dạng kéo dài chủ yếu theo phương Tây Bắc-Đông Nam, riêng ở khu vực Bản Pụng chúng kéo dài theo phương đông bắc-tây nam với chiều rộng bé và kéo dài khoảng 1-2 km. Với đặc điểm hình thành do đứt gãy nên bề mặt sườn này không được bằng phẳng và có độ dốc trên 400, nhiều nơi tạo thành vách. Phần trên sườn thường dốc, dưới chân là các khối đổ lở và trượt hoặc tạo nên các vạt gấu sườn biểu thị quá trình bóc mòn xảy ra mạnh mẽ. Mức độ phân cắt sâu khá lớn trung bình 220-600 m/km2. Mạng lưới xâm thực ít phát triển. Hiện nay quá trình địa mạo như phong hóa, xâm thực và bóc mòn vẫn xảy ra trên bề mặt này làm cho địa hình ngày càng phức tạp hơn.

Sườn bóc mòn tổng hợp: Sườn bóc mòn tổng hợp chiếm diện tích lớn, phân bố kéo dài liên tục từ Bản Pụng tới xã Lưu Kiền và một ít diện tích ở khu vực bản Xiểng Nưa, bản Hào và bản Na Phúc. Sườn bóc mòn tổng hợp phát triển  rộng rãi trên các loại đá granodiorit, granit biotit  granit porphyr, granit granophyr. Về hình thái bề mặt sườn không được bằng phẳng, bị phân cắt bởi các rãnh xói, mương xói hiện đại, đôi nơi xuất hiện các vách đổ lở.Quá trình thành tạo sườn là sự tham gia đồng thời của các quá trình xâm thực, bóc mòn, rửa trôi và trọng lực trên cùng bề mặt sườn. Trên bề mặt sườn bóc mòn tổng hợp thung lũng xâm thực bóc mòn dạng chữ “V” phát triển mạnh mẽ hơn chữ “U”, các sản phẩm phong hóa được đưa xuống chân sườn tạo nên vạt gấu sườn tích. Mật độ phân cắt sâu, phân cắt ngang không đều biểu hiện mức độ hoạt động tân kiến tạo ở từng vùng có khác nhau. Phân cắt sâu từ 180-700 m/km2, phân cắt ngang 0,2-1,4 m/km2.

Sườn xâm thực: Bề mặt sườn xâm thực có dạng kéo dài  theo phương chủ yếu là Tây bắc – Đông nam với chiều dài 25-30 km, chiều rộng 6-8 km. Sườn xâm thực có đường chia nước răng cưa hẹp, bề mặt sườn không được bằng phẳng bởi sự phân cắt mạnh mẽ của các rãnh xói, mương xói hiện đại với mật dộ khá dày. Sườn có trắc diện lõm, độ dốc phổ biến là 30-350, càng lên cao độ dốc càng tăng. Các suối  ở đây phần lớn có dạng chữ “V” do quá trình xâm thực sâu phát triển mạnh đồng thời các sản phẩm phong hóa được đưa xuống chân sườn, phát triển  rộng rãi trong vùng. Mức độ phân cắt ngang 0,2 – 0,7 km/km2, phân cắt sâu 120-500 m/km2 trên bề mặt này không đồng đều.

Sườn xâm thực bị phá huỷ do bóc mòn: Kiểu sườn này chiếm diện tích lớn nhất (khoảng 3/4 diện tích) và bắt gặp ở hầu hết các khu vực trong diện tích nghiên cứu. Bề mặt này bao gồm các khối núi và các dãy núi có độ cao trung bình 800-1000 m, kéo dài hàng chục km chủ yếu theo phương á vĩ tuyến và Đông bắc-Tây nam. Chúng có đường chia nước thoải hẹp, uốn lượn khá phức tạp. Bề mặt sườn không được bằng phẳng lắm nhiều nơi bị các rãnh và mương xói chia cắt. Độ dốc của sườn trung bình 30-350. Lên cao độ dốc tăng tới 45-50˚. Sườn có trắc diện lồi. Bề mặt sườn phần lớn phát triển trên đá lục nguyên là loại đá dễ phong hóa. Các quá trình bóc mòn, xâm thực diễn ra mạnh mẽ và liên tục làm thấp dần địa hình bề mặt này. Các sản phẩm phong hóa được đưa xuống chân sườn tạo nên lớp sườn tích dày 1-3 m.

Mạng lưới sông suối phát triển trên bề mặt này có dạng cành cây. Thung lũng xâm thực dạng chữ “U” phát triển mạnh mẽ hơn so với thung lũng xâm thực dạng chữ “V”. Mức độ phân cắt xâm thực trên bề mặt này khá mạnh mẽ nhưng không đồng đều ở các vùng, phân cắt ngang 0,2-1,8 km/km2, phân cắt sâu 120-800 m/km2. Bề mặt này được sử dụng cho nông nghiệp, lâm nghiệp trong quá trình canh tác cần có biện pháp chống xói mòn.

Sườn đổ lở : Sườn được phân bố  ở nơi có địa hình núi cao dọc biên giới Việt Lào, kéo dài qua các núi Pù Samtie, Pù Tong Chinh, Pù Xoong, Pù Xai Lai Leng, Pù Nam Pung khoảng 35-40km theo hướng Tây bắc – Đông nam và một dải từ núi Sơn Lếch đến núi Mai. Đặc điểm của sườn ở đây là có độ dốc khá lớn, dốc > 400 có khi lên tới 50-700 và hiện còn quan sát thấy khá nhiều vách dốc đứng. Do ảnh hưởng của trọng lực dưới chân các dãy núi này quan sát thấy những vạt gấu đá, những tảng lăn nằm ngổn ngang và chồng chất lên nhau. Kích thước của các tảng lăn có khi lên tới 5-7 m về chiều dài và 4-5 m về chiều rộng. Các tảng lăn trên cao cũng nhanh chóng được đưa xuống lấp đầy các thung lũng xâm thực bên dưới. Mức độ phân cắt sâu 320-760 m/km2, phân cắt ngang 0-1 km/km2 .

Sườn rửa trôi bề mặt: Sườn rửa trôi bề mặt chiếm diện tích nhỏ phát triển ở vùng đồi thấp, thoải. Trên diện tích nghiên cứu chúng tạo thành một dải kéo dài theo hướng Tây bắc-Đông nam và tập trung ở phần gần đáy các thung lũng Sông Cả, Khe Quyền, Huổi Co. Trên các diện tích này, mạng sông suối khe rãnh kém phát triển, lớp phủ thực vật rất kém hoặc trơ trụi. Đặc điểm địa hình là núi thấp, đồi dạng bát úp không thể hiện rõ đường chia nước, đỉnh khá bằng, bề mặt sườn phẳng và thoải với độ dốc 8-200. Sườn hình thành do nước chảy tràn trên bề mặt, rửa trôi các sản phẩm phong hóa lôi kéo đọng ở chân sườn. Mạng lưới sông suối trên bề mặt này phát triển thưa. Mức độ phân cắt ngang 0,2-1,5 km/km2, phân cắt sâu 100-320 m/km2. Các thung lũng xâm thực ít phát triển. Bề mặt sườn rửa trôi bề mặt đang được sử dụng trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp theo kiểu canh tác bậc thang.

Sườn và vách karst bóc mòn: Loại sườn này phát triển trên đá vôi, sét vôi xen cát kết, bột kết, do quá trình rửa lũa hòa tan không triệt để, địa hình sườn có dạng lởm chởm, gồ ghề, độ dốc sườn thường 40-450. Đỉnh thường có dạng mũi giáo, chân sườn tích tụ các tảng đá vôi hỗn độn trong lớp tích tụ bột sét là sản phẩm còn lại khi rửa lũa đá vôi không thuần khiết, một vài nơi ở phần gần đỉnh quan sát thấy các vách dựng đứng. Mật độ phân cắt sâu lớn: 100-840 m/km2, phân cắt ngang trung bình 0,8-1,5 kmkm2.

Sườn và vách karst xâm thực: Sườn được phát triển trên đá vôi, đây là loại đá vôi khá tinh khiết do vậy quá trình rửa lũa hòa tan dưới tác dụng của dòng nước xảy ra mãnh liệt theo các khe nứt thẳng đứng hoặc xiên đã tạo nên các vách đá vôi dốc dựng đứng và các sườn dốc > 400 có nơi dốc 60-700, với đặc trưng dạng địa hình là đá tai mèo, đường đỉnh dạng răng cưa, các đỉnh thường có dạng chóp. Các trũng karst xuất hiện ở đây có dạng đẳng thước, đáy phẳng không gặp tích tụ dạng deluvi, dưới chân sườn gặp nhiều tầng sụp đổ. Kết hợp với sự họat động của dòng ngầm dã tạo nên các hang ngầm, phễu karst. Mật độ phân cắt sâu 200-630 m/km2, phân cắt ngang trung bình 0,8-1,5 m/km2. Trên bề mặt sườn và vách thảm thực vật phát triển phong phú.

3. Các dạng địa hình ngoài tỷ lệ

3.1 Các dạng do kiến tạo và kiến trúc bóc mòn: Hoạt động kiến tạo, đặc biệt là tân kiến tạo có tác dụng quyết định việc hình thành địa hình hiện tại. Các dấu ấn của hoạt động này đến nay còn quan sát được như các vách kiến tạo phát triển dọc theo các đứt gãy lớn gặp ở khu vực xã Tam Thái, dọc suối Bành Thoong( Xiểng Líp), Nậm Ngân( xã Nga My), Nậm Có( xã Bình Chuẩn), Nậm Típ( xã Mường Típ).  Các vùng nâng địa phương biểu hiện ở chỗ các lưới các dạng sông suối có dạng tỏa tia như ở Pù Non, Pù To, Pù Huống. Các vùng hạ địa phương biểu hiện  ở chỗ các dòng chảy qui tâm hoặc các dòng chảy bị uốn khúc mạnh. Biểu hiện của dạng kiến trúc bóc mòn là các sống núi lộ đá cũng gặp ở trên các đỉnh núi granit và dá vôi hình thành do lớp phủ trên những kiến trúc này bị bóc đi làm lộ trơ kiến trúc đá  ở bên dưới.

 3.2.Các dạng dòng chảy: Tác động của các dòng chảy thường xuyên và dòng chảy tạm thời đã tạo nên các dạng địa hình khác nhau. Hoạt động của dòng chảy mang vật liệu do quá trình bóc mòn xuống đọng lại ở chân núi, tạo ra các nón phóng vật. Ở những vùng địa hình thấp, thung lũng sông suối có đáy rộng hơn, mặt cắt ngang có dang chữ “U” hoặc chữ “V” mở rộng. Hoạt động xâm thực ngang bắt đầu chiếm ưu thế và cắt vào các bờ đá gốc tạo thành vách cao 1-5m. Ở những nơi dòng chảy chảy qua các bậc thềm thường quan sát được các vách dựng đứng làm lộ  tầng vật chất bở rời của thềm tích tụ.

3.3.Các dạng trọng lực: Các dạng trọng lực hình thành do các khối vật chất đã bị mất lực dính kết với khối đá gốc. Tiêu biểu là các vách đổ lở quan sát được trên sườn của đỉnh Pù Sum Tie, nơi có địa hình núi cao và dốc thuộc sườn trọng lực. Dưới chân của vách đổ lở này là địa hình tích tụ đá lở gồm các tảng đá hình thành do sự đổ lở được tích tụ lại.

3.4.Các dạng karst và xói ngầm: Các dạng karst và xói ngầm hình thành do quá trình rửa lũa hòa tan của nước trên mặt và nước ngầm đối với đá vôi, một loại đá có nhiều vết nứt, lỗ hổng. Khi nước mưa và nước ngầm tác động, sườn thường tạo thành dạng hàm ếch do bị ăn mòn, sau đó chúng sụp đổ xuống dưới tác dụng của trọng lực tạo thành các vách dốc dựng đứng, mặt vách khá bằng phẳng. Địa hình Carư phát triển ở hầu hết các dải đá vôi trong khu vực. Chúng gồm những luống đá sắc nhọn hoặc dạng mũi giáo xen lẫn những rãnh sâu có kích thước từ vài cm đến vài m. Được hình thành do quá trình hòa tan, ăn mòn và xói mòn đá cacbonat, phần lớn theo các khe nứt có sẵn trong đá.

Khu vực nghiên cứu có mạng lưới đứt gãy khá phát triển do đó đá vôi bị chà sát mạnh tạo điều kiện cho hoạt động rửa lũa đá vôi của nước trên mặt và nước theo dòng diễn ra mạnh mẽ theo các khe nứt. Kết quả của quá trình đó đã tạo nên các hạng động mà quan sát thấy như ở bản Lưu Tiếp và hang ở bắc Bình chuẩn. Quá trình bóc mòn làm lộ đá vôi dưới dạng các núi sót hình nón, hình thang. Dạng địa hình này quan sát thấy như ở xã Mường Típ và ở núi Hồi Cóc.

3.5.Các dạng nhân sinh: Các dạng địa hình nhân sinh tạo nên do hoạt động của con người vào các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Biểu hiện rõ nét dạng địa hình này là các hồ nhân tạo, đập chắn nước, ruộng bậc thang. Dạng địa hình này gặp nhiều nhất ở những khu vực tập trung dân cư trong vùng.

4. Tuổi và lịch sử phát triển địa hình

4.1. Tuổi địa hình: Vùng nghiên cứu được chia ra  6 bề mặt địa hình nguồn gốc tích tụ, 6 bề mặt san bằng và 7 bề mặt sườn. Việc xác định tuổi địa hình là nhiệm vụ quan trọng trong nghiên cứu địa mạo để lập lại lịch sử phát triển địa hình khu vực. Tuổi của bề mặt tích tụ được xác định dựa vào tuổi của trầm tích tạo nên chúng, nên tuổi của địa hình là tuổi của trầm tích. Đối với địa hình bóc mòn xâm thực là các bề mặt san bằng, việc xác định tuổi có khó khăn phải dựa vào trầm tích so sánh nhưng chỉ mang tính chất tương đối.

 

Việc xác định tuổi các bề mặt san bằng được dựa vào kết quả nghiên cứu các trầm tích Neogen. Trầm tích Neogen vùng Cửa Rào, Khe Bố có mặt cắt đặc trưng quan sát được ở mỏ than Khe Bố và được bổ xung ở Cửa rào, Khe Chỉ gồm 5 tập có chứa phức hệ thực vật định tuổi. Ba tập dưới có tuổi Mioxen muộn và 2 tập trên có tuổi Pliocen sớm. Trầm tích Miocen ở đây liên quan với nguồn cung cấp vật liệu vì thành phần thạch học giống như trầm tích hiện có trên các bề mặt san bằng 600-800 m và 1000-1400 m trong vùng. Các tầng cuội, sạn, sỏi, cát có độ mài tròn kém, đôi nơi lẫn dăm sạn. Chứng tỏ vật liệu được đưa từ các bề mặt san bằng kế cận xuống tích tụ ở trũng địa hào Khe Bố.

 

Từ các kết quả trên cho thấy bề mặt san bằng 600-800 m và 1000-1400 m ứng với tuổi trầm tích Khe Bố do đó bề mặt san bằng 600-800 m tuổi Pliocen sớm( N21 ) và bề mặt san bằng 1000-1400 m tuổi Miocen muộn( N23 ). Tuổi bề mặt san bằng 300-500 m được chứng minh là các phun trào bazan tuổi Neogen-Đệ tứ phủ tràn trên bề mặt san bằng này chúng nằm tiếp giáp phía Bắc của vùng nghiên cứu, nên tuổi bề mặt san bằng này là Pliocen muộn(N22). Các bề mặt Pediment cao 100-200 m. Bề mặt này tại phía nam vùng nghiên cứu thuộc nhóm tờ Hoành Sơn đã phát hiện nhiều nơi có tectit nguyên dạng găm trên bề mặt phong hóa của chúng, nên tuổi của bề mặt pediment là Pleistoxen sớm(Q1).

 

Theo quy luật tự nhiên bề mặt càng cao thì tuổi càng cổ nên bề mặt san bằng 1500-1800 m tuổi Miocen giữa (N12) và bề mặt san bằng 2000-2700 m có tuổi Miocen sớm (N11). Tuổi của các bề mặt tích tụ trong thực tế là tuổi của đất đá tạo nên tích tụ đó. Bề mặt thềm sông lũ bậc III cao 20-40 m, bề mặt này nghiêng thoải từ Tây bắc xuống Đông nam và được cấu tạo bởi trầm tích sông lũ tuổi Pleistoxen giữa-muộn phần sớm nên tuổi của thềm III là Pleistoxen giữa-muộn phần sớm (QII-III1). Thềm sông bậc II cao 4-6m được cấu tạo từ trầm tích sông tuổi Pleistoxen muộn phần muộn do vậy bề mặt có tuổi Pleistoxen muộn (QIII2). Thềm sông bậc I được cấu tạo từ trầm tích sông tuổi Holoxen sớm-giữa do vậy tuổi bề mặt tích tụ thềm bậc I được xác định là Holoxen sớm-giữa (QIV1-2). Bề mặt bãi bồi được cấu tạo từ trầm tích sông tuổi Holoxen muộn, là trầm tích hiện đại nhất do đó tuổi của bề mặt là Holoxen muộn(QIV3). Các bề mặt tích tụ hỗn hợp sông-lũ, sườn-lũ tích có tuổi Đệ Tứ không phân chia (Q).

4.2. Lịch sử phát triển địa hình

Lịch sử phát triển địa hình bề mặt trái đất nói chung và khu vực nghiên cứu nói riêng liên quan chặt chẽ với các chuyển động tân kiến tạo. Vận động tân kién tạo là những vận động của vỏ trái đất xảy ra vào các thời kỳ Neogen-Đệ Tứ và có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành những nét căn bản của địa hình hiện đại.  Bởi vậy lịch sử phát triển địa hình không thể tách rời được với chuyển động tân kiến tạo. Có thể chia ra một số giai đọan sau:

Vào đầu Miocen sớm (cách ngày nay 23-25 triệu năm) vùng nghiên cứu vẫn tiếp tục thời kỳ bình ổn kiến tạo từ cuối Paleogen để hình thành nên bề mặt san bằng cổ nhất với độ cao 2000-2400 m. Bề mặt này hiện tại còn giữ lại được ở những đường phân thủy của các dãy núi cao nhất vùng nằm  ở phía nam thượng nguồn sông Cả.

 

Sau thời gian yên tĩnh đó vùng tây Nghệ An bắt đầu hoạt động trở lại. Các chuyển động khối tảng đã dẫn đến việc hình thành rõ nét các đới địa hình núi cao và trung bình, đới núi thấp, đồi và đồng bằng. Thời kỳ này tại vùng trũng địa hào sông Cả đã xuất hiện quá trình tích tụ gần bờ sụt lún tạo ra các tầng tích tụ hạt thô. Kết quả là bề mặt san bằng 2000-2700 m bị phá hủy. Khả năng xâm thực bóc mòn lúc này xảy ra mạnh mẽ. Các dòng chảy chia cắt dữ dội đưa vật liệu thô xuống trũng địa hào. Sự nâng lên với vận tốc đột biến bởi vì vật liệu được nhanh chóng đưa xuống vùng trũng bên cạnh còn nguyên vẹn những dăm kết dạng khối sắc cạnh, những cuội sạn có độ mài tròn kém. Trong suốt thời kỳ từ Miocen giữa đến Pliocen muộn cứ ứng với một thời kỳ nâng lên là một thời kỳ yếu đi của chuyển động tân kiến tạo để hình thành nên các bề mặt san bằng mức 1500-1800 m, 1000-1400 m, 600-800 m, 300-500 m có tuổi tương ứng là Miocen giữa(N12), Miocen muộn(N13), Pliocen sớm(N21), Pliocen muộn(N22).

Vào cuối Pliocen muộn-đầu Pleistocen sớm (cách ngày nay 2,5 – 3  triệu năm), bề mặt san bằng 300-500 m bị san bằng mạnh mẽ. Trong khi ở miền núi bề mặt đó bị nâng cao đến mức 300 –

500 m thì ở vùng đồng bằng kế cận, bề mặt này bị nhấn chìm xuống làm thành mặt đáy đồng bằng mà về sau bị các trầm tích cuội sỏi phủ lên.

Đầu Pleistocen sớm (cách ngày nay 1,8 triệu năm), địa hình vùng núi chịu hoạt động nâng cao, quá trình bóc mòn xâm thực là chủ yếu. Các núi tiếp tục phát triển và không ngừng lớn lên lấn át cả những vùng trũng và thung lũng lớn. Dọc vùng trũng địa hào sông Lam cũng bị nâng lên tương đối và xảy ra hiện tượng bóc mòn. Các trầm tích Neogen ở đây bị biến dạng mạnh và bị bóc mòn mạnh, hiện chỉ còn giữ lại được những mảnh sót kéo dài dọc thung lũng sông Lam . Cuối pha là thời kỳ yên tĩnh, địa hình phát triển theo kiểu Pediment hóa tạo ra các bề mặt bóc mòn cao 100-200 m ở dọc thung lũng sông Lam và ở các khu vực khác với tuổi Pleistocen sớm(QI)

Cuối Pleistocen giữa-đầu Pleistocen muộn (cách ngày nay 125 000 năm) tiếp tục xảy ra quá trình nâng lên ở vùng núi và thu hẹp các miền trũng. Các khu vực như Pù Miêng-Pù Xai và Pù Thăm Pha, Pù Pan… nâng lên mãnh liệt. Rải rác khắp khu vực phát triển các khe hẻm có vách dốc dựng đứng, độ phân cắt sâu lớn. Các khối như Pù Hot, Pù Huống nâng dạng vòm đã tạo ra những mạng lưới sông suối dạng tỏa tia, hiện còn thấy rõ nét trên địa hình. Kết thúc thời kỳ này cơ sở xâm thực đã lùi ra xa ở khu vực Xiểng Líp hình thành bậc thềm III.

Cuối Pleistocen muộn (cách ngày nay 15 000 năm), hoạt động nâng lại xảy ra tạo nên thềm bậc II. Ở sườn núi lại tiếp tục quá trình phong hóa, xâm thực bào mòn.

Vào Holocen sớm-giữa (cách ngày nay 4000-6000 năm) xảy ra hoạt động nâng yếu hình thành thềm sông bậc I.

Đầu Holocen muộn (3000 năm) quá trình tích tụ hình thành bãi bồi hiện đại với những diện tích nhỏ hẹp nằm ven dòng sông suối.

Đặc điểm khí hậu

Khu DTSQ đề xuất nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông bắc và Tây Nam. Do địa hình của dãy Trường Sơn ảnh hưởng mạnh đến hoàn lưu khí quyển đã tạo nên sự khác biệt lớn trong phân hoá khí hậu khu vực. Các số liệu về khí hậu quan trắc nhiều năm của các trạm khí tượng Tương Dương, Con Cuông, Đô Lương và Vinh được tóm tắt trong bảng dưới đây

Bảng 12:  Các nét đặc trưng khí hậu khu vực được đo đạc tại 4 trạm khí tượng của tỉnh Nghệ An

Các nhân tố khí hậu

Trạm khí tượng

Tương

Dương

Con Cuông

Đô

Lương

Vinh

 

Toạ độ trạm: Vĩ độ

 

                    Kinh độ

 

19o17’

 

104o26’

 

19o03’

 

105o53’

 

18o54’

 

105o18’

 

18o40’

 

105o40’

Thời gian quan trắc (năm)

40

40

40

86

Nhiệt độ trung bình năm (oC)

23o6

23o5

23o7

23o9

Nhiệt độ không khí cao nhất tuyệt đối

42,7oC/5

42oC/4

41,1oC/5

42,1oC/6

Nhiệt độ không khí thấp nhất tuyệt đối

1,7oC/1

2,0o/1

5oC/1

4oC/1

Tổng lượng mưa năm (mm)

1268,3

1791,1

1706,6

1944,3

Số ngày mưa/năm (ngày)

133

153

138

138

Lượng mưa ngày lớn nhất (mm)

192/8

449,5/9

788/9

484/9

Lượng bốc hơi năm (mm)

867,1

812,9

789,0

954,4

Số ngày có sương mù (ngày)

20

16

26

27

Độ ẩm không khí bình quân năm (%)

81

86

86

85

Độ ẩm không khí tối thấp bình quân (%)

59

64

66

68

Độ ẩm không khí tối thấp TĐ (%)

9/I

14/III

21/XI

15/X

Độ cao (m)

97

27

6

6

Một số hiện tượng thời tiết đặc trưng:

Gió Tây khô nóng: đây là vùng chịu ảnh hưởng có gió Tây khô nóng. Hoạt động của gió Tây thường gây nên hạn hán trong thời kỳ đầu và giữa mùa hè (tháng 5-7). Trong những ngày này nhiệt tối cao có thể vượt quá 40oC và độ ẩm tối thấp xuống dưới 30%.

Mưa bão: Vùng này ít chịu ảnh hưởng của mưa bão, hai tháng nhiều bão nhất là tháng 9 và tháng 10. Bão tuy đã yếu nhưng thường kèm theo mưa lớn và lụt lội. Trạm Tương Dương đặc trưng cho chế độ khí hậu phía Bắc VQG (Khe Thơi), nơi đây lượng mưa khá thấp (1268 mm/năm), số ngày mưa chỉ có 133 ngày. Nhưng lên các đai cao hơn lùi về Con Cuông thì chế độ mưa ẩm tăng dần (số ngày mưa lên tới 153 ngày và lượng mưa là 1791 mm/năm). Nhìn chung đây là một trong những vùng có chế độ khí hậu ít thuận lợi của tỉnh Nghệ An.

Khu BTTN Pù Huống thuộc khí hậu miền Trường sơn Bắc, miền này có khác với Đông Bắc và Tây Bắc nhưng riêng Pù Huống lại có những đặc thù riêng. Khí hậu không những phân hóa theo độ cao từ 200 m đến 1600 m mà còn phân hóa do ảnh hưởng yếu dần của mùa Đông Bắc tới sườn Bắc Pù Huống và sườn Nam lại chịu ảnh hưởng của vùng khô hạn điển hình Mường Xén-Kỳ Sơn. Sự mạnh lên của gió mùa Tây Nam và suy yếu của gió mùa Đông Bắc khi tới Pù Huống tạo nên những nét riêng của Pù Huống. Chế độ nhiệt, mưa ẩm, số ngày mưa và ẩm độ cũng sai khác qua các trạm bao quanh Pù Huống như: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu…

Qua bảng thống kê theo dõi khí tượng cho thấy sự chênh lệch và khác biệt giữa hai triền của Pù Huống: triền Bắc với các trạm Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tây Hiếu do có ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, và tiểu khí hậu miền đã có số ngày mưa, lượng mưa, độ ẩm, số ngày mưa phùn, cao hơn triền Nam là Tương Dương. Trạm Tương Dương cho thấy các chỉ số về mưa ẩm đã thấp, các chỉ số về nóng, bốc hơi, khô hạn lại cao hơn triền phía Bắc như: lượng bốc hơi năm, nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ không khí tối cao thấp. Sự khác biệt này tạo nên sự đa dạng kỳ thú ở hai triền núi cao trên 1000 m thường xuyên có mây mù và ẩm độ cao hơn tại vùng ranh giới chân núi. Điều đó in rõ nét lên sự phân bố và thành phần các loài thực vật.

Khu BTTN Pù Hoạt vào mùa hạ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam từ vịnh Bengal tới Hửa Phăn và tác động mạnh đến sườn Tây Pù Hoạt phía Lào, khi vượt qua sườn bị hiện tượng “phơn” không khí bị nóng lên, hoạt động của gió này thể hiện rõ vào các tháng V, VI. Gió mùa Đông Bắc và mùa Đông có yếu đi khi tới Pù Hoạt và càng yếu hẳn khi vượt qua Pù Hoạt sang địa phận huyện Hửa Phăn của Lào.

Chế độ mưa, nhiệt ẩm trên tương đối đồng nhất với vùng thấp của huyện Quế Phong, tới độ cao 300-400 m, nhưng càng về phía Tây, tức là độ cao càng tăng lên thì lượng mưa có tăng lên và nhiệt độ có giảm đi. Theo đường đẳng mưa, lên đến ranh giới khu bảo tồn lượng mưa hàng năm tăng lên tới 1900 mm, lên tới vùng núi cao của các dãy núi Pù Cao Mạ, Pù Pha Nhà, Pù Hoạt (trên 1700 m) lượng mưa tăng lên tới trên 2200 mm và đây là một trong các điểm có lượng mưa cao nhất ở tỉnh Nghệ An. Về nhiệt độ, vào đến trung tâm Khu Bảo tồn có hạ xuống, mát mẻ hơn vùng chân núi phía ngoài, theo đường đẳng nhiệt, nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 19-20°C.

Chế độ mưa ẩm nhiệt thay đổi rõ nét ở các giai đoạn khác nhau, điều này thể hiện rõ ở sự phân bố của các loài thực vật và các kiểu thảm thực vật phân thành đai khi ta khảo sát từ chân núi lên đỉnh núi.

Các số liệu về khí tượng được tóm tắt trong các tài liệu lưu trữ của các trạm khí tượng là Quì Châu, Quì Hợp, Tây Hiếu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông.

Bảng 13: Những nét khí hậu đặc trưng của khu DTSQ đề xuất

 

Đặc trưng khí hậu

Quỳ Châu

Quỳ Hợp

Tây

Hiếu

Tương Dương

Con Cuông

Nhiệt độ trung bình năm (0c)

23,1

23,3

23,0

23,6

23,5

Nhiệt độ không khí cao nhất tuyệt đối (0c)

41,3

40,8

41,6

42,7

42,0

Nhiệt độ mặt đất trung bình (0c)

26,4

26,7

26,7

27

26,4

Lượng mưa trung bình năm (mm)

1734,5

1640,9

1591,7

1268,3

1791,0

Lượng mưa trung bình ngày lớn nhất (mm)

290

208

279

192

449

Số ngày mưa trung bình năm (ngày)

150

142

137

133

139

Số ngày mưa phùn trung bình năm (ngày)

19,6

17,9

25

5,6

22

Lượng bốc hơi trung bình năm

703,9

945,4

835,2

867,1

812,9

Độ ẩm trung bình năm (%)

86

84

81

64

81

Độ ẩm tối thấp trung bình năm (%)

65

60

63

59

64

Chế độ thủy văn khu vực Pù Mát được các trạm thủy văn đo đạc và lưu trữ cho thấy trong khu vực có hệ thống sông Cả chảy theo hướng TB – ĐN. Các chi lưu phía hữu ngạn như Khe Thơi, Khe Choang, Khe Khặng lại chảy theo hướng Tây Nam lên Đông Bắc và đổ nước vào sông Cả. Dưới góc độ giao thông thuỷ thì cả ba con sông trên đều có thể dùng bè mảng đi qua một số đoạn nhất định, riêng Khe Choang, Khe Khặng có thể dùng thuyền máy ngược dòng ở phía hạ lưu. Nhìn chung mạng lưới sông suối khá dày đặc. Với lượng mưa trung bình năm từ 1300-1400 mm, nguồn nước mặt trên diện tích của VQG lên tới hơn 3 tỷ m3. Song lượng nước đó phân bố không đều giữa các mùa và các khu vực nên tình trạng lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra.

Thủy văn vùng Pù Hoạt thuộc là vùng đầu nguồn của hai hệ sông: sông Chu ở phía Bắc bắt nguồn từ phía Tây Pù Hoạt (Lào) với tên là Nậm Xam chảy qua huyện Hửa Phăn, vào Việt Nam với tên là sông Chu, hệ sông Hiếu với các suối Nậm Việc, Nậm Giải, Nậm Quang. Các hệ suối chính kể trên đều chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cách nhau từ 10 – 25 km. Dòng chảy mạnh, thường xuyên có nước cả mùa khô, mật độ suối nhánh từ 2 – 4 km/suối. Do địa hình chia cắt sâu, đôi chỗ do đứt gẫy mạnh đã hình thành nên nhiều thác nước trong Khu bảo tồn mà thác lớn nhất có giá trị cảnh quan du lịch là thác Sao Va. Những kết quả khảo sát năm 1997 cho thấy rừng Pù Hoạt có bị tác động ở một số điểm ven suối gần làng bản, nhưng tính nguyên sinh còn giữ được ở phần lớn diện tích với tỷ lệ cao.

Đặc điểm thổ nhưỡng

Vùng nghiên cứu  chủ yếu ở vùng núi đặc điểm của đất bao gồm các nhóm đất sau:

Đất Feralit đỏ vàng vùng đồi (dưới 200 m).

Đất feralit đỏ vàng trên núi thấp  (từ 200-1000 m).

Đất mùn vàng trên núi trung bình (1000-2000 m).

Đất mùn trên núi cao ( > 2000 m)

Dựa theo tính chất, đặc điểm của đất chia ra một số loại đất chính trong vùng nghiên cứu như sau:

  1. Đất đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch sét: Phân bố trên một phạm vi rộng khắp các huyện, tập trung nhiều ở Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Đất đỏ vàng trên phiến sét có hầu hết ở các loại địa hình nhưng tập trung ở vùng núi thấp, độ dốc lớn, tầng đất khá dày; ở các vùng thấp đất đỏ vàng trên phiến sét gặp nhiều trên các đồi đất, tầng đất mỏng hoặc trung bình. Đất đỏ vàng trên phiến sét ở vùng có thảm thực vật cây bụi là loại đất có độ phì khá, độ mùn từ 2 – 4%, đạm từ 0,1 ÷ 0,25%, lân từ 0,006 ÷ 0,07%, kali từ 1 ÷ 2%, độ chua cao, pHKCL < 4, thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét nhẹ, độ dày tầng đất phần nhiều trên 50 cm; ở trên các vùng có thảm thực vật là cỏ và đất hoang hoá (do bị xói mòn mạnh) tầng đất thường mỏng từ 30 ÷ 50 cm
  2. Đất vàng nhạt phát triển trên sa thạch và cuội kết: Phân bố rải rác theo dải hẹp xen giữa các dải đất phiến thạch kéo dài theo hướng Tây bắc – Đông nam của tỉnh qua nhiều huyện miền núi và trung du như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn,… Do thành phần cơ giới tương đối nhẹ hơn so với đất phiến thạch sét nên đất vàng nhạt trên sa thạch thường bị xói mòn mạnh, tầng đất tương đối mỏng và nhiều nơi trơ sỏi đá. Chỉ có một số nơi địa hình núi cao, thảm thực vật che phủ khá mới có độ dày tầng đất từ 50 ÷ 70 cm. Đất vàng nhạt trên sa thạch thường nghèo dinh dưỡng, ở các vùng núi cao lượng mùn từ 1,5 ÷ 2,5%; ở vùng thấp lượng mùn thường không quá 1,5%. Các chỉ tiêu như đạm, lân, kali điều nghèo, độ chua cao pHKCL < 4, độ bazơ thấp, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến cát pha, hạt rời rạc, khả năng giữ nước và kết dính kém, thành phần keo sét thấp, khả năng giữ màu kém
  3. Đất vàng đỏ phát triển trên các đá axit: Phân bố rải rác ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu,… Phần lớn đất vàng đỏ trên đá axit có thành phần cơ giới nhẹ, nghèo dinh dưỡng, bị xói mòn rửa trôi mạnh, độ chua lớn (pHKCL < 4), ít có nghĩa trong sử dụng sản xuất nông nghiệp.
  4. Đất đỏ nâu trên đá vôi: Phân bố rải rác ở các huyện: Tân Kỳ, Nam Đàn, Quỳ Hợp,… Ngược lại với các loại đất khác, đất đỏ nâu trên đá vôi ở các vùng địa hình thấp thường có tầng dày hơn; ở vùng núi cao đất đá vôi bị phong hoá và rửa trôi mạnh nên tầng đất mỏng hơn. Tuy nhiên, phần lớn đất đá vôi có độ dày tầng đất khá thường trên 50 cm, độ phì ở đất đá vôi khá, mùn từ 2 ÷ 4%; đạm trên 0,15%, đất chua pH < 4, độ no bazơ nhỏ dưới 50%
  5. Đất Feralit đỏ vàng trên núi, đất mùn trên núi cao:

Đất Feralit vùng đồi: Tập trung ở Thanh Chương và Anh Sơn, phần lớn là đồi trọc, hoặc có cây bụi do rừng bị tàn phá. Do đất bị rửa trôi, xói mòn nhiều nên ít mùn (<2%), độ chua cao (pH = 4 ÷ 4,5), có hiện tượng đá ong hoá mạnh.

Đất Feralit vùng núi thấp có thảm thực vật che phủ tương đối cao. Do sườn núi dốc mạnh, nước ngầm không đọng lại trong đất, dòng nước ngầm chảy mạnh, nên các dạng kết vón và tầng đá ong không phát triển được. Hàm lượng mùn 2 ÷ 4%; đạm tổng số 0,1 ÷ 0,25%; lân tổng số 0,06 ÷ 0,07%; kali tổng số 1 ÷ 2%; độ chua thuỷ phân 6,61đl ÷ 15đl/100g đất, tổng số cation trao đổi 91đl ÷ 14đl/100g đất, thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét nhẹ, độ dày tầng đất phổ biến trên 50 cm, ở các nơi đồi trọc, đất hoang hoá, tầng đất mỏng hơn (30 cm –50 cm).

Đất Feralit trên núi cao do khí hậu mang tính á nhiệt đới, độ ẩm tăng do mưa nhiều, rừng bị tàn phá, thực vật còn nhiều, trong đó số lượng cây rụng lá tăng lên nên hàm lượng mùn cao (5 – 8%).

Đất Feralit mùn trên núi cao: có ở độ cao từ 1800 m trở lên, khí hậu mang tính á ôn đới rõ rệt, có thời gian nhiệt độ hỗn giao giữa chất hữu cơ được phân dải rất chậm nên lượng mùn cao (8 – 12%). Đất xốp, giữ nước mạnh, kết cấu tốt.

  1. Đất phù sa: Phân bố rải rác ở các sông như: sông Cả, sông Giăng, sông Con. Đất hàng năm bị ngập do lụt, lượng phù sa lớn, độ phì cao. Đây là vùng đất có ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp, chuyên trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Các chỉ tiêu về nông hoá thổ nhưỡng đất núi Nghệ An được thể hiện ở bảng dưới đây:

Bảng 14: Một số chỉ tiêu nông hoá thổ nhưỡng đất vùng núi Nghệ An

Địa phương

Tầng canh tác (cm)

Thành phần cơ giới

Chỉ tiêu dinh dưỡng

Mùn (%)

Đạm tổng số %

Đạm dễ tiêu mg/200g đất

Lân tổng số %

Lân dễ tiêu mg/100g đất

Độ chua thuỷ phân

Tổng cation trao đổi

Anh Sơn

35

Thịt nhẹ

0,62

0,1

Vệt

0,053

Vệt

5

9

Con Cuông

35

NT

0,65

0,12

Vệt

0,08

Vệt

5,5

8,5

Kỳ Sơn

15

Lẫn đá

0,98

0,2

Vệt

0,073

Vệt

8,5

17,5

(Nguồn: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của  tỉnh Nghệ An)

Từ kết quả bảng trên ta có thể thấy rằng: Đất vùng núi Nghệ An nghèo mùn (trên 900 m hàm lượng mùn cao). Đạm tổng số ở mức trung bình. Lân dễ tiêu thường thấp, lân tổng số ở mức trung bình hoặc giàu. Vùng đồi núi trọc và phù sa nghèo lân dễ tiêu. Tổng số cation trao đổi thường thấp. Với đặc điểm trên phải cơ cấu cây trồng và chế độ canh tác hợp lý và tận dụng phân hữu cơ để làm tăng độ phì của đất.

Tai biến địa chất

Về hiện trạng tai biến địa chất, chúng tôi đã kế thừa kết quả nghiên cứu của đề tài độc lập cấp Nhà Nước về nghiên cứu tai biến địa chất khu vực Bắc Trung Bộ do TS. Trần Trọng Huệ làm chủ biên, có kết hợp với quan sát bổ sung về nứt sụt đất. Các loại hình tai biến địa chất chủ yếu ở Tây Nghệ An được nghiên cứu đánh giá qua 6 loại hình tai biến: nứt- sụt đất, trượt lở, lũ quét- lũ bùn đá, xói mòn, bồi- lở bờ sông và động đất.

  1. Nứt- sụt đất

Khu vực Huổi Giảng: nằm ở phía Tây Nam thị trấn Kỳ Sơn, cách thị trấn 5 km, điểm sụt đất diễn ra tương đối rộng với diện tích 1,5 km2, bao gồm 3 khối sụt liên tiếp nhau, chiều dài mỗi khối sụt đạt tới 200 m, có phương Đông- Bắc Tây nam, trên địa hình các dấu vết còn lại là các vách gần dốc đứng và các khối sụt xảy ra trên sườn địa hình có độ dốc 45° và được cấu tạo bởi đá cát, bột kết và đá phiến.

Khu vực bản Sốp Tháp: nằm cách bản Huổi Nhị 3 km về phía Đông Nam, tại đây quan sát thấy 3 khối sụt lên tiếp nhau xảy ra trên các vai của các dãy núi và tạo nên một chuỗi kéo dài theo phương gần á vĩ tuyến, các dấu vết còn lại là những vách dốc đứng, địa hình xảy ra các khối sụt được cấu tạo bởi đá cát kết, quăczit.

Khu vực Khe Bố: điểm nứt, sụt xảy ra tại khu vực bản Sơn Hà, các vết nứt và khối sụt ở đây có dạng vòng cung, trên địa hình đồi có độ dốc 25° – 30° đồng thời còn quan sát thấy một vết nứt kéo dài 150 m, khối trượt đã lấp một đoạn của khe suối nhỏ, thành phần của khối sụt là vỏ phong hoá của đá cát, bột kết.

Khu vực bản Xốp Chao: quá trình nứt, sụt xảy ra trên sườn của địa hình có độ dốc 30°, chúng phân bố ở cả hai bên của thung lũng Nậm Chao, kéo dài theo phương á vĩ tuyến với chiều dài 300 m. Trên vách của khối sụt còn để lại các vách dốc đứng và cắt qua cả tầng đá gốc cát, bột kết. ở sát dưới chân sườn của dãy núi này còn quan sát thấy một vài khối sụt cổ.

Ngoài một số khu vực nứt, sụt đất điển hình đã mô tả ở trên trong khu vực nghiên cứu còn xuất hiện hàng loạt các quá trình sạt lở với quy mô nhỏ hơn từ một vài mét đến hàng chục mét, chúng phân bố rải rác ở nhiều nơi đặc biệt là ở những vùng núi và hai bên bờ các sông lớn như ở các khu vực Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp. v.v..

  1. Tai biến trượt đất

Trượt lở đất là dạng tai biến địa chất phát triển trên diện rộng, gây những thiệt hại lớn đối với nhiều khu vực ở miền núi Nghệ An. Dạng tai biến này có sự gia tăng trong những năm gần đây ở một số nơi. Trượt lở ghi nhận được trên các tuyến giao thông, các tụ điểm dân cư khu vực đồi núi. Quy mô, mức hoạt động của tai biến biểu hiện sự khác nhau theo khu vực, nhưng tập trung nhất là ở các khu vực đồi núi trong đó những nơi đặc biệt bị ảnh hưởng của trượt lở đất là các huyện thuộc Tây Nghệ An.

Nghiên cứu hiện trạng tai biến trượt lở đã chỉ ra sáu nguyên nhân chính gây tai biến: địa hình và độ dốc sườn; đá gốc và vỏ phong hoá; đặc điểm cấu trúc kiến tạo và hoạt động kiến tạo hiện đại; yếu tố thuỷ văn; độ che phủ rừng, yếu tố con người. Trên cơ sở nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đối với trượt lở tiến hành phân vùng nguy cơ trượt lở thành các cấp: vùng nguy cơ trượt lở mạnh; vùng nguy cơ trượt lở trung bình; vùng nguy cơ trượt lở yếu và vùng có nguy cơ lở đá.

  1. Tai biến lũ quét- lũ bùn đá

Trong những năm gần đây, tai biến lũ quét- lũ bùn đá ở BTB nổi lên là loại hình tai biến địa chất nguy hiểm, gây thiệt hại to lớn về nhiều mặt, trong đó cả tính mạng con người. Do là loại tai biến xảy ra bất ngờ, lại tập trung xuất hiện vào thời kỳ mưa lớn ở BTB nên mối nguy hại do tai biến luôn luôn ở mức độ cao. Ở BTB cả ba dạng lũ quét: lũ quét nghẽn dòng, lũ quét sườn, lũ quét hỗn hợp đã xảy ra đều khắp trên phạm vi 6 tỉnh. Trong đó lũ quét nghẽn dòng là dạng phát triển rầm rộ nhất. Thực tế điều tra cho thấy, ở khu vực đồi núi lũ quét- lũ bùn đá thường là dạng tai biến đồng hành với nứt – sụt đất, trượt lở đất, xói mòn đất nên những thiệt hại gia tăng gấp bội và phát triển trên diện rộng ở nhiều tỉnh. Phân vùng dự báo cho lũ quét- lũ bùn đá được đánh giá theo các dạng khác nhau:

–  Lũ quét nghẽn dòng và hỗn hợp được xác định theo các dấu hiệu: Có sông suối cắt qua; thung lũng bao bọc bởi địa hình núi hay nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi; có sự thu hẹp dòng chảy (do địa hình hay công trình); phạm vi phân bố của các trầm tích Đệ tứ; nơi có đứt gãy kiến tạo cắt qua hoặc giao nhau; có lượng mưa và cường độ mưa lớn; độ che phủ của thảm thực vật. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố trên đã phân vùng lũ quét nghẽn dòng thành các vùng nguy cơ: rất cao, cao, trung bình và thấp.

–  Lũ quét sườn được xác định theo các dấu hiệu: Độ dốc sườn; tỷ số % diện tích đất không thấm trong lưu vực (mức độ khai thác của lưu vực); hệ số đặc trưng khả năng vận chuyển nước của lưu vực; lượng mưa ngày với tần xuất 1%; mật độ sông suối lưu vực; hệ số dòng chảy lũ.

–  Lũ bùn đá dự báo trên cơ sở phân tích mức độ tác động của các yếu tố: Mức độ phân dị địa hình, độ dốc sườn; các thành tạo địa chất phong hoá; hoạt động địa chấn; đới đứt gãy và đới đứt gãy hoạt động hiện đại; mưa và thảm thực vật; hoạt động nhân sinh kinh tế. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố trên đã phân vùng lũ quét sườn và lũ bùn đá thành các vùng nguy cơ: lũ quét rất mạnh, lũ quét mạnh, lũ quét trung bình và lũ bùn đá.

  1. Tai biến xói mòn

Bắc Trung bộ có địa hình phân dị phức tạp, có độ dốc sườn lớn lại bị chi phối bởi khí hậu khắc nghiệt: nắng, gió, bão, mưa nên quá trình xói mòn đất xảy ra mạnh mẽ. Hiện tượng xói mòn thể hiện dưới ba dạng: xói mòn bề mặt, xói mòn xẻ rãnh, xói mòn do gió. Từ hiện trạng thực tế cùng với việc áp dụng tính toán tốc độ xói mòn trên cơ sở kết quả khảo sát và phân tích mẫu thu thập được cho thấy lượng đất bị bóc đi hàng năm theo lưu vực sông Sông Cả: 20,34 tấn/ha/năm.

Xói mòn đất không phải loại tai biến gây chết người, song tác hại của quá trình này vô cùng lớn lao:

–  Xói mòn huỷ hoại lớp thổ nhưỡng bề mặt, làm mất chất dinh dưỡng tạo nên ngày càng nhiều các khu vực đất trống đồi núi trọc.

–  Xói mòn gây bồi lấp ruộng đồng ở các khu vực vạt sườn, hạ du; gây biến động lòng dẫn sông suối hoặc ách tắc dòng chảy; bồi lấp hồ chứa.

Tai biến xói mòn thường là các dạng đồng hành cùng với lũ quét- lũ bùn đá, trượt lở, nứt- sụt đất.

Các nguyên nhân phát sinh xói mòn bao gồm: Yếu tố địa hình khu vực; yếu tố khí tượng thuỷ văn; yếu tố vỏ phong hoá; lớp phủ đất và hiện trạng sử dụng đất; yếu tố thảm thực vật.

  1. Tai biến bồi- lở bờ sông

Bồi- lở bờ sông là tai biến địa chất biểu hiện dưới dạng tác động phá hoại bờ và bồi lấp lòng sông.

  1. Động đất:

Miền bắc Việt Nam là nơi có độ hoạt động động đất mãnh liệt nhất trên toàn lãnh thổ. Phần lớn động đất đã xảy ra ở đây, với 3 trận động đất mạnh với magnitude đạt tới 6,6 – 6,7 độ Ríchter đã quan sát thấy trong thế kỷ 20. Tất cả các chấn tiêu động đất đều nằm trong lớp vỏ quả đất, ở độ sâu không quá 35 km. Ở phần Bắc Trung Bộ, động đất tập trung chủ yếu dọc đới đứt gẫy Sông Cả-Rào Nậy. Một đặc điểm đáng chú ý nữa của hoạt động động đất trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam là sự thay đổi độ sâu chấn tiêu từ đới này sang đới khác, nhưng trong phạm vi từng đới thì độ sâu chấn tiêu ít thay đổi. Như vậy, có thể kết luận rằng biểu hiện động đất ở Việt Nam có tính phân đới và liên quan khá chặt chẽ với các đới phá huỷ và các đứt gẫy sâu hoạt động. Bức tranh về độ nguy hiểm động đất ở Việt Nam sẽ trở nên rõ nét và có ý nghĩa thực tiễn hơn nhiều nếu được xét một cách chi tiết trên cơ sở các vùng nguồn phát sinh động đất.

I. Khu vực Pù Mát

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ nhất: (đặc điểm sinh học): Rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới.

1.1. Loài đặc trưng: Loài ưu thế trong kiểu rừng này là các loài trong các họ Giẻ(Fagaceae), Long não (Lauraceae), Mộc lan (Magnoliaceae), Hoàng đàn (Cupressaceae), Kim giao (Podocarpaceae), Thích (Aceraceae), Dầu (Dipterocarpaceae)… Các ưu hợp thực vật cụ thể như sau:

–  Ưu hợp Pơ mu (Fokienia hodginsii) – Mắc niễng (Eberhardtia tonkinensis) – Giẻ lá tre (Quercus bambusaefolia) – Re dầu (Aleseodaphne hainanensis).

–  Ưu hợp Thích (Acer laurinum) – Sến mật (Madhuca pasquieri) – Mắc niễng (Eberhardtia tonkinensis) – Thông lông gà (Podocarpus imbricatus).

–  Ưu hợp Bời lời (Litsea lancifolia) – Thích (Acer laurinum) – Giẻ lá nhỏ (Quercus myrsinafolia).

–  Ưu hợp Sao mặt quỷ (Hopea mollissima) – Trâm (Syzygium odoratum) – Côm (Elaeocarpus harmandii) – Bời lời (Litsea lancifolia).

–  Đơn ưu Sa mộc (Cunninghamia konishii).

–  Ưu hợp Sa mộc (Cunninghamia konishii) – Giẻ bộp (Quercus poilanei) – Bời lời (Litsea lancifolia).

1.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Phân bố từ độ cao trên 900 m phía Bắc và trên 800 m ở phía Nam VQG Pù Mát. Loại rừng này chiếm 29% và còn giữ được tính nguyên sinh cao. Các loài thực vật Hạt trần đã được phát hiện trong loại hình này là: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mộc (Cunninghamia konishii), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Kim giao (Nageia wallichiana), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Thông lông gà (Podocarpus imbricatus)… Hầu hết là những loài đã được đề nghị xếp vào danh sách những loài cần được bảo tồn.

1.3. Những tác động chính của con người: Khu vực này được quản lý bảo vệ khá nghiêm ngặt, hầu như không có tác động của con người. Tuy nhiên ở những vùng có phân bố Pơ mu (Fokienia hodginsii) mà có thể tiếp cận loài gỗ quý này đã có hiện tượng bị khai thác cũng như hoạt động khai thác lấy trầm.

1.4. Hoạt động quản lý liên quan: Kiểu rừng này nằm phía Nam VQG Pù Mát, chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý VQG Pù Mát và Uỷ ban nhân dân xã, huyện có rừng. Vùng lõi đã được xác định rõ về địa giới hành chính, cũng như là chức năng của nó. Cần có một chính sách thích hợp để cải thiện điều kiện sống cũng như nâng cao nhận thức của người dân về hệ sinh thái bởi vì hoạt động xây dựng và phá huỷ mô hình cũ sẽ làm phát sinh những khoản chi phí mới.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ hai: Rừng lùn

2.1. Loài đặc trưng: Cấu trúc rừng lùn có 2 tầng:

Tầng ưu thế là các loài kể trên có đường kính từ 13-15 cm, chiều cao bình quân 8 – 9 m, thân cong queo, có rêu và địa y dày bọc thân và cành.

Tầng dưới tán có loài Sặt (Arundinaria baviensis), một số loài trong họ Mua (Melastomataceae), Rêu và Dương xỉ (Polypodiophyta).

2.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Rừng lùn ở VQG Pù Mát xuất hiện ở đai cao trên 1500 m, trên các giông và chỏm núi dốc, có đá nổi và gió mạnh trong khi các nơi khác xuất hiện ở đai thấp hơn như Cúc Phương 600 m, Tam Đảo 1100 m, Ba Vì 1100 m, Phong Nha 800 m…

Rừng tích rừng lùn chiếm 1,6% diện tích rừng tự nhiên. Thành phần thực vật rừng lùn có các loài Đỗ quyên (Rhododendron spp.), Sồi lào (Lithocarpus laotica), Hồi (Illcium sp.), Re lá nhỏ (Cinnamomum spp.) và loài phong lan (Orchidaceae).

2.3. Những tác động chính của con người: Rừng ở khu vực ít bị con người tác động .

2.4. Hoạt động quản lý liên quan: Loại rừng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý VQG Pù Mát và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ ba: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới

3.1. Loài đặc trưng:  Các ưu hợp thực vật:

–  Ưu hợp Sao mặt quỷ (Hopea mollissima) – Giổi (Michelia balansae) – Trám trắng (Canarium album) – Nhọc (Polyanthia lauii) – Re hương (Cinnamomum parthenoxylon) – Sao hải nam (Hopea hainanensis): chiếm 25 đến 35% trong tổ thành, phân bố ở độ cao từ 300-400 m.

–  Ưu hợp Sao hải nam (Hopea hainanensis) – Giổi (Michelia balansae) – Re (Cinnamomum parthenoxylon) – Sâng (Pometia pinnata) phân bố ở độ cao trong vành đai 400 – 600 m.

–  Ưu hợp Thích (Acer laurinum) – Giẻ lá tre (Quercus bambusaefolia) – Kim giao (Nageia wallichiana) – Sấu (Dracontomelum duperraenum) – Giổi (Michelia balansae) cũng chiếm độ cao từ 400-600 m.

–  Ưu hợp Chò chỉ (Shorea chinensis) – Re gừng (Cinnamomum iners) – Trâm (Syzygium odoratum) – Máu chó (Knema pierrei) – Dung (Symplocos laurina lancifolia) phân bố ở độ cao từ 600-800 m.

–  Đơn ưu Sao mặt quỷ (Hopea mollissima) chiếm từ 20-22% tổ thành, xuất hiện ở độ cao 500-600 m ở phía Bắc và 300 m ở phía Nam VQG.

3.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Trong kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới khu vực Pù Mát có kiểu phụ thứ sinh nhân tác. Đây là kiểu phụ nhân tác phát triển sau khai thác mạnh và canh tác nương rẫy bỏ hoá lâu ngày bao gồm rừng nghèo kiệt, rừng phục hồi, rừng hỗn giao tre nứa và rừng tre nứa, độ tàn che vẫn còn duy trì được từ 0.6 đến 0.7. Trong kiểu phụ này vẫn còn tồn tại một số loài cây có giá trị kinh tế cao như Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), Giổi (Manglietia fordiana), Re (Cinamomum sp.), Chò chỉ (Shorea chinensis), Kim giao (Nageia fleuryi), Xoay (Dialium cochinchinensis)… và các loại cây lấy gỗ như Sấu (Dracontomelum dupereanum), Trám trắng (Canxarium album), Chẹo (Engelhardtia wallichiana), các loài Dẻ (Castanopsis sp).

3.3. Những tác động chính của con người: Thảm thực vật chủ yếu trong kiểu rừng này là các loài cây gỗ ưa sáng như Vạng (Endospermum), Bời lời (Lystea bavesnis), Săng lẻ (Lagerstroemia tomentosa), Hu đay (Trema orientalis)…, ở những nơi ven suối chủ yếu là các loài Vả (Ficus auriculata), Sung (Ficus racemosa), Phay vi (Duabanga grandiflora)… Bên cạnh đó các loài tre nứa điển hình ở đây như Nứa lóng dài, Giang đặc. Nhiều khu vực giang nứa phát triển nhanh chóng trở thành rừng thuần loại tre nứa dày đặc dưới tán các loài cây gỗ không còn điều kiện để tái sinh và phát triển. Những biện pháp kĩ thuật lâm sinh là cần thiết để có thể tác động nhằm chuyển hoá loại rừng này thành rừng gỗ.

3.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý VQG Pù Mát và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ tư: Trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác

4.1. Loài đặc trưng: Loài đặc trưng là những trảng Cỏ tranh (Imperata cylindrica), Cỏ lào (Eupatorium odoratum), Lau (Saccharum arundinaceum), Sậy (Saccarum), Sim (Rhodomyrtus), Mua (Melastomataceae), thỉnh thoảng có các loài cây bụi, cây gỗ nhỏ như Sau sau (Liquidambar formosora), Thành ngạnh (Cratoxylum cochinchinensis), Ba soi (Macaranga denticulata)…

4.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Là diện tích trước đây đã canh tác nương rẫy trong những thời gian bỏ hoá chưa đủ để quá trình diễn thế thành rừng.

4.3. Những tác động chính của con người: Trước đây, con người canh tác nương rẫy sau đó bỏ hoang hoá. Hiện nay, vùng đất này ít được con người quan tâm.

4.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chiếm 1/4 diện tích Vườn Quốc Gia, phân bố chủ yếu 2 lưu vực suối chính Khe Thơi và Khe Thặng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ năm: Đất canh tác nông nghiệp và nương rẫy

5.1. Loài đặc trưng: Diện tích này chủ yếu trồng sắn và ngô cung cấp nhu cầu tại chỗ cho 894 người thuộc 163 hộ.

5.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Loại này có diện tích không đáng chiếm 0,4% diện tích Vườn Quốc Gia, tập trung ven Khe Thặng có diện tích khoảng 15 ha đất thổ cư, 30 ha đất màu ven suối và ruộng nước và 300 ha nương rẫy thuộc 3 bản người Đan Lai ở khu vực Khe Thặng.

5.3. Những tác động chính của con người: Được con người trồng lại bằng các cây hoa màu, cây lương thực, cây ăn quả.

5.4. Hoạt động quản lý liên quan: Thực hiện giao khoán đất cho các hộ gia đình, kết hợp với sự quản lý, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, trồng và chăm sóc của các cán bộ xã, huyện.

II. Khu vực Pù Huống

  1. Loại hình nơi cư trú/ đất thứ nhất: Rừng nguyên sinh

1.1. Loài đặc trưng: Thành phần chủ yếu là Sến (Madhuca pasquieri), Táu (Madhuca pasquirei), Dổi (Micheha mediocris), Trường (AmesiodendronChinensis), Chò Chỉ (Shorea chinensis)…

1.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Rừng nguyên sinh hình thành nhờ diễn thế tự nhiên.

1.3. Những tác động chính của con người: Rừng nguyên sinh, chưa có dấu hiệu bị khai thác gỗ.

1.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ hai: Rừng kín thường xanh á nhiệt đới

2.1. Loài đặc trưng: Thành phần thực vật chủ yếu là Pơ mu (Fokienia hodginsii) có đường kính đạt tới 100-200 cm, Sa mu (Cunninghamia konishii) và Dẻ lá tre (Quecus blakei). Ngoài ra còn có các loài Sến (Madhuca pasquieri), Táu mật (Madhuca pasquirei), Táu muối (Vatica diospiroides)… Tầng thực vật mục khá dày, đôi chỗ xen lẫn các loài Giang (Dendrocalamus pastellaris), Sặt (Lioma ovaolifolia).

2.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Hình thành chủ yếu nhờ diễn thế tự nhiên.

2.3. Những tác động chính của con người: Vùng rừng này ít chịu sự tác động của con người.

2.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/ đất thứ ba: Rừng thứ sinh

3.1. Loài đặc trưng:

Ở tuyến khảo sát Bản Khì đến Khe Khồ khề: Phân bố nhiều ở vành đai tiếp giáp với khe Khồ Khề có dộ cao 500 m, chủ yếu là loài Chò chỉ (Parashorea chinensis) chiếm ưu thế trên đất ven suối. Kiểu rừng này có các loài ưu thế tầng cao như Trường (Amesiodendron chinensis), Lát (Chukaraisia tabularis), Táu mật (Madhuca pasquirei), Dổi (Micheha mediocris).

Ở tuyến khảo sát Khe Khồ Khề – Lán Bọ Chó: Thành phần thực vật tầng cao chủ yếu là Sến (Madhuca pasquieri), Táu (Madhuca pasquirei), Dổi (Micheha mediocris), Trường (AmesiodendronChinensis)…Tầng dưới tán gặp các loài Bời lời (Lystea bavesnis), Bộp (Actinolaphne chinesis), Côm (Elaeocapus stipularis), Máu chó (Knema conferta), Dẻ bạc (Quercus glauca), Cà ổi (Castanopsis ferox), Ràng ràng (Ormoria balansea)…

Ở tuyến khảo sát Đường bộ đội đa số được che phủ bởi rừng thứ sinh và đang bị khai thác bởi người dân các Bản Khỉ và xã Bình Chuẩn.

Ở tuyến khảo sát Khe Cô – Khe Hịn Đọng: Rừng ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyện vẹn và hiểm trở có các loài thực vật phổ biến như Nghiến (Excentrodendron tonkinensis), Sến (Madhuca pasquieri), Trâm núi (Syzygium sp.), Gội núi (Aglaia perviridis)… Đây là điểm phân bố và cư trú chủ yếu của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis).

Ở tuyến khảo sát Tả Ngạn – Hữu Ngạn khe Bô: Thành phần thực vật chủ yếu ở đây là Bộp (Actinolaphne chinesis), Dổi (Micheha mediocris), Bời lời (Lystea bavesnis), Ràng ràng (Ormosia pinnata)…

Ở tuyến khảo sát Bản Huồi Lắc-Chân Pù Lon, rừng có dấu hiệu phục hồi và ít bị tác động bởi hoạt động khai thác gỗ. Gặp chủ yếu ở khu vực này là các bẫy cũ từ tháng 9-11 năm trước (mùa săn bắn các loài thú). Thành phần thực vật tán cao gặp chủ yếu là Sến (Madhuca pasquieri), Táu (Madhuca pasquirei), Re (Cinamomum sp.), Trường (Amesiodendron chinensis), Cà ổi (Castanopsis ferox), ở tầng thấp gặp chủ yếu các loài Giang (Dendrocalamus pastellaris), Sặt (Lioma ovaolifolia),

3.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Hình thành theo diễn thế thứ sinh

3.3. Những tác động chính của con người

Hiện nay, có những điểm vẫn bị người dân các Bản Khỉ và xã Bình Chuẩn khai thác gỗ trái phép làm tổn hại đến rừng.

3.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng. Cần có một chính sách thích hợp để cải thiện điều kiện sống cũng như nâng cao nhận thức của người dân về hệ sinh thái bởi vì hoạt động của người dân dù vô tình hay hữu ý rất có ảnh hưởng đến hệ sinh thái này.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ tư: Sinh cảnh rừng lùn  

4.1. Loài đặc trưng: Có các loại cây điển hình là: Đỗ Quyên (Rhododendron arboreum), Sơn liễu (Clethra sp), Sặt gai Nam chúc (Lioma ovaolifolia), Truông treo (Enkianthus sp.)…

4.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Kiểu rừng này gặp ở đỉnh tam giác Pù Huống có diện tích hẹp, có thân cây cằn cỗi, cây có rêu, phong lan bám đầy. Kiểu rừng này có tầng thảm mục chưa phân hoá luôn có mây che phủ ẩm ướt và lạnh.

4.3. Những tác động chính của con người: Ít bị con người tác động

4.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ năm: Sinh cảnh rừng núi đá phụ

5.1. Loài đặc trưng: Loài thực vật phổ biến như Nghiến (Excentrodendron tonkinensis), Sến (Madhuca pasquieri), Trâm núi (Syzygium sp.), Gội núi (Aglaia perviridis)… Đây cũng là điểm phân bố và cư trú chủ yếu của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis).

5.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Rừng ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyện vẹn và hiểm trở.

5.3. Những tác động chính của con người: Rừng ít bị con người tác động

5.4. Hoạt động quản lý liên quan:Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ Ban Nhân Dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ sáu: (đặc điểm sinh học) Sinh cảnh rừng tre nứa

6.1. Loài đặc trưng: Xen lẫn với rừng tre nứa vẫn có các loại thân gỗ nhỏ, một số các loài thực vật khác: Ràng ràng (Ormosia pinnata), Bời lời (Lystea bavesnis), Sim (Rhodomyrtus), Mua (Melastomataceae)…

6.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Sinh cảnh rừng tre nứa xuất hiện nhờ diễn thế thứ sinh trên đất hoang hoá do con người bỏ lại sau thời gian phát nương làm rẫy.

6.3. Những tác động chính của con người: Đây là kiểu rừng xuất hiện sau nương rẫy và chiếm một diện tích khá lớn .

6.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ Ban Nhân dân xã, huyện có rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ bảy: (đặc điểm sinh học) Sinh cảnh rừng nương rẫy

7.1. Loài đặc trưng: Chủ yếu thành phần thực vật được trồng là Lúa nước, Lúa nương, Ngô, Đậu, Sắn và một số các loại cây khác. Chủ yếu là các nương rẫy bỏ hoang sau đó được phục hồi 1 đến 2 năm, thành phần thực vật chủ yếu là loại cây Ràng ràng (Ormosia pinnata), Bời lời (Lystea bavesnis), Côm (Elaeocarpus sp.)… có đường kính từ 10 cm đến 30 cm sinh cảnh này kéo dài từ khe Tèo cho đến hết dốc khe Tèo.

7.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Các khu rừng bị chặt phá làm nương rẫy sau đó bị bỏ hoá có chu kì ngắn hơn do vậy các cây rừng nương rẫy có đường kính nhỏ hơn 10-20 cm và tán thấp 5-7 m.

7.3. Những tác động chính của con người: Con người trồng trọt các cây hoa màu, cây lương thực… trên vùng đất này.

7.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và Uỷ ban nhân dân xã, huyện có rừng. Thực hiện giao khoán đất cho các hộ gia đình, kết hợp với sự quản lý, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, trồng và chăm sóc của các cán bộ xã, huyện.

III. Khu vực Pù Hoạt

. Loại hình nơi cư trú/đất thứ nhất: (đặc điểm sinh học): Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi cao hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim

1.1. Loài đặc trưng: Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim có một số loài tầm vóc to lớn nhưng mật độ và sinh khối không vượt quá 30%. Các họ thực vật ưu thế là : Lauraceae, Fagaceae, Theaceaea, Araliaceae, Aceraceae, Rosaceae, orchidaceae; các họ hạt trần: Cupressaceae, Taxodiaceae, Podocarpaceae; với các loài điển hình như Re (Cinnamomum liangi, C. iners, C.cambodianum, C. litseafolium ), Chắp (Beilschmiedia), Bời lời (Litsea mollis, L. atrata, L. garretii), Kháo (Machilus decursirvus), Cà ổi (Castanopsis platycalyx), Dẻ đá quả gỗ (Lithocarpus cornea, L. coatilus), Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia), Dẻ helphe (Quercus halpheriana), Chè khấu (Adinandra hainanensis), Súm (Euryea japonica), Chò sót (Schima wallichii), Cù đèn (Croton maieuticus), Trám trẩu (Mitilaria laosensis), Chắp (Symingtonia tonkinensis), Mậy châu (Carya tonkinensis), Giổi (Tsoongiodendron odorum), Tì bà (Eriobotrya cavalieri), Cổ phông (Photinia arguta), Tô hạp (Altingia excelsa), Sến mật (Madhuca),… Đặc biệt cây lá kim thực vật hạt trần tham gia trong tổ thành có các loài : Pơ mu (Fokienia hodginsii), Thông lông gà (Podocarpus imbricatus), Kim giao (Nageia fleuryii), Thông tre (Pdocarpus neriifolius), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), và Sa mu (Cunninghamia konishii). Rừng chia thành 3 tầng, tầng ưu thế  sinh thái tạo thành tán rừng với các loài cây lá rộng kể trên và cá loài lá kim: Kim giao (Nageia fleuryi) và Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus).

1.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Về mặt khoa học, là một trong rất ít khu vực của đất nước còn giữ được một mẫu rừng vùng đỉnh núi với nhiều loài đặc hữu và đặc biệt là sự tồn tại của các loài cây lá kim (hạt trần) cổ như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), Sa mu (Cunninghamia konishii), các loài này tuy số lượng và sinh khối trên toàn rừng không lớn nhưng là những cây có tầm vóc lớn cả về chiều cao và đường kính mà không có loài nào cây nào ở trong nước có thể sánh nổi. Nếu so sánh với 8 cây đã được P.W. Richards giới thiệu trong “Rừng mưa nhiệt đới” như Cự tùng (Sewuoia sempevriens) H = 102, D = 8; Bạch đàn vua ở Úc (Eucalyptus regnans) H = 97; Bạch quả ở Trung Quốc (Gingko biloba) chu vi 16vm; cây Com pat ở Sarawark (Koompasia exelsa)… thì những cây Sa mu của Pù Hoạt có thể đứng vào hàng thứ 8 hoặc thứ 9 trong số các cây có tầm vóc lớn nhất thế giới. Do đó những quần thể các loài lá kim trong kiểu rừng này của Pù Hoạt là một trong số các mẫu ít ỏi của trái đất còn tồn tại và tạo nên những cảnh ngoạn mục trên vùng đỉnh núi cao luôn luôn có mây che phủ.

1.3. Những tác động chính của con người: Trong kiểu rừng này, có nhiều loài quí hiếm và đặc hữu, rừng gần như còn nguyên vẹn, sự tác động của con người chỉ hạn chế ở các hoạt động săn bắn (chủ yếu do người H’Mông ở bản Sài).

1.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt và Uỷ Ban Nhân dân xã, huyện có rừng. Vùng lõi này đã được xác định rõ về địa giới hành chính, cũng như là chức năng của nó. Cần có một chính sách thích hợp để cải thiện điều kiện sống cũng như nâng cao nhận thức của người dân về hệ sinh thái bởi vì các hoạt động của con người dù vô tình hay hữu ý đều có những ảnh hưởng nhất định tới rừng.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ hai: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình

2.1. Loài đặc trưng: Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, sinh trưởng tốt, cây lá kim có Thông nàng, Kim giao (Nageia fleuryi) rải rác đôi chỗ trên các sườn giông và rất dốc. Cây lá rộng với các loài tiêu biểu của các Họ sau: Họ Dẻ (Fagaceae) có khá nhiều loài và cũng chiếm ưu thế trong một số tổ thành đai diện của Họ Dẻ như: Cà ổi (Castanopsis seracantha, C. ferox, c. indica), Dẻ đá (Lithocarpus dussaudi), Sồi (L. trachycarpa), Dẻ cau (Quercus fleuryi); Họ Re (Lauraceae) có 30 loài của các chi, trong đó chi phân bố rộng; Họ Dầu (Dipterocarpaceae) tuy ít loài nhưng ở nhiều lâm phần ở Thông thụ  và Phu Pha Nhà đã chiếm ưu thế tuyệt đối tới trên 50% trong tổ thành. Họ Mộc lan (Magnoliaceae) với nhiều cây gỗ lớn của các chi Giổi (Michelia, Mangkietia, Tsoongiodendion); Họ Hồng xiêm (Sapotaceae) với nhiều loài cây gỗ nổi tiếng Sến Mật (Madhuca pasquiera) với đường kính trên 60 – 80 cm cũng đôi khi chiếm 3 – 5% trong tổ thành. Ở kiểu rừng này cá Họ sau xuất hiện và đóng vai trò quan trọng là Họ Xoan (Meliaceae) với các loài Gội (Aglaia); Họ Bồ hòn (Sapindaceae) với các loài Sâng (Pometia), Trường (Amesiodendron chinensis); Họ Thị (Ebenaceae) có 6 – 7 loài của chi Diospyros. Kiểu rừng này phần lớn cũng là rừng ít bị tác động, tính nguyên sinh cao và có nhiều động vật quí hiếm sinh sống như: Voi (Elephas maximus), Bò tót (Bos gaurus), Hươu nai (Cervidae), Gấu (Urcidae), Hoẵng (Muntiacus muntjak)

2.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Phân bố ở độ cao 800 – 1500 m, phân bố rộng khắp vùng sườn núi từ các tiểu khu giáp Thanh Hóa, sông Chu cho tới sườn Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ, Pù Pha Lâng và phía Đông núi Pù Hoạt. Rừng phát triển trên đất feralit màu vàng, đá mẹ chủ yếu là riolit và granit, phong hóa mạnh, tầng đất dày đến trung bình, độ sói mòn, độ tán che 0,8. Kiểu rừng này còn giữ được tính nguyên sinh cơ bản, đôi chỗ bị làm nương rẫy với từng đám nhỏ.

2.3. Những tác động chính của con người: Con người ít có những tác động gây tổn hại đến kiểu rừng này.

2.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt và Uỷ ban Nhân dân xã, huyện có rừng. Vùng lõi này đã được xác định rõ về địa giới hành chính, cũng như là chức năng của nó. Cần có một chính sách thích hợp để cải thiện điều kiện sống cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

  1. Loại hình nơi cư trú/đất thứ ba: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp

3.1. Loài đặc trưng: Thảm thực vật không đồng đều với nhiều họ và nhiều đại diện ưa sáng của các Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), Sim (Myrtaceae), Xoan (Meliaceae), Dâu tằm (Moraceae), Cánh bướm (Papilionoceae), Vang (Caesalpiniaceae), Thị (ebenaceae), Re (Lauraceae), Dẻ (Fagaceae), Côm (Elaeocarpaceae). Rừng chia 3 tầng, tầng ưu thế sinh thái tạo thành tán rừng với các loài điển hình: Chẹo (Engelhrdtia), Bứa (Garcinia), Vạng (Endospermum), Lim xẹt (Peltophorum), Mọ (Deutzianthus), Muồng (Adenanthera), Đa (Ficus), Mãi táp (Randia), Ngát (Gironiera), Côm (Elaeocarpus. sp), Bời lời (Lystea bavesnis), Chắp (Beilschmiedia).

3.2. Những quá trình tự nhiên quan trọng: Phân bố ở độ cao dưới 800 m, trên đất feralit đỏ vàng phát triển trên granit, sa phiến thạch, tầng đất mỏng đã bị rửa trôi mạnh ở một số lớn diện tích, do có những giai đoạn mà thảm che bị phá vỡ do đốt nương rẫy.

3.3. Những tác động chính của con người: Nhìn chung so với nhiều khu rừng khai thác tại Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn thì tầng đất của kiểu rừng này chưa bị rửa trôi trầm trọng, tình hình tái sinh tốt với nhiều loài cây giá trị. Số lượng cây tái sinh đạt 10 000 cây/ha, số cây có cấp H trên 3m khoảng 2 200 cây/ha. Kiểu rừng này tuy bị tác động bởi các hoạt động nương rẫy và khai thác chọn, nhưng đôi chỗ vẫn còn giữ tính nguyên sinh và có nhiều loài thú lớn sinh sống.

3.4. Hoạt động quản lý liên quan: Vùng này chịu sự quản lý và bảo vệ trực tiếp của bộ phận Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt và Uỷ Ban Nhân dân xã, huyện có rừng. Vùng lõi này đã được xác định rõ về địa giới hành chính, cũng như là chức năng của nó. Cần có một chính sách thích hợp để cải thiện điều kiện sống cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

 

 

Bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học

Nhìn chung, 80% diện tích Vườn Quốc gia  Pù Mát và vùng đệm có cây che phủ. Trong phạm vi Khu bảo tồn Pù Mát nói riêng: 62% là rừng nguyên sinh (gần như chưa bị tác động), 30% là rừng có tán che hở đã bị tác động, 3% là rừng tái sinh bị tác động nghiêm trọng (mét Dendrocalamus barbatus, cây bụi), 1% là đất canh tác (dọc theo thung lũng Khe Khặng). Diện tích còn lại là thực vật hỗn giao cây bụi ven sông, đá và đất trống, và những diện tích trên ảnh có mây che phủ (không thể phân loại).

Nghiên cứu điều tra cấu trúc thực vật về những phẫu đồ thực vật từ ba độ cao khác nhau được trình bày trong các sơ đồ 2.2 đến 2.4 đại diện cho môi trường sống của rừng tự nhiên trong Vườn Quốc gia Pù Mát: rừng nhiệt đới, rừng trên đất dốc và rừng hỗn giao. Nhũng loại môi trường sống không được mô tả là những loại rừng đã bị tác động của con người chẳng hạn như rừng tre nứa và các kiểu rừng thứ sinh khác nhau. Phác đồ thực vật từ ô tiêu chuẩn 1 tại khu vực Khe Bu ở độ cao 300 m a.s.l. trên dốc đỉnh Pù Huối.

–  Tầng nổi lên: Hopea mollisima lên tới 36 m, có tán rộng và thân cây lớn.

–  Tầng tán: cao 28 m, những cây của họ Dipterocarpaceae (Hopea mollissima), Fagaceae (Lithocarpus laoensis) và Ulmaceae (Gironniera subaequalis).

–  Tầng dưới tán: Những cây họ chiếm ưu thế là Fagaceae (Lithocarpus, C. astanopsis), Ulmaceae (Gironniera subaequalis), Lauraceae (Beilschmiedia balansae), Rubaceae (Aidia spp.), Clusiaceae (Garcinia sp.).

–  Tầng dưới đất: những loài chiếm ưu thế thuộc họ Melastomaceae (Phyllagathis spp.), Dryopteridaceae (Dryoptersis spp.), Rubiaceae (Lazianthus spp.), Aspleniaceae (Diplazium donianum), Myrsiniaceae (Adisia spp.), Poaceae (Dendrocalamus spp.), Arecaceae (Calamus spp.), Commelinaceae (Pollia spp.) và Fabaceae (Milletia spp.). Hầu hết khu hệ thực vật dưới đất đều là cây bụi và cây thân cỏ có khả năng sinh sống dưới tán và điều kiện khô. Cây non dưới tán rất phổ biến, những loài này là những loài ưu sống dưới tán. Loài Taeniostachyum dulloa có trong ô tiêu chuẩn có khả năng thay thế những khoảng trống do những cây lớn đã bị đổ.

Phẫu đồ thực vật của ô tiêu chuẩn Thác Kèm tại độ cao 580 m a.s.l. trên dốc thượng nguồn Khe Chát. Tổng cộng là 190 cá thể của 41 loài, 27 chi và 21 họ tạo thành khu hệ cây của tiêu chuẩn. Loài Xanthophyllum hainanense chiếm ưu thế ở cả ba tầng.

–  Tầng nổi lên: Loài Dipterocarpus restus nổi lên tới 45m; có tán rộng không có dây leo, tán hình ô.

–  Tầng tán: Loài chiếm ưu thế Hopea hainanensis, Xanthophyllum hainanenseFagaceae spp. Kể cả những loài Lithocarpus sp., Castanopsis hystrix, Aidia cochichinensis, Madhuca pasquieri, Syzygium spp., Ficus altissima, Elaocarpus dubius, Dalium cochichinense, Quercus bambusiif olius, Livistona saribus Litsea balansae.

–  Tầng dưới tán: những loài dưới 15 m bao gồm  Archidendron sp., Diospyros sp., Garcinia sp., Livistona sp., Xanthophyllum sp., Hopea sp., Syzygium sp., Aidia sp., Litsea sp., và loài tầng tán đang còn non.

–  Tầng dưới đất: bao gồm những cây bụi, cây thân thảo mọc thưa thớt, có 44 loài từ 38 chi và 26 họ có trong ô tiêu chuẩn. Loài phổ biến là Syzygium (khoảng 76%), Archidendron (68%), Phyllagathis (60%), HemigrammaAidia (50%).

Phẫu đồ thực vật trong ô tiêu chuẩn 4 tại Khe Thới ở độ cao 1 200 m a.s.l. trên dốc của đỉnh Pù Bun. Tổng cộng có 89 cá thể của 36 loài, 30 chi, 21 họ. Những loài phổ biến bao gồm Hopea mollisima, Livistona saribus, Lithocarpus spp., Quercus spp., Syzygium spp., Cinnanomomum sp.,Cryptocarya spp.

–  Tầng tán: những loài cao đến 20 m là Hopea mollissima, Syzygium spp., Cinnamomum sp., Castanopsis hystrix, Lithocarpus hamata, Lithocarpus sp., Madhuca pasquieri, Quercus sp., Horsfieldia tetrapetala, Livistona saribus Canarium album.

–  Tầng dưới tán: cao từ 10-20 m, Aidia oxydonta, Engelhardtia spicata, Syzygium spp., Hopea mollisima, Diospyros sp., Cinnamomum parthenoxylon, Diospyros apiculata, Gironniera subaequalis, Polyanthia spp., Livistona saribus, Garcinia oblongifolia, Aidia spp.

–  Tầng thấp hơn: cao từ 5-8 m, Diospyros apiculata, Knema sp., Symplocos spp., Aidia spp., Albizia sp., Cryptocarya sp., Syzyium spp.Cinnamomum partheroylon.

–  Tầng dưới đất: Những cây non chiếm ưu thế về tán và cây thân thảo che phủ mặt đất chiếm khoảng 46%. Những loài phổ biến là Melastomataceae, Ardisa, Tabernaemontana và Acanthaceae và Rubiaceae.

Rừng thường xanh nguyên sinh nhiệt đới: Phẫu đồ thực vật từ ô tiêu chuẩn 1 tại khu vực Khe Bu chỉ ra loài thực vật được xếp vàp loại rừng nguyên sinh nhiệt đới, mặc dù chúng có chút ít dấu hiệu tác động của con người. Loài thực vật nổi trội là Hopea molissima Lithocarpus laosensis. Phẫu đồ chỉ ra bốn loại tầng thực vật khác nhau điển hình cho loại rừng nhiệt đới bao gồm cả những cây ở tầng nổi lên cao tới 36 m, chẳng hạn như loài Hopea mollissima (Dipterocarpaceae). Tầng chính cao từ 18-28 m.

Rừng nhiệt đới thường xanh trên dốc: Phẫu đồ thực vật trong ô tiêu chuẩn 2 khu vực Thác Kèm, ô tiêu chuẩn này có rừng nguyên sinh nhiệt đới, ở độ cao trung bình trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Loài chiếm ưu thế trong ô là loài Hopea hananensis. Tầng nổi trội cao khoảng 25 m bao gồm cả họ Dầu (Dipterocarpaceae). Độ rậm rạp trong ô này rất cao, hầu hết cây có đường kính nhỏ có phụ lục khu vực cơ bản thấp (BAI). Đây có thể là kết quả của việc tác động vào khu vực này trước đây. Loài này thường thấy trong ô tiêu chuẩn thuộc rừng nguyên sinh.

Rừng nguyên sinh nhiệt đới: Cấu trúc rừng nguyên sinh nhiệt đới từ ô tiêu chuẩn 4 ở khu vực Khe Thơi. Loài chiếm ưu thế là Hopea mollissima, Syzygium spp., họ Fagaceae và loài Cinnamomum sp. Điều này không bình thường ở rừng nhiệt đới do thông thường Syzygium spp., Fagaceae và Cinnamomum sp. phân bố ở những vùng rừng hỗn giao lá kim, họ Dipterocarpaceae phân bố phổ biến ở những vùng có độ cao thấp hơn chẳng hạn như ở hai ô tiêu chuẩn được đề cập ở trên (họ Dipterocarpaceae phân bố phổ biến ở cả trong hai ô này).

Trong một số vùng của Khu bảo tồn, đặc biệt là vùng gần với biên giới quốc gia, loại rừng cây lá kim chiếm ưu thế, loài Fokenia hodginsiiNageia wallichiana phân bố trên các đỉnh giông và Cunninghamia konishii phân bố trên các sườn đồi. Thực vật trong những vùng này thấp hơn so với thực vật trong hai ô đã đề cập. Rất khó tìm thấy những loại rừng ở trạng thái nguyên sinh do gỗ của cây lá kim có giá trị kinh tế cao.

Theo sự xác định bởi ảnh vệ tinh thì độ che phủ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát rất lớn.

Rừng có độ che phủ lớn xuất hiện còn nguyên vẹn trên độ dốc trung bình và cao của núi, trên độ cao 900 m so với mực nước biển. Tuy nhiên, khả năng loại rừng này bao gồm một quần thể thực vật độc đáo vẫn chưa được khẳng định. Những loại rừng này cho thấy đó là những nơi mà độ tán che rất cao và ít bị tác động bởi các hoạt động của con người. Kiểu rừng này xuất hiện rải rác ở núi Cao Vều, Pù Lương và Pù Nóng, nhưng tập trung dọc theo biên giới với Lào và ở thượng nguồn Khe Bu và vùng núi Pù Mát. Loại rừng này cũng có một diện tích khá lớn ở phía Bắc của sông Khe Thơi mở rộng ra ngoài ranh giới của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát sang xã Tam Đình.

Loại rừng có độ che phủ thấp hơn, trong đó rải rác có một số vùng cây bụi và mét xuất hiện ở thung lũng các con sông và trên độ dốc thấp. Ở nhiều nơi, những khu rừng này bị tác động bởi các hoạt động trước đây của con người với mức độ khác nhau và hiện nay vẫn tiếp tục bị tác động bởi các hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp. Có thể độ che phủ của loại rừng này này như đã mô tả tiêu biểu cho độ che phủ của các loại rừng dễ dàng bị khai thác.

Dọc theo Khe Khặng mở rộng sang Khe Bu là vùng có cây bụi, cỏ thấp và các hoạt động canh tác. Đây là vùng duy nhất của Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi mà người dân hiện đang sinh sống. Trong Khu bảo tồn việc phát quang rừng mỗi năm được giới hạn trong những vùng dọc theo thung lũng ven sông, nhưng có thể mở rộng thêm từ các con sông và lên các thung lũng.

Về cấu trúc, những họ thực vật chiếm ưu thế trong rừng nguyên sinh bao gồm:

Dipterocarpaceae đặc biệt là chi Hopea Dipterocarpus

Fagaceae đặc biệt là chi Quercus, LithocarpusCastanopsis

Lauraceae bao gồm chi CinnamomumLitsea

Ở những khu vực có độ cao hơn, bao gồm cả những vùng rừng hỗn giao có độ cao tới 1500 m, có những họ Fagaceae, Lauraceae và họ Myrtaceae (tầng vượt trội), nhưng ở rừng nhiệt đới họ Dipterocarpaceae vẫn là một thành phần quan trọng trong cấu trúc tổng thể rừng.

Ở những khu vực có độ cao trên 1500 m thì có các họ Cupressaceae (Fokienia), Arucariaceae (Cunninghamia) và Podocapaceae (Nageia) nhưng lại không tìm thấy họ Dipterocarpaceae.

Rừng thứ sinh có những họ như Fagaceae (bao gồm cả chi Castamopsis), họ này thông thường thì không có trong rừng thứ sinh. Loài của họ Juglandaceae (Engelhardia) cùng được tìm thấy, chi của nó là một đặc thù trong rừng thứ sinh. Những cấu trúc khác của loại rừng thứ sinh chẳng hạn như rừng nứa và cỏ lau cũng được tìm thấy trong Vườn Quốc gia  Pù Mát nhưng không tập trung vào trong thời gian điều tra.

Hiện tại có 1114 loài đã được giám định và theo một số nhà thực vật học thì có khả năng còn có nhiều loài nữa vẫn chưa được thu thập. Vườn Quốc gia  Pù Mát có thể chiếm giữ số loài thực vật cao nhất trong khu bảo vệ ở Việt Nam. Những điều đó chứng tỏ sự nỗ lực cao tại Vườn Quốc gia  Pù Mát và cũng phản ánh được tính đa dạng và thực vật ở đâu chưa bị tác động nếu so sánh với những khu vực bảo vệ khác. Chưa có một điều tra nghiên cứu nào về thực vật rất khác biệt tại vùng núi đá vôi trong vùng đệm của Khu bảo tồn, chắc chắn ở đây sẽ có những loài mà không nơi nào trong Khu bảo tồn có thể tìm thấy.

Vườn Quốc gia  Pù Mát có những loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt cần phải quan tâm bảo tồn khu vực rừng nguyên sinh có các loài cây lá kim chiếm ưu thế chẳng hạn như Fokenia hodginsiiCunninghamia konishii. Loại rừng này bị khai thác gỗ rất nghiêm trọng ở bất cứ nơi nào có loại gỗ này. Trong Vườn Quốc gia  Pù Mát, những loại rừng lá kim đã bị tàn phá tận gốc ở những khu vực mà dễ dàng tiếp cận và chỉ còn sót lại trên vùng núi cao dọc biên giới Việt – Lào và rừng đầu nguồn nơi mà không thể chuyển gỗ ra theo sông. Những nơi mà rừng lá kim không thể tái sinh lại được có thể do bị đốt cháy trên đỉnh giông và tàn phá những cây non. Cần phải có sự trợ giúp để tái sinh lại những khu vực đó nhằm tạo ra thảm thực vật như ban đầu.

Pù Huống (Vùng lõi 2): Diện tích tự nhiên toàn Khu bảo tồn: 49 806 ha; Đất không rừng: 13348 ha chiếm 26,81%; đất có rừng: 36 458 ha chiếm 73,19%. Trong đó: Rừng ít bị tác động: 13 489 ha chiếm 37% và rừng đã bị tác động: 22 969 ha chiếm 63%. Rừng ít bị tác động nằm chủ yếu ở các tiểu khu phía Bắc giông núi, dọc theo đỉnh giông và một phần ở phía Nam giông núi. Các kiểu rừng chính: Có hai kiểu rừng chính:

Rừng nhiệt đới mưa ẩm lá rộng thường xanh: Phân bố ở độ cao từ 200 m đến 800-900 m, các họ thực vật ưu thế là : họ Re (Lauraceae), họ Dẻ (Rubiaceae), họ Dầu (Dipterocarpaceae), tuy ít loài nhưng số cá thể trong các tổ thành nhiều khu, nhiều nơi đã chiếm ưu thế, biếu hiện rõ rệt là loài Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), loài này ở sườn phía Bắc phân bố từ độ cao 400 đến 900 m, ở sườn phía Nam từ 700 đến 1000 m chiếm trên 30-35%, trong tổ thành ở vành đai dưới 400 m loài Chò chỉ (Parashorea chinensis) chiếm ưu thế trên các đất dọc ven suối, nhiều nơi Chò chỉ tạo thành tầng vượt tán, nhưng mấy năm nay Chò chỉ bị khai thác trộm nhiều ở dọc và khe suối phía Bắc.

Kiểu rừng này ở phía Bắc có các loài ưu thế và tạo nên các ưu hợp với loài: Sâng (Pometia pinnata), Sấu (Dracontomelum duperenum), Gội nếp (Dysoxilum binectariferum), Trường (AmesiodendronChinensis), Sâng (Amesiodendron chinense), Lát (Chukrasia tabularis), Gội gác (Aphanamisi polystachya), Vù hương (Cinnamomum balasnea), Sến mật (Madhuca pasquirea), Giổi (Michelia acnea).

Dưới tán các loài ưu thế có các loài cây gỗ nhỡ điến hình: Đái bò (paralbizia lucida), Bời lời (Lystea bavesnis), Bộp (Actinodaphne chineis), Chắp (Belschmiedia), Lòng trứng (Lindeas metcalfiana), Côm (Elaeocapus stipulais), Bồ hòn (Sapindus annamesnis), Máu chó (Knema consecta), Bứa (Garcinia loue), Đẻn (Vitex trisoliata), Nhọc (Polyalthia laui).

Nhưng phân bố rộng khắp, dễ thấy và có mặt trong tất cả các ô đo đếm là các loài họ Re (Lauraceae) và Dẻ (Fagaceae) như Dẻ đen (Quercus chevaliei), Dẻ bạc (Quercus glauca), Cà ổi (Castanopsis ferox, Castanopsis tribuloides, Castanopsis indica), Re tàu (Machilus chinensis), Re gừng (Cinnamomum zeylanicum), Re đỏ (Cinnamomum tetragonum), Mò lưng bạc (Cryptocarya metcalfiana), Chắp (Beilschmiedia laevis). Loài Ngát lông cũng có mặt rộng khắp (Gironierausbaequalis) cùng với Ràng ràng (Ormosia balansae). Dọc ven suối còn có mặt loài đặc hữu Chò nước (Platanus kerri) và Tô hạp (Altinggia sinensis)…

Ở sườn phía Nam Pù Huống, các ưu hợp Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), Sâng (Pometia), Sến mật (Madhuca pasquieri) phân bố ở đai cao hơn phía Bắc, các ưu hợp Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), Sến (Madhuca pasquieri) xuất hiện từ độ cao trên 500 m, còn loài Săng lẻ (Lagerstroemia tomentosa) phân bố tới độ cao 500-700 m, cùng với loài Cọ phèn (Protium Seratum). Loài Săng lẻ (Lagerstroemia tomentosa) rụng lá mùa khô, nhưng số cá thể không nhiều nên chưa có thể gọi là rừng nửa rụng lá ở sườn phía Nam Pù Huống.

Rừng kín thường xanh Á nhiệt đới: Phân bố ở độ cao trên 900 m, tạo thành một dải dọc theo giông núi từ Pù Huống tới Pù Lon và một phần rất nhỏ trên núi Phu-Chay-Ngô ở phía Nam. Kiểu rừng này chỉ chiếm dưới 10% diện tích – có 2 loài thực vật hạt trần điển hình là Pơ mu (Fokienia hodginsii) và Sa mộc (Cunninghamia lanceslota) nhưng 2 loài này chỉ phân bố tập trung ở đỉnh Pù Lon, phía Bắc Khu bảo tồn ở đai cao trên 1100 m, đôi chỗ cũng có các loài hạt trần khác là Thông tre (Podocarpus neriifolius) và Kim giao lá bầu (Podocarpus wallichi), Pơ mu (Fokienia hodginsii) có đường kính trưởng thành đạt tới D = 60-120cm, H = 25 – 30m, loài Sa mộc (Cunninghamia honishii) thân thẳng, cành thưa và thường cao hơn Pơ mu (Fokienia hodginsii). Phía Nam giông núi là rừng Á nhiệt đới điển hình với các loài Hồi núi (IILicium griffithii), Dẻ lá tre (Quecus bambuseafolia), Chè béo (Annesla te), Thạch đảm (Tutcheria multisepala), Ngũ liệt (Pentaphyllax euryoides), Thông lông gà (Podocarpus), Bạch châu (Gaultheria yunanensis).

Kiểu rừng lùn: Trong phụ này chiếm một diện tích rất nhỏ ở đỉnh Pù Lon trên độ cao 1500 m, cây có thân cằn cỗi, cây có rêu và phong lan bám dày đặc.

Các loại điển hình là: Đỗ quyên (Rhododendron arboreum), Sơn liễu (Clethra sp), Truông treo (Enkianthus sp.), Chè béo (Annesla te) sống cùng với Sặt gai (Lioma ovaolifolia), Nam chúc (Lyonia ovalifolia). Tầng rừng chỉ cao 4, 6m, đường kính không đáng kể, đất có tầng mùn dày chưa phân hóa.Luôn luôn có mây che phủ và ẩm ướt.

Rừng tre nứa: Tre nứa xuất hiện từ độ cao dưới 800 m và phân bố thành đám rộng 150 đến     300 ha rải rác khắp 2 sườn núi. Chắc chắn rằng rừng tre nứa ở đây xuất hiện sau nương rẫy.

Bảo tồn đa dạng loài

Đa dạng loài thực vật Vườn Quốc gia  Pù Mát :

Tổng cộng khoảng 10 000 tiêu bản đã được thu thập. 9000 tiêu bản được thu thập trong năm 1998 gần như đã được giám định xong ở cấp độ loài do một nhóm khoảng 25 nhà phân loại thực vật của Việt Nam thực hiện. Khoảng 1 036 tiêu bản được thu thập trong năm 1999 đã được cán bộ của Vườn Quốc gia  Pù Mát xác định sơ bộ. Tổng cộng có 1 208 loài đã được trình bày trong phụ lục 2.

Điều tra thực vật được tiến hành theo từng khu vực trong Khu bảo tồn. Tuy nhiên do địa hình phức tạp của một số khu vực sâu xa, đặc biệt là những khu vực có độ cao lớn, những vùng rừng hỗn giao, rừng lùn, điều tra được xem là chưa hoàn thành. Dự đoán có thể có rất nhiều loài khác nữa có trong Khu bảo tồn nhưng vẫn chưa được xác định. Hơn nữa là chưa có một điều tra nào được tiến hành trong vùng núi đá vôi và trong vùng đệm, mà chắc chắn trong những vùng này chiếm giữ nhiều loài nhất định do đặc thù của loại rừng này.

Bảng 15: Số họ, chi và loài thực vật đã được giám định của VQG Pù Mát

 

Tổng cộng

Họ

Chi

Loài

Psilotophyta

1

1

1

Lycopodiaceae

2

2

7

Equisetophyta

1

1

1

Polypodiophyta

19

42

69

Gymnospermae

4

4

5

Angiospermae

 

 

 

Dicotyledoneae

112

419

935

Monocotyledoneae

20

76

126

Tổng cộng

159

545

1.144

Loài mới: Các nghiên cứu phân loài trong năm 1999 đã giám định được ba loài mới trong số tiêu bản thu thập được từ Vườn Quốc gia  Pù Mát, bao gồm:

Cleistanthus sp. nov. (Euphorbiaceae)

Phyllagathis sp. nov. (Melastomataceae)

Phrynium pumatensis. (sp. nov.) (Marantaceae)

Một số loài có khả năng là loài mới đang trong quá trình nghiên cứu phân loài.

Bảo tồn đa dạng nguồn gen

 

 

Phát triển kinh tế, văn hóa & xã hội

Tiềm năng khu vực được nghiên cứu đặc trưng ở một bản tại huyện Con Cuông, kết quả như sau: Bản Khe Nóng, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (dân tộc Đan Lai) nằm ở vùng rừng núi thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn Pù Mát, là một trong các cộng đồng kém phát triển nhất của vùng núi phía Bắc. Khe Nóng có đặc điểm địa hình là thung lũng núi, không có đường để giao lưu, khả năng tiếp cận được xem là rất thấp. Khoảng cách từ Khe Nóng đến trung tâm đô thị lớn là       110 km. Cuộc sống của người dân Đan Lai cơ bản là tự cung tự cấp. Họ vẫn sống theo các tập tục truyền thống lâu đời của mình với phương thức canh tác nương rẫy luân canh và thu hái các sản phẩm rừng. 

Khe Nóng có mật độ dân số rất thấp (0,8 người/ha). Mức thay đổi cơ cấu dân số vẫn còn ở mức ban đầu, đường đi xuống của tỉ lệ chết chưa vượt qua được đường đi xuống của tỉ lệ sinh nên tỉ lệ tăng dân số vẫn chưa cao. Chính vì vậy số người có độ tuổi dưới 20 (khoảng 55%) lớn hơn số người có độ tuổi từ 20 đến 59. Cơ cấu dân số trong cộng đồng là cơ cấu dân số trẻ nên dân số vẫn tiếp tục tăng trong thập kỉ tới và lâu hơn nữa. Mong muốn có nhiều con chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng, tỉ lệ gia đình muốn có hơn hai con chiếm khoảng 65%. Điều này cho thấy, chương trình kế hoạch hoá gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết vì tăng trưởng dân số làm tăng mạnh áp lực lên việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên vốn đã cạn kiệt của địa phương cũng như làm tăng nhanh mức độ suy thoái môi trường

Nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất nông nghiệp đang thực sự khan hiếm. Mặc dù Khe Nóng là cộng đồng dân cư có mật độ dân số tuyệt đối thấp nhất nhưng trên thực tế đang phải chịu sức ép gay gắt của áp lực dân số lên nguồn tài nguyên của cộng đồng. Khe Nóng là cộng đồng xếp hạng cao về sự bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tính bền vững của các hệ sinh thái nông nghiệp.

Kết quả khảo sát về mối quan hệ giữa tỉ lệ nghèo, mật độ dân số và sự suy thoái môi trường cho thấy Khe Nóng là nơi có tỉ lệ số hộ thuộc diện dưới mức nghèo khổ cao nhất (100%) lại được xếp là cộng đồng có thực trạng sinh thái tốt nhất. Tất cả các hộ ở Khe Nóng có mức thu nhập bằng tiền mặt và hiện vật trên đầu người ở mức dưới nghèo lương thực, tỉ lệ các hộ thiếu ăn từ một tháng trở lên trong năm khoảng 95%. Mức độ người ở cộng đồng liên quan tới thế giới bên ngoài được xác định bằng sự tiếp cận của họ với thông tin. Người dân ở Khe Nóng tiếp cận thông tin với thế giới bên ngoài chủ yếu qua các cuộc họp ở cộng đồng của mình. Tỉ lệ người tiếp cận thông tin qua nghe đài là rất thấp và xem ti vi là không có. Báo chí không được coi là nguồn thông tin quan trọng vì tỉ lệ biết đọc thấp và những khó khăn trong việc tiếp cận với báo chí. Họ giao lưu với thế giới bên ngoài thông qua việc đi tới chợ gần nhất nằm ở thị trấn. Tỉ lệ % số hộ có thành viên giao lưu với bên ngoài cộng đồng ít nhất là 1 lần/năm thông qua việc đi tới chợ gần nhất là 80%, tới thị trấn là 40%, tới thị xã và Hà Nội là 0%. 

Việt Nam đang trong thời kì phát triển, các chính sách và chương trình của Nhà nước có nhiều tác động đối với các cộng đồng ở vùng núi phía Bắc trong đó có Khe Nóng. Chính sách xây dựng vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm chặt phá rừng, định cư và canh tác cố định có tác động rất lớn tới Khe Nóng. Tuy nhiên chính sách kế hoạch hoá gia đình có tác động rất ít; các chương trình, chính sách tái trồng rừng, phân chia đất đồi, tín dụng nông thôn, nước sạch, điện thế hoá, quỹ ODA phát triển cộng đồng không tác động tới cộng đồng Khe Nóng.

Đóng góp của các hộ gia đình ở Khe Nóng cho các loại chi phí của chính quyền: phần trăm của khoản chi cho thuế so với tổng chi tiêu trung bình của hộ gia đình là 0,0%; phần trăm của khoản chi cho học phí so với tổng chi tiêu trung bình của hộ gia đình là 0,1%. Khe Nóng là một cộng đồng kém phát triển được đặc trưng bằng nền kinh tế tự cung tự cấp, tuy nhiên sự phụ thuộc của người dân địa phương vào kinh tế thị trường trong việc cung cấp những nhu cầu dinh dưỡng cơ bản lại cao nhất trong các cộng đồng vùng sâu của vùng núi phía Bắc. Phần trăm chi phí dành cho mua lương thực trong tổng chi tiêu tiền mặt trung bình của các hộ gia đình là trên 30%. 

Sự phân hoá kinh tế, văn hoá và xã hội  

Sự phân hoá liên quan đến việc các cá nhân, các nhóm trong cộng đồng bị tách khỏi việc tham gia một cách hoàn toàn bình đẳng trong xã hội. Sự công bằng về giới tính và tình hình về người phụ nữ cho thấy nhìn chung nữ giới vẫn có vị trí phụ thuộc vào nam giới, có ít quyền tự chủ và quyền lực hơn, nhưng trách nhiệm đối với việc chăm sóc gia đình của họ lại cao hơn. Trong nhiều trường hợp, họ làm việc nặng nhọc hơn người chồng. So sánh khối lượng công việc giữa nam và nữ trong các hộ gia đình ở Khe Nóng như sau: người chồng làm việc nhiều hơn vợ 20%, người vợ làm việc nhiều hơn chồng 45%, cả hai làm việc như nhau 35%. Trong cộng đồng có khuynh hướng rõ ràng trong thiện ý dành cho con trai sự ưu tiên hơn so với con gái đối với các cơ hội giáo dục (sự ưu tiên cho con trai là 95%, con gái là 5%).   

Sự phân hoá các hộ gia đình trong phân bố thu nhập và sở hữu đất đai: mặc dù Khe Nóng là một cộng đồng rất nghèo nhưng khoảng cách giữa 20% hộ gia đình giàu nhất và nghèo nhất khá lớn. Thu nhập của hộ gia đình trên đầu người của nhóm giàu nhất gấp 10 lần nhóm nghèo nhất.  

Hiện trạng phát triển của cộng đồng về tình hình phát triển tổng thể được đánh giá theo 12 tiêu chí sau:

–  Thu nhập tiền mặt: rất thấp, phần trăm các gia đình có thu nhập hàng năm dưới một triệu đồng là 100%.

–  An toàn lương thực: rất thấp, phần trăm các hộ gia đình có đủ lương thực cần thiết cho cả năm là 0%.

–  Giáo dục: rất thấp, phần trăm số người có tuổi từ 7 trở lên có đi học là 12%.

–  Tình hình sức khoẻ: rất thấp, số căn bệnh trung bình/hộ gia đình là 5/1.

–  Tiếp cận các dịch vục chăm sóc sức khoẻ: trung bình, phần trăm hộ gia đình sử dụng phòng khám chữa bệnh và bệnh viện là 45%.

–  Áp dụng kế hoạch hoá gia đình: phần trăm phụ nữ hiện tại sử dụng kế hoạch hoá gia đình là 30%.

–  Tiếp cận nguồn nước sạch: rất thấp, phần trăm hộ gia đình có nước sạch trong mùa khô là 0%.

–  Vệ sinh: trung bình, phần trăm hộ gia đình có nhà xí là 45%.

–  Sử dụng điện: rất thấp, phần trăm hộ gia đình đã nối với mạng lưới điện hoặc máy phát điện nhỏ là 0%.

–  Tiếp cận thông tin: rất thấp, phần trăm hộ gia đình nghe radio hoặc tivi là 20%.

 

–  Tiếp cận giao thông: rất thấp, phần trăm hộ gia đình có xe đạp và xe máy là 0%.

 

–  Giao lưu ngoài xã: thấp, phần trăm hộ gia đình đã đến thị trấn trong năm trước (năm 2000) là 40%.

 Khe Nóng thuộc cộng đồng kém phát triển, xếp vị trí thấp nhất trong các cộng đồng vùng sâu của vùng núi phía Bắc. Tiềm năng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế bền vững về mặt sinh thái và văn hoá xã hội cho thấy Khe Nóng nằm ở vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên, có diện tích rừng nguyên sinh và thứ sinh rộng, chiếm 79,5% diện tích, phần còn lại là tre nứa, cây bụi, cỏ và đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp được chia thành hai loại, đó là ruộng lúa nước (chẳng hạn như ruộng tưới tiêu và ruộng nhờ mưa) và đất nông nghiệp nương rẫy (nơi canh tác lúa, ngô và sắn). Sau khi canh tác một vài năm, những diện tích đất này bị bỏ hoang, cây bụi và tre nứa phát triển tự nhiên và có thể trở thành rừng hỗn hợp nếu không bị chặt phát. Sau nhiều năm, những diện tích rừng này có thể lại bị khai hoang và sử dụng cho nông nghiệp.

Khe Nóng có tới 7 kiểu lớp phủ thảm thực vật: rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh lá rộng thường xanh, rừng tre nứa tự nhiên, cây bụi lá rộng thường xanh, cỏ cao, cỏ thấp, ruộng lúa nước, nương rẫy. Trong 7 kiểu này thì rừng lá rộng thường xanh (bao gồm rừng nguyên sinh và thứ sinh) không chịu sự tác động của con người. Bốn kiểu trong số trên là rừng tre nứa tự nhiên, cây bụi lá rộng thường xanh, cỏ thấp và cỏ cao có thể phát triển tự nhiên (cũng có thể là trong quá trình phục hồi rừng thứ sinh, hoả hoạn v.v.) hoặc do con người tạo nên (có thể là tái sinh sau quá trình khai thác gỗ hoặc kết quả của việc phát nương làm rẫy). Chỉ có hai loại ruộng lúa nước và nương rẫy là do con người tác động hoàn toàn.              

Khe Nóng có diện tích rừng tự nhiên lớn, tất cả các loại rừng ở Khe Nóng có diện tích trung bình là 34 ha, chứng tỏ đó là một khu vực rộng lớn có nhiều rừng kế tiếp nhau. Sự phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững trong khu DTSQ đề xuất là cơ hội để cải thiện đời sống của người dân Đan Lai.

Phát triển du lịch

Loại hình du lịch 

Giá trị cảnh quan rất phong phú và đặc sắc của toàn vùng từ Pù Hoạt xuống Pù Huống và tới Pù Mát. Từ những dãy núi Pù Hoạt – Pù Pha Lâng – Pù Nhích – Pù Phà Nhà kéo dài xuống Pù Khạng, Pù Huống, đỉnh cao trên 1.500 m nối tiếp nhau (đỉnh cao nhất 2.452 m) trên lưu vực sông Cả về phía Bắc; dãy núi Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đin, Pù Mát, Cao Vều trên lưu vực sông Cả về phía Nam, với nhiều đỉnh cao trên 1000 m; hệ thống sông suối của lưu vực sông Cả không chỉ tạo nên cảnh quan độc đáo, còn đậm nét các vùng văn hóa nhân văn bản sắc tộc người Thái (ven sông Hiếu, sông Nậm Mô, sông Khe Thơi), tộc người Ơ Đu (ven sông Nậm Nơn), tộc người Đan Lai (sông Khe Choang), và đan xen nhiều nền văn hóa ven dòng sông Cả. Giá trị cảnh quan thiên nhiên và giá trị bản sắc các nền văn hóa gắn liền với tiềm năng du lịch.

Bảng 20: Đề xuất các tuyến, điểm du lịch kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên và các giá trị văn hóa địa phương

Tuyến – Điểm

 

Giá trị văn hóa

 

địa phương

 

Nội dung bảo tồn

 

thiên nhiên

Dọc sông Hiếu vào sông Cả

 

Đặc sắc văn hóa tộc người Thái

 

 

Vùng quế Kim Sơn, Quế Phong

 

Xen kẽ các sắc thái tộc người Khơ Mú, H’ Mông, Kinh

 

Rừng già trên các dãy núi cao

 

 

Hang động núi đá vôi

 

Thác nước

Dọc sông Nậm Nơn tới ngã ba Nậm Mô vào đầu sông Cả

 

Đặc sắc địa vực tộc người Ơ Đu

 

 

Dấu tích nền văn hóa Ơ Đu cổ đại, giao lưu trên sông, đánh bắt thủy sản

 

Vị trí Thủy điện Bản Vẽ

 

Rừng già trên các dãy núi cao

 

 

Hang động núi đá vôi

 

Thác nước

Dọc sông Cả từ Cửa Rào xuôi dòng qua địa phận Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn

 

Đặc sắc văn hóa vùng miền xen ghép các tộc người Thái – Kinh – Khơ Mú, đan xen các loại hình canh tác

 

Thị trấn, thị tứ, làng xã

 

Rừng trên các dãy núi ven sông

 

 

Hang động núi đá vôi

 

 

Thác nước

 

Những khu rừng thuần loại tự nhiên như Săng Lẻ, Mét

 

Các tuyến thám hiểm

 

 

Khe Thơi, Khe Choang

 

 

Ngược dòng Nậm Nơn

 

Chinh phục các đỉnh cao trên các dãy Pù Hoạt, Pù Huống, Pù Mát

 

Các địa vực cư trú cổ đại của các tộc người Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai

 

Tìm hiểu hệ thống kiến thức bản địa

 

Sinh cảnh rừng nguyên sinh, thứ sinh

 

Các loài cây, con hiếm quí, đặc trưng

 

 Phát triển du lịch sinh thái lồng ghép các nội dung du lịch văn hóa, có sự tham gia đích thực của các cộng đồng tộc người bản địa, là một trong những thế mạnh thúc đẩy phát triển bền vững toàn vùng. Hoạt động du lịch với các mục tiêu nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đem lại những lợi ích an sinh thực sự cho địa phương có Khu dự trữ sinh quyển.

Bên cạnh hiệu quả bảo tồn và tôn tạo những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ còn liên quan chặt chẽ tới bảo tồn những sinh cảnh (Natural Habitats) cho đa dạng sinh học, đặc biệt quan trọng đối với bảo tồn sinh cảnh cho các nguồn gen nhiều loài hiếm quí. Một chương trình tổng quan về phát triển du lịch dựa trên mối quan hệ giữa bảo tồn thiên nhiên và các giá trị văn hóa địa phương đã và đang được nghiên cứu phát triển.

 Lợi ích của các hoạt động kinh tế

Phạm vi liền khoảnh của 2 khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống và Vườn quốc gia Pù Mát với tổng diện tích đất đai tự nhiên (bao gồm cả vùng lõi và vùng đệm gần 500 000 ha, số dân gần 200 000 người, với những giá trị tài nguyên và cảnh quan, văn hóa nhân văn bản sắc, cơ sở hiện thực của phát triển theo các mục tiêu của chương trình “Con người và sinh quyển”.

Nhà nước đã quyết định xây dựng công trình thủy điện trên sông Nậm Nơn (trung tâm địa vực Ơ Đu) có tên gọi Thủy điện Bản Vẽ, khởi công đầu năm 2006 và sẽ hoàn thành 2010, cốt nước dâng 200 m, diện tích mặt nước hồ 4500 ha, công suất 75,5 MW.

Những tiềm năng của văn hóa nhân văn truyền thống, tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên, các công trình quy mô lớn trong tương lai, là những điều kiện khả thi thiết lập một khu vực phát triển bền vững, trong đó các yếu tố tự nhiên và xã hội thực sự tác động tích cực lẫn nhau thúc đẩy tiến trình này.

I. Nghiên cứu và giám sát

  1. Chương trình nghiên cứu và giám sát trong quá khứ và dự kiến trong tương lai đã được thiết kế ở mức độ nào nhằm trả lời những câu hỏi quản lý cụ thể trong Khu dự trữ sinh quyển tiềm năng?
  • Nghiên cứu và giám sát “vô sinh” (abiotic) [ khí hậu học, thủy văn học, địa mạo học …]

Dự án Tăng cường cơ sở vật chất và năng lực bảo tồn do Chính phủ Việt Nam tài trợ.

  • Nghiên cứu và giám sát “Hữu sinh” (biotic) [thực vật, động vật]

–  Dự án Lâm nghiệp xã hội và Bảo tồn thiên nhiên tỉnh Nghệ An (SFNC): ALA/VIE/94/24 do Cộng đồng Châu Âu cùng Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ  cho Vườn quốc gia Pù Mát.

–  Dự án Nâng cao kiến thức năng lực để bảo vệ một số loài thực vật quý hiếm tại vùng đệm Khu bảo tồn cho cán bộ BQL và người dân địa phương do SNV tài trợ, thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12/2003.

–  Dự án Bảo vệ rừng và quản lý đầu nguồn ở một số xã vùng đệm do DANIDA tài trợ, thời gian thực hiện 2002-2006. Hoạt động của Dự án tập trung vào: hỗ trợ thành lập câu lạc bộ bảo vệ động vật rừng, đào tạo cho cán bộ BQL, trồng rừng, tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

–  Dự án 661 khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên tại một số vùng đệm Khu bảo tồn do các lâm trường và ban quản lý rừng phòng hộ vùng đệm thực hiện. Chương trình giao đất lâm nghiệp các xã vùng đệm đã và đang được thực hiện.

–  Dự án nghiên cứu đa dạng sinh học tại rừng Pù Hoạt, sự hợp tác giữa Frontier Việt Nam và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam được tiến hành trong năm 1999.

  • Nghiên cứu kinh tế xã hội [nhân khẩu học, kinh tế học, kiến thức truyền thống …]
  1. Tóm tắt những hoạt động nghiên cứu và/hay giám sát đang diễn ra:

Vườn quốc gia Pù Mát:

Đã tiến hành điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học của Vườn trong 2 đợt: từ tháng 5 đến tháng 10/1998 và từ tháng 4 đến tháng 11/1999 với sự tham gia của 55 nhà khoa học gồm: các nhà khoa học Việt Nam thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia; Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Viện điều tra qui hoạch rừng; các chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam, các tư vấn quốc tế, các nhà phân loại học Việt Nam, Anh và Mỹ và 17 cán bộ của Vườn quốc gia Pù Mát thực hiện. Kết quả thu được trong các đợt điều tra này bao gồm:

–  Về thực vật: hơn 10 000 tiêu bản đã được thu thập; 1 144 loài thực vật đã được định loại bởi 26 nhà phân loại học Việt Nam; 26 ô tiêu chuẩn thực vật đã được thiết lập.

–  Bướm ngày: 1 855 tiêu bản đã được thu thập; 305 loài đã được ghi nhận.

–  Bướm đêm: 83 loài Bướm sừng và 11 loài Bướm hoàng đế đã được xác định.

–  Lưỡng cư, Bò sát: đã xác định được 23 loài lưỡng cư, 11 loài rùa, 12 loài thằn lằn và 25 loài rắn.

–  Thú nhỏ: khoảng 20 loài thú nhỏ đã được xác định. Công việc định loại chưa hoàn tất. Đây là nơi có số loài thú nhỏ cao nhất khu vực Đông Dương.

–  Dơi: tổng cộng 3600 cá thể dơi đã được bắt. Có ít nhất 39 loài dơi đã được xác định. Nơi đây có cấp độ đa dạng loài dơi lớn nhất châu Á vì vậy đây cũng là nơi có cấp độ quan tâm nhất của quốc tế về bảo tồn dơi.

–  Thú lớn: Có 42  loài thú lớn đã được xác định có ở Vườn. Bẫy ảnh đã được sử dụng rộng rãi trong 2 năm 1998 và 1999, 26 loài thú lớn đã được phát hiện bằng cách này; trong đó có cả Hổ (Panthera tigris), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Thỏ vằn Trường sơn (Nesolagus sp), Mang đen trường sơn (Muntiacus truongsonensis) và Cầy vằn (Chrotogale awstoni). Các chủng quần Voi (Elephas maximus) và Sóc bụng xám (Callosciurus inornatus) có thể là những quần thể lớn nhất ở Việt Nam.

–  Chim: Đã phát hiện 295 loài chim có trong vườn (kể cả các loài chim di trú).

–  Cá: 122 tiêu bản cá đã được thu thập; 51 loài cá đã được xác định có trong vườn.

Sau khi đã công bố kết quả điều tra đa dạng sinh học trong 2 năm 1998 và 1999, vào năm 2001 tiếp tục có các điều tra, nghiên cứu lập các chương trình bảo tồn loài hoặc nhóm loài, cụ thể:

Điều tra lập dự án bảo tồn hổ do 4 nhà khoa học thuộc Trường Đại học lâm nghiệp, Viện điều tra qui hoạch rừng và Viện Sinh thái, Tài nguyên sinh vật thực hiện đã tiến hành trong 14 tháng.

Nghiên cứu phân bố, sinh thái và các giải pháp bảo tồn Gấu ở Vườn của 2 nhà khoa học Phạm Nhật và Đỗ Tước tiến hành trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12/2002.

–  Điều tra thú lớn do Phòng khoa học, Vườn quốc gia Pù Mát thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2001 đến tháng 4/2002, đã phát hiện 30 loài thú lớn.

–  Nghiên cứu tính đa dạng của khu hệ thú, ảnh hưởng của con người và các giải pháp bảo tồn tài nguyên thú ở Vườn quốc gia Pù Mát do Phòng khoa học của vườn thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2003. Đã phát hiện 132 loài thú, phân bố của chúng ở các sinh cảnh, ảnh hưởng của con người đến khu hệ thú và đề xuất các giải pháp quản lí và phát triển bền vững nguồn tài nguyên này.

–  Điều tra thành phần loài, đặc điểm phân bố, tình hình đánh bắt cá trong Vườn quốc gia Pù Mát và đề xuất các giải pháp khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên Cá do 2 nhà khoa học thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội thực hiện trong thời gian từ 26/6 đến 20/8/2002. 82 loài cá đã được phát hiện, phân bố của chúng ở các sinh cảnh, các mối hiểm hoạ đối với nguồn lợi cá và các biện pháp bảo tồn cá đã được đề xuất.

–  Điều tra đa dạng rùa trong Vườn quốc gia do các nhà khoa học thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội thực hiện trong năm 2002. Đã phát hiện 15 loài rùa phân bố trong Vườn quốc gia.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống:

Đã tiến hành điều tra cơ bản thành phần loài, phân bố và tình trạng khu hệ chim ở Pù Huống trong năm 2004: đã thống kê ở đây có 129 loài chim. Trước đó, vào năm 2000, Nguyễn Cử đã thống kê 176 loài chim ở đây.

Đã tiến hành nghiên cứu Sao La (Pseudoryx nghetinhensis), Nai (Cervus unicolor) và ba loài Mang tại Khu bảo tồn Pù Huống được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2004. Đây là sự hợp tác giữa Bảo tàng động vật Copenhagen, Đan Mạch với bộ môn Động vật học, Trường Đại học Vinh. Đã điều tra về phân bố và xác định sinh cảnh sống của các loài này trong Khu bảo tồn.

Đã tiến hành điều tra đa dạng sinh học các nhóm cá, lưỡng cư, bò sát do các nhà khoa học thuộc bộ môn Động vật học, Trường Đại học Vinh thực hiện trong năm 2005. Đã phát hiện  ……. loài cá, 26 loài lưỡng cư, 64 loài bò sát.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt:

Đã tiến hành điều tra đa dạng sinh học của khu bảo tồn được thực hiện bởi Frontier Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 12/1999.

Về thực vật: tập trung nghiên cứu vùng lõi; phát hiện Sa mu (Cunninghamia konishii) và Pơ mu (Fokienia hodginsii) có tiềm năng lớn.

Về chim: đã quan sát thấy 150 loài chim, có nhiều loài quí hiếm.

Thú: Viện điều tra qui hoạch rừng đã phát hiện 45 loài thú (không kể dơi). Frontier chỉ tập trung điều tra dơi, đã phát hiện 24 loài dơi thuộc 5 họ khác nhau.

Lưỡng cư: đã phát hiện 31 lài thuộc 5 họ. Mức đa dạng lưỡng cư ở Pù Hoạt cao hơn ở các nơi khác của Việt Nam.

Côn trùng: Bướm: chưa định loại xong nhưng rất phong phú; Ngài: sơ bộ đã xác định có 59 loài. Có tiềm năng lớn về nhóm này;  Kiến: có 53 loài thuộc 27 giống, 7 họ đã được phát hiện.

Đã tiến hành điều tra về xã hội học do 2 chuyên gia của Frontier thực hiện. Đã điều tra về sản xuất nông nghiệp và thu nhập, các thu nhập khác, giao đất giao rừng, giáo dục, y tế. Các công trình đã điều tra về những hiểm hoạ đối với đa dạng sinh học trong vùng. Kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa VQG và cộng đồng cho thấy:

Việc thành lập VQG: 32% người được phỏng vấn cho rằng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân địa phương, 26% cho rằng có ảnh hưởng và ảnh hưởng nhiều, còn lại cho rằng ảnh hưởng ít (16%) hoặc không có ý kiến về vấn đề này. Qua đó nhận định đa số cho rằng việc thành lập VQG là có ảnh hưởng đến của người dân địa phương.

79% cán bộ các ban ngành liên quan cho rằng mối quan hệ của VQG và cộng đồng là tốt và rất tốt, số còn lại cho rằng quan hệ là bình thường (10%) hoặc không có ý kiến, rất ít người cho rằng mối quan hệ đó là kém. Tất cả đều cho rằng VQG phải có mối quan hệ này vì mục tiêu chung BVR là trách nhiệm không chỉ của riêng VQG mà là trách nhiệm của toàn dân, cộng đồng là một lực lượng lớn, quan trọng và cụ thể nhất.

Vai trò của công tác dân vận: mọi người đều nhất trí rằng công tác này có vai trò rất quan trọng vì trong VQG vẫn còn có người dân sinh sống, giúp người dân địa phương hiểu rõ vai trò của VQG để từ đó có được ý thức bảo vệ rừng vì phần lớn người dân địa phương có trình độ dân trí và nhận thức thấp, ít hiểu biết. Công tác dân vận có vai trò đẩy lùi vi phạm, người dân sẽ biết làm thế nào để chấp hành tốt pháp luật. Giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, dần dần không phụ thuộc vào rừng, đó là giảm áp lực đối với rừng.

Hình thức và nội dung của công tác dân vận: thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan ban ngành để cùng tuyên truyền, vận động người dân không đốt nương làm rẫy, sử dụng lại những rẫy hoang, không săn bắt ĐVHD, khai thác gỗ, không xâm phạm rừng. Hiệu quả của công tác này là người dân đã ít vào rừng hơn, biết chăm lo ruộng lúa nước, ý thức pháp luật của người dân đã tốt hơn trước (63%). Tuy nhiên công tác này vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ vì thiếu nhân lực, vật lực, đôi khi trình độ của cán bộ tuyên truyền chưa cao, hiệu lực lời nói thấp.

Để công tác này được tốt hơn, VQG nên có cơ chế đồng trách nhiệm với trưởng thôn trong phối hợp, tuyên truyền, giáo dục nhân dân, có khen thưởng, động viên cán bộ nhân dân đạt thành tích tham gia bảo vệ rừng, thường xuyên phối hợp với các ban ngành, các cấp, cán bộ của VQG phải thường xuyên đi xâu sát và tìm hiểu người dân, cộng đồng có cách thức tuyên truyền, phù hợp.

Người dân giúp đỡ cho VQG trong công tác BVR: cố gắng hiểu biết pháp luật và chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về quản lý và BVR, có tinh thần đấu tranh, chống lại các hoạt động xâm hại rừng, giúp đỡ LLKL trong đấu tranh, truy quét đồng thời vận động, tuyên truyền cho con em và bà con dân bản tích cực hưởng ứng, tham gia, kí cam kết không vi phạm.

Các cộng tác VQG để bảo vệ rừng: cần làm việc với cộng đồng như tuyên truyền, gần gũi với dân, giúp cho dân hiểu và có được nhận thức đúng đắn, kết hợp với cộng đồng trong công tác chuyên môn, giúp cộng đồng phát triển kinh tế xã hội, kinh tế gia đình, áp dụng các mô hình phát triển kinh tế cho cộng đồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư vốn và con, cây giống, phân bón.

Ý kiến của các ban ngành khi người dân tham gia đồng quản lý VQG: ý thức nuôi trồng, phát triển kinh tế gia đình đã tăng lên, nhiệt tình tham gia các công tác mà VQG cần phối hợp, ý thức bảo vệ rừng tốt hơn, hành vi chấp pháp nghiêm chỉnh hơn, tuy nhiên khi người dân còn chưa nhận thức về vai trò của VQG, vai trò quản lý thì công tác đồng quản lý với họ sẽ không có hiệu quả. Theo các quản lý này, tất cả các cán bộ của ban ngành liên quan đều cho rằng VQG sẽ được bảo vệ tốt hơn, mức độ đồng ý là 47% và rất đồng ý là 53%. Lý do của sự đồng ý đó vì lực lượng quần chúng nhân dân là một lực lượng đông đảo, họ hiểu về địa hình rất tốt, nắm rõ được tình hình của tài nguyên và cộng đồng, do đó cần phải phối hợp và tôn trọng tiêu chí “Lấy dân làm gốc”, ngoài ra, việc phát triển VQG cũng là cách để cải thiện đời sống, nhận thức của nhân dân và giúp đỡ cộng đồng, không phụ thuộc vào rừng, không đói nghèo như trước.

Để đảm bảo tốt hợp tác này, VQG nên có chế độ chính sách hợp lý đầu tư đúng chỗ, thưởng phạt phân minh, xây dựng mối quan hệ gắn bó, ràng buộc, thường xuyên tiếp xúc, giao lưu, tôn trọng ý kiến cộng đồng, quyền lợi đề cao trong các chính sách và cộng tác.

Về thực thi pháp luật: VQG được công báo ở cấp quốc gia, đó là ý kiến của 87% cán bộ ở các ban ngành liên quan được phỏng vấn, số còn lại cho rằng VQG Pù Mát được công báo ở cấp tỉnh (13%). Đa số cán bộ của ban ngành này đều khẳng định rằng VQG Pù Mát thuộc cấp quản lý là UBND tỉnh Nghệ An, phần lớn đều nhất trí rằng không cần thay đổi cấp quản lý, một số ít người trả lời cho rằng nên thay đổi cấp quản lý lên Trung ương, để Trung ương quản lý vì như thế sẽ xứng đáng với tầm cỡ của VQG hơn.

Những hoạt động được ưu tiên để thực thi pháp luật: quản lý, vận động và cảm hoá, giáo dục tại cộng đồng để tranh thủ quần chúng nhân dân, giúp VQG bảo vệ rừng tốt, tránh xung đột, va chạm không cần thiết gây hận thù, mất đoàn kết, xử lý nghiêm minh những vụ vi phạm, tăng cường tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng.

Nhận xét: một nửa số phiếu hồi âm không nêu lên được các hoạt động cần thiết, họ chưa nhận thấy rằng phải chọn mục tiêu là tâm lý của người dân, cần phải cảm hoá, vận động để người dân tự hiểu ra ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, tự nhận thấy hậu quả của sai phạm để từ đó công tác thực thi pháp luật mới có hiệu quả.

Hầu hết đều cho rằng LLKL để thực thi pháp luật ở VQG Pù Mát (76%), và tất cả đều khẳng định rằng khi thực thi pháp luật thì LLKL Pù Mát cần phối hợp với lực lượng của cộng đồng và có quyền bắt giữ các đối tượng vi phạm hoặc tình nghi.

95% cán bộ của các ban ngành liên quan đều cho rằng buôn bán ĐVHD là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, chống buôn bán ĐVHD là việc mà VQG nên tham gia, tất cả các cán bộ này đều hưởng ứng chống lại và cho rằng bản thân sẵn sàng tham gia. Theo quy định của Nhà nước và Pháp luật thì mọi công dân đều có quyền tham gia vào việc chống buôn bán ĐVHD ở các hình thức khác nhau như tố giác, chứng kiến – xác nhận, hỗ trợ tư pháp, trực tiếp xử lý.

Những khó khăn khi đối phó với việc buôn bán ĐVHD: kẻ buôn bán thường lợi dụng những khe hở trong các ngành chức năng; hình thức buôn bán rất đa dạng, tinh vi, táo bạo và có đường dây tiêu thụ, đôi khi còn có người trong các ngành chức năng tiếp tay; mức độ diễn ra của hoạt động này không thường xuyên, khó kiểm soát; các ban ngành chức năng chưa có nghiệp vụ để phát hiện hay bắt giữ (nhiều ban ngành còn chưa có thẩm quyền bắt giữ); lực lượng kiểm soát ngăn chặn mỏng, địa bàn hoạt động quá rộng lớn, địa hình phức tạp, kinh phí hoạt động eo hẹp.

Hầu hết đều nhận định rằng VQG có các biện pháp để đối phó lại với việc buôn bán ĐVHD (94%): các biện pháp hành chính, công khai như thông báo, cấm, phổ biến các văn bản pháp luật, xử lý vi phạm tại các thôn bản, đặt các biển cấm trong rừng, mua thông tin tại bản (khen thưởng, kể cả bằng tiền mặt những hành động tố giác, cung cấp thông tin), phạt nặng, thậm chí khởi tố những người buôn bán, săn bắt. Những biện pháp này đem lại hiệu quả cao và rất cao, đó là nhận xét của 95% cán bộ của các ban ngành liên quan.

60% cán bộ của các ban ngành liên quan được phỏng vấn cho biết đã tham gia truy quét, phối hợp với LLKL của Pù Mát, của các Hạt kiểm lâm các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương và các khối liên ngành như công an, biên phòng. Đa phần họ cho rằng lực lượng truy quét hiện đã đủ mạnh, tuy nhiên một số cho rằng còn chưa thường xuyên hoặc lực lượng còn mỏng, chưa đủ mạnh để đảm bảo việc truy quét đạt hiệu quả cao.

Để thực hiện tốt công tác này, VQG và cán bộ của các ban ngành liên quan cần được hỗ trợ về các thiết bị và công cụ, phương tiện truy quét, kinh phí cho hoạt động, phát động quần chúng nhân dân tham gia, ủng hộ, tăng cường huấn luyện nhiệm vụ, tinh thần làm việc, nghiêm khắc, trung thực, thẳng thắn.

Cơ quan hỗ trợ cho các hoạt động này là VQG, dự án, đồn biên phòng, phòng công an huyện, huyện uỷ, UBND các cấp, khối dân, chính quyền địa phương và phòng thuế.

Về du lịch sinh thái: Kết hợp du lịch với bảo vệ thiên nhiên, môi trường, khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán và nét đẹp văn hoá của cộng đồng địa phương. “DLST là dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia của cộng đồng địa phương” – Nguyễn Thị Lan, Phòng Thương mại.

Chỉ có 11% cán bộ của Vườn hiểu được cả hai khía cạnh của DLST: Du lịch thiên nhiên và Du lịch sinh thái bản địa. Còn lại hầu hết cán bộ đều chỉ nói đến vấn đề tham quan du lịch thiên nhiên, thưởng thức cảnh đẹp mà không đề cập đến vấn đề văn hoá bản địa, ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên. Vấn đề này cũng là một điều cần phải xem xét đối với cán bộ của VQG để phát triển mảng DLST, cán bộ của Vườn cần phải hiểu cặn kẽ DLST ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đó là điều kiện để cán bộ của Vườn tuyên truyền về DLST cho người dân địa phương và quảng bá DLST của Pù Mát cho du khách khắp nơi trong tỉnh, trong nước và quốc tế. 100% cán bộ của Vườn đều đánh giá tiềm năng của VQG từ trung bình trở lên, trong đó tiềm năng cao và rất cao chiếm 80% tổng số ý kiến.

Cơ sở để phát triển DLST: dựa trên những giá trị hiện có, đồng thời tái tạo lại một số cảnh quan, có sự đầu tư thích đáng, đáp ứng kịp thời nhằm thu hút khách du lịch; Pù Mát có nhiều cảnh quan đẹp trong thiên nhiên, có nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc trong cộng đồng địa phương, cùng với các làng nghề, di tích lịch sử văn hoá (cây đa Cồn Chùa, Trà Lâm), hệ động thực vật rừng có mức độ đa dạng sinh học cao, nhiều loài quý hiếm. Pù Mát là điểm đầu tư, hỗ trợ kinh phí và nhân lực từ nhiều chương trình, dự án.

Vai trò của VQG: là nơi có những cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo tiềm năng cho DLST, VQG là cơ quan quản lý, phát triển DLST, quảng bá và kêu gọi đầu tư DLST, là một phần cảnh quan trong hệ thống du lịch của Nghệ An và cả nước.

Lợi ích từ DLST: tạo nguồn thu đáng kể phục vụ cho các hoạt động của VQG, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đệm, phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển, bảo tồn văn hoá bản địa, giáo dục, nâng cao nhận thức của du khách về tầm quan trọng của rừng, hệ sinh thái tự nhiên, giải trí, nâng cao sức khoẻ con người.

Để phát triển DLST, VQG cần tìm hiểu: giá trị của đa dạng sinh học, công tác quản lý BVR, các điểm đến của DLST trong vườn, nét đẹp văn hoá trong các cộng đồng dân tộc địa phương, các ngành nghề truyền thống, hoạch định và quản lý các loại hình du lịch, đầu tư phát triển để thu hút khách, tìm hiểu về dân sinh kinh tế, khả năng thích ứng của địa phương, mức ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Kế hoạch phát triển DLST: giới thiệu về DLST, các danh lam thắng cảnh, cảnh quan du lịch, văn hoá ẩm thực đặc sắc của địa phương, của Vườn với du khách để thu hút; xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, lập tuyến du lịch dài ngày, ngắn ngày, trong ngày (ăn ngủ, sinh hoạt cùng cộng đồng địa phương), tạo ấn tượng đẹp về Pù Mát trong lòng khách du lịch; đánh giá tiềm năng và hiện trạng DLST; xác định mức độ mong muốn, lên kế hoạch đầu tư, xây dựng “chiến lược DLST”.

Ưu tiên các nghiên cứu khoa học ở VQG Pù Mát: phát triển du lịch tổng thể, tiềm năng DLST, tác động của người dân, đa dạng sinh học và vấn đề bảo tồn, phát triển vốn gen quý hiếm, tiềm năng cây thuốc dược liệu.

Tài nguyên khác: tiềm năng cây thuốc, nguồn gen động thực vật quý hiếm; tiềm năng du lịch mạo hiểm – thám hiểm, sản phẩm truyền thống của các làng nghề trong cộng đồng dân tộc địa phương, tiềm năng về dịch vụ.

Lí do chưa sử dụng tiềm này: VQG mới được chuyển hạng, chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ, phụ thuộc vào vốn đầu tư của dự án, quảng bá về du lịch còn hạn chế, giao thông và cơ sở hạ tầng thấp kém → thiếu cả tài lực và vật lực, công tác nghiên cứu chưa được quan tâm, đầu tư thoả đáng. Theo những ý kiến đóng góp của 68% số cán bộ trả lời phỏng vấn thì hướng sử dụng nguồn tài nguyên này là thu hút đầu tư của cá nhân, tổ chức, các nhà khoa học; từng bước đầu tư phát triển, hoàn thiện, khai thác tiềm năng có hiệu quả, bền vững; cố gắng bảo vệ giữ gìn.

Mối đe doạ đối với VQG: theo thang cho điểm từ 1 – không nghiêm trọng đến 5 – rất nghiêm trọng, thứ tự các mối đe doạ: săn bắn (5), khai thác gỗ (4,2), tăng dân số (3,9), cháy rừng (3,6), di dân tới (3,3) và mở rộng nông nghiệp (3,3). Các mối đe doạ khác như lấy củi, khai thác vàng, khai thác sản phẩm phi gỗ, cầu đường, thuỷ điện mức độ nguy hại không cao.

Lí do: đa số cán bộ cho rằng những nhận xét đó nhìn trên phương diện thực tế của địa phương, sức ép dân số vẫn còn, nạn khai thác gỗ chưa hoàn toàn dẹp bỏ được, đời sống nhân dân vùng đệm còn quá khó khăn, trình độ dân trí thấp, vẫn còn những tác động vào rừng, chủ yếu là săn bắn, khai thác gỗ (những sản phẩm có giá trị thương mại cao), một số bản ở quá gần, thậm chí ngay trong vùng lõi, phong tục tập quán cũ còn chưa thay đổi, một số lí do khác dựa trên điều tra thực trạng tiêu thụ và hiện trường sau tác động của rừng.

Đa số các nguyên nhân trên do người địa phương gây ra, một số là người từ nơi khác đến: 53% nguyên nhân săn bắn, 76% khai thác sản phẩm phi gỗ, 66% khai thác gỗ, 50% xây dựng cầu đường, thuỷ điện, 57% di dân tới, 82% tăng dân số, 74% mở rộng nông nghiệp, 70% cháy rừng, 72% củi đốt, 46% khai thác vàng do người địa phương gây ra. Để giảm thiểu tác động này: tăng cường tuần tra, thực thi pháp luật, bố trí các trạm kiểm lâm tại các cửa rừng, nâng cao đời sống và nhận thức của người dân, hỗ trợ và phát triển kinh tế, tuyên truyền.

VQG có nguồn lực để giải quyết vấn đề này: LLKL và hỗ trợ của các lực lượng khác: công an, biên phòng, chính quyền và nhân dân địa phương, có hành lang pháp lý làm cơ sở, tuy nhiên lực lượng còn mỏng và hạn chế. Vì thế cần có sự tăng cường cho kiểm lâm (nhân sự, quyền lực, kinh tế và phương tiện hoạt động), tăng cường tuần tra giám sát, BVR, tăng cường các mối quan hệ, tranh thủ các mối quan hệ với các cấp, ban ngành liên quan (biên phòng, công an, chính quyền và nhân dân địa phương).

Thành lập khu dân cư mới: 93% cho rằng việc thành lập khu dân cư mới có ảnh hưởng đến VQG, trong đó ảnh hưởng tốt chiếm 46%, ảnh hưởng xấu là 23%, số cho rằng có cả hai mặt của ảnh hưởng chiếm 31% → nhận thức của cán bộ VQG vẫn còn chưa thấu đáo. 92% khẳng định rằng việc du canh du cư là một nguyên nhân dẫn đến giảm diện tích rừng.

Khai thác vàng cũng là một nguyên nhân làm giảm diện tích rừng, tác động mạnh vào môi trường tự nhiên, làm giảm đa dạng sinh học, gây nhiều tệ nạn xã hội.Tuy nhiên hiện trạng này không xảy ra (hoặc ít xảy ra) ở Pù Mát. Hầu hết cán bộ của Vườn đều nhận thấy tác hại của hoạt động này nhưng cũng đều khẳng định không xảy ra ở Pù Mát, trong đó 88% khẳng định đây là một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên chỉ có 65% cán bộ của Vườn cho rằng đây là một mối đe doạ đối với VQG Pù Mát. Điều đó là sự mâu thuẫn trong cách suy nghĩ của cán bộ VQG. Lí do khẳng định điều này: khai thác vàng tác động mạnh đến môi trường xung quanh, làm ô nhiễm môi trường nước, chặt cây, đào đất, tiếng ồn, tệ nạn xã hội gây ra giảm diện tích rừng, sạt lở đất đai.

Ranh giới VQG: 72% cán bộ đều biết ranh giới của VQG, 16% khác biết trên bản đồ, còn lại không biết ranh giới đó. Trong số những người biết thì 85% nhận định ranh giới trên đã phù hợp. Để phân định ranh giới một cách rõ ràng thì cách tốt nhất là căn cứ trên bản đồ hành chính kết hợp với khảo sát thực tế (hiện trạng rừng, địa hình), tham khảo ý kiến cộng đồng địa phương; ranh giới cần có mốc và biển báo, hàng năm phải duy tu, phát quang xung quanh.

Ranh giới phân khu: 77% cán bộ biết về ranh giới của phân khu, 23% chỉ biết trên bản đồ hoặc không biết một cách rõ ràng; 70% số cán bộ cho rằng không cần phải thêm phân khu nào, số còn lại cho rằng cần thêm phân khu khai thác bền vững cho người dân. Để phân định các phân khu thì thông tin cần thiết theo đánh giá của cán bộ của VQG: khảo sát thực tế, kiểm tra tài nguyên, địa hình để quy hoạch, sử dụng hệ thống ảnh vệ tinh, máy định vị, ảnh máy bay. Việc phân định ranh giới hầu hết cán bộ cho rằng sử dụng hệ thống cột mốc và biển báo, kết hợp với phân tích biệt bằng địa hình (giông núi, sông suối) và phát tuyến, phát quang ranh giới.

Vấn đề quản lý phân khu: BQL chịu trách nhiệm quản lý chung, các đơn vị, phòng ban, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành, quản lý trực tiếp, theo nhiệm vụ mình được giao, đảm bảo phát triển nhưng giữ được tính chất nguyên sinh, không gây tác động đến môi trường. Đặt, cử người xuống tận nơi, trực tiếp quản lý, quản lý theo khu vực (các tiểu khu) và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân. Lực lượng quản lý chính là kiểm lâm và BQL VQG, hỗ trợ quản lý là lực lượng cộng đồng trên địa bàn, khu vực từng phân khu và các kiểm lâm viên, bảo tồn viên.

50% cán bộ vườn khẳng định rằng VQG có nhật kí tiểu khu, số còn lại cho rằng không có. Đề nghị VQG thống nhất sử dụng nhật kí tiểu khu vì 96% cho rằng nhật kí tiểu khu là rất cần thiết để theo dõi số liệu, quản lý tài nguyên, diễn biến tài nguyên rừng, có kế hoạch, phương án quản lý, phát triển phù hợp.

Khu vực khai thác tài nguyên cho cộng đồng: 73% cán bộ VQG nhất trí cho rằng cộng đồng được phép khai thác ở vùng đệm, rừng sản xuất, rừng 01, 02, lâm trường, vùng giáp ranh lõi và đệm. Số còn lại khẳng định không có vùng nào cho cộng đồng được phép khai thác tài nguyên, lâm sản vì Pù Mát là rừng cấm, vùng đệm rừng đã có chủ. Về tài nguyên khai thác, các ý kiến cho phép người dân sử dụng lâm sản chỉ ra một số có thể khai thác lâm sản phụ, đánh bắt cá, săn bắn một số loài có số lượng nhiều và khả năng tái sinh nhanh. Để khai thác bền vững thì chỉ có 4,5% cho rằng không có loài nào được phép khai thác bền vững.

Hơn một nửa số cán bộ của VQG khẳng định không có vụ cháy nào xảy ra (54,5%), 36% không rõ, chỉ có 10% cho biết có xảy ra cháy trong khoảng 1 đến 2 năm gần đây.

Về quan hệ giữa VQG và các ban ngành liên quan cho thấy VQG Pù Mát thường xuyên làm việc với các ban ngành liên quan, trong đó, mức độ thường xuyên nhất là với UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân (4,6), Bộ đội quốc phòng, Công an, UBND các xã (4,5) và sở địa chính, các lĩnh vực khác theo thứ tự gồm: Toà án, sở NN – PTNT, sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân, Ban dân tộc thiểu số miền núi, sở Tư pháp, Cảnh sát giao thông. Trong đó, một số cơ quan VQG hợp tác chưa được đầy đủ: Cảnh sát giao thông, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ban dân tộc thiểu số miền núi, sở Tư pháp.

Để cải thiện tình hình này, VQG cần tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đó, đề ra nguyên tắc hợp tác, tăng cường vận động tham gia hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, công việc. Hiện nay, 75% cán bộ của VQG thường xuyên có mối quan hệ, hợp tác với các ban ngành liên quan. Một nửa số cán bộ cho rằng mối quan hệ của họ như vậy là đầy đủ, số khác cho rằng còn chưa đầy đủ hoặc thông tin giữa hai bên còn thiếu, cần bổ sung và tăng cường mối quan hệ.

Các hoạt động hợp tác: quản lý, tuần tra khai thác lâm sản, tuyên truyền vận động, tham mưu, xử lý vi phạm, quản lý ranh giới, xây dựng chương trình, dự án đầu tư cho cơ sở, cộng đồng, VQG, chương trình nghiên cứu khoa học. Các hoạt động cần hợp tác đang diễn ra: tuần tra, bảo vệ rừng, xử lý nghiên cứu khoa học, phát triển dân tộc thiểu số miền núi, du lịch, tố giác vi phạm. Cách thức duy trì mối quan hệ: thường xuyên báo cáo, trao đổi thông tin, kết hợp chặt chẽ xử lý công việc, tổ chức hội thảo, toạ đàm để đúc kết kinh nghiệm hợp tác, hoàn thiện pháp lý và kinh phí hợp tác.

Tất cả cán bộ VQG đều cho rằng VQG nên tham gia vào phát triển vùng đệm vì ổn định cuộc sống của người dân vùng đệm là biện pháp BVR, đời sống cải thiện thì sẽ giảm áp lực vào rừng. Để thực hiện công tác tốt, cán bộ của vườn mong muốn được đào tạo: công tác khuyến nông, khuyến lâm, kĩ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp; xây dựng và vận động đồng bào làm theo mô hình phát triển kinh tế nông lâm kết hợp; kĩ năng cộng tác với cộng đồng. Các ban ngành nên phối hợp với VQG trong công tác này gồm: quyền các cấp, các ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học, Biên phòng, An ninh, sở và phòng NN – PTNT, phòng tổ chức, tuyên truyền, vận động, giáo dục.

74% cán bộ VQG cho rằng Pù Mát nên đặt cán bộ tại các cơ sở ban ngành phối kết hợp để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý vụ việc, số còn lại cho rằng không cần thiết vì Pù Mát thiếu lực lượng, cán bộ phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, một số cơ quan chỉ cần liên hệ, phối hợp công tác bằng thông tin, không cần trực tiếp tới làm việc.

Về quan hệ giữa VQG và các hạt kiểm lâm, có nhiều mức độ làm việc giữa cán bộ của vườn với hạt kiểm lâm của các huyện trên cùng địa bàn (Anh Sơn, Tương Dương và Con Cuông), 39% có quan hệ hàng ngày, 16% có quan hệ hàng tuần, một số ít có quan hệ ít hơn, khoảng 2 tháng 1 lần (26%). Trong quá trình cộng tác, 77% cho rằng mức độ hợp tác là tốt và rất tốt, quan hệ bình thường (14%) và số ít cho rằng rất kém (5%); 72% cho rằng mối quan hệ hợp tác đó là đã đầy đủ, một số cho là tạm đủ (14%) và chưa đủ (9%). Để tăng cường hợp tác hơn nữa, VQG nên phân công công tác rõ ràng bằng văn bản, pháp lý, hội thảo, bàn luận, giao ban định kì, thường xuyên phối hợp, trao đổi kinh nghiệm công tác, tăng cường đoàn kết, trao đổi thông tin.

Công việc cần thiết phối hợp: bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm soát tài nguyên, ngăn chặn, xử lý vi phạm luật tài nguyên, khai thác, buôn bán ĐVHD, lâm sản.

Bộ phận chịu trách nhiệm đảm bảo mối quan hệ này là trạm và hạt, BQL và tập thể cán bộ. Tất cả đều nhất trí trao đổi kế hoạch làm việc của hai bên để đảm bảo hỗ trợ cho nhau công tác không chồng chéo lên nhau, phối kết hợp một cách nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa, tăng cường chức năng giám sát lẫn nhau. 86% cán bộ của vườn khẳng định rằng VQG và các hạt kiểm lâm thường xuyên đi tuần tra cùng nhau, cùng với mục tiêu hoàn thành công việc, giảm nhẹ khó khăn trong công tác (chia sẻ, cùng gánh vác). Sự có mặt của cơ quan này giúp đỡ nhiều cho cơ quan kia.

Hầu hết cán bộ được phỏng vấn đều cho rằng VQG Pù Mát biết được kế hoạch của các hạt kiểm lâm, chi cục hàng năm đều giao nhiệm vụ, kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho từng đơn vị (các hạt kiểm lâm và VQG), trên cơ sở nắm bắt được kế hoạch hoạt động của các hạt, VQG luôn luôn báo cáo, trao đổi thông tin với nhau.

Quản lý vùng lõi: VQG quản lý về mặt pháp lý, văn bản, trên thực tế thì các ban ngành liên quan cũng đóng góp vai trò quan trọng (60% ý kiến từ cán bộ VQG).

Về quan hệ giữa VQG và các doanh nghiệp tư nhân cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong khu vực: các lâm trường ở các huyện Lâm Sơn, Tương Dương, công ty du lịch Phượng Hồng, các chủ hộ có rừng 01, 02. 71% cán bộ của vườn không biết gì về các doanh nghiệp này, thậm chí đa số họ còn cho rằng không có doanh nghiệp tư nhân nào cận kề với VQG. Số biết về các doanh nghiệp này thì cho rằng mức độ hợp tác là bình thường (50%), rất tốt (30%), tốt (10%) mặc dù hầu hết đều nhận định rằng quan hệ đó là có lợi cho VQG, giúp cho VQG trong nhiều lĩnh vực: thu hút khách du lịch, kinh nghiệm quản lý rừng sản xuất. Đó là mối quan hệ qua lại giữa các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường. Điểm lợi cho VQG: đây là quan hệ an toàn, phù hợp với kế hoạch, có lợi về mặt tài chính, quảng cáo, kinh nghiệm phát triển DLST, kịp thời nắm bắt thông tin, tránh những xâm hại vào vùng lõi.

Chịu trách nhiệm về mối quan hệ này, đa số cán bộ cho rằng đó là BQL VQG và Ban giám đốc của các doanh nghiệp (lãnh đạo của hai bên). Công việc đòi hỏi cán bộ VQG tham gia cùng các DNTN: QLBVR, hướng dẫn viên và DLST.

Mức độ trao đổi thông tin giữa VQG và các DNTN: 70% cho rằng mức độ trao đổi thông tin này là chưa đầy đủ, mới chỉ là bước đầu nên trao đổi còn hạn chế. Để đảm bảo sự hợp tác hơn nữa cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đề ra các nguyên tắc đảm bảo hợp tác chặt chẽ, sòng phẳng, rõ ràng, tôn trọng ý kiến và quyền lợi của hai bên. Cán bộ vườn có trách nhiệm với tham mưu BQL VQG.

Việc thành lập VQG có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân địa phương (40%), tất cả cán bộ đều cho rằng có ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng thì khác nhau. Mối quan hệ của VQG với cộng đồng ở mức tốt (92%). Công tác tuyên truyền làm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn, phát triển rừng, giúp họ hiểu được pháp luật và vai trò của rừng, qua đó phối hợp với cộng đồng trong công tác BVR, giúp cộng đồng phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, giảm sức ép vào rừng.

Công tác được coi trọng nhất trong quan hệ với cộng đồng là công tác dân vận (4,9đ), tiếp theo là công tác BVR (4,8đ), quản lý (4,7đ) và phòng cháy chữa cháy rừng (4,2đ). Công tác khác: giáo dục (4đ), giám sát rừng, thực thi pháp luật (3,4đ), trồng rừng (2,7đ).

Nội dung của công tác dân vận: pháp luật, khuyến nông, khuyến lâm, mô hình vườn cây, nông lâm kết hợp, làm ăn kinh tế, BVR, bảo vệ và chống buôn bán ĐVHD, phòng cháy chữa cháy rừng. Hình thức dân vận: tổ chức các hội nghị hội thảo, họp dân, sơ kết, tập huấn, tuyên truyền vận động, thi tìm hiểu luật bảo vệ rừng, dán áp phích tuyên truyền, bảng tuyên truyền. Một nửa cán bộ của vườn cho rằng công tác này chưa được đầy đủ vì những vi phạm vẫn xảy ra, lí do khác là địa bàn quá rộng, lực lượng lại mỏng.

Để cho công tác dân vận được tốt hơn, cần thu hút đầu tư, kinh phí hỗ trợ cho tuyên truyền, tăng cường cán bộ có năng lực xuống địa bàn, tập huấn cho cán bộ của các trạm và vườn về những kĩ năng, kiến thức tuyên truyền, đầu tư hỗ trợ, giúp dân phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kĩ thuật vào cuộc sống, sản xuất, lắng nghe dân nói, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và cuộc sống của dân, tăng cường công tác đi sâu – sát vào cộng đồng và hoà đồng hơn nữa. Tất cả cán bộ VQG đều khẳng định cần có mối quan hệ với cộng đồng vì quan hệ tốt thì hiệu quả BVR tốt.

Tất cả cũng nhất trí rằng thu nhập lâm sản của cộng đồng phải được giới hạn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, lợi ích của của cộng đồng, đồng thời có tác động không tốt đến công tác bảo tồn, điều này ngoài ra còn có văn bản pháp chế quy định rõ ràng. 775 đồng ý và rất đồng ý với mức giới hạn này. Không ai có quyền sử dụng tài nguyên trong vùng lõi, đó là nhận định của 100% cán bộ vườn. Vùng đệm và rừng sản xuất được phép cho cộng đồng sử dụng một số tài nguyên (lâm sản phụ, phi gỗ), giao đất, giao rừng để cộng đồng tự chăm sóc, bảo vệ, sử dụng đúng mục đích.

Công việc của cán bộ trong vườn: QLBVR, tuần tra kiểm tra, truy quét, thực thi pháp luật, giáo dục môi trường và tuyên truyền vận động, nghiên cứu khoa học. Tất cả đều cho rằng người dân sẵn sàng giúp đỡ VQG Pù Mát trong vấn đề BVR. Các giúp đỡ của họ: tham gia BVR, không vi phạm, kí cam kết không vi phạm, tuyên truyền, vận động con em, cộng đồng cùng hưởng ứng, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại để không phải vào rừng nữa, cứu hộ ĐVHD, cung cấp thông tin cho LLKL để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm.

Đáp lại điều đó, VQG đã thực hiện một số hoạt động hợp tác với cộng đồng: tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVR, phổ biến các văn bản, quy định, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và tầm quan trọng của VQG, tập huấn cho cán bộ thôn, bản, nhân dân, hỗ trợ đầu tư kinh phí để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, cán bộ của vườn luôn luôn làm gương cho bà con, cộng đồng, có thái độ cư xử đúng mực để người dân học tập. 82% cán bộ của VQG cho rằng mức độ làm việc với cộng đồng hiện tại là vừa, không quá nhiều.

Một nửa cán bộ của vườn cho rằng còn rừng thiêng trên địa bàn VQG, đó là các khu vực của cộng đồng người dân tộc bản địa: Đan Lai, một số cho là cả người Thái. Đồng quản lý: 75% cho rằng người dân nên tham gia vào việc đồng quản lý VQG Pù Mát, 96% cán bộ đồng ý rằng theo cách này thì VQG sẽ được quản lý tốt hơn, vừa tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, vừa tạo niềm tin cho người dân – họ có quyền làm chủ. Trong vấn đề bảo vệ rừng thì cộng đồng là một lực lượng rất đông đảo, hiểu biết về rừng rất nhiều, vì vậy phải dựa vào lực lượng đó. Một số cho rằng trong công tác này thì người dân đóng vai trò là người tham gia hoạt động còn vai trò điều hành quản lý dành cho cán bộ của vườn. Lí do của những nhận định này: qua thực tế nhận thấy, người dân hiểu làm thế nào để bảo vệ rừng và trên thực tế, họ là người được hưởng lợi trực tiếp từ bảo vệ rừng, từ dự án. Đồng quản lý là phương pháp gắn liền quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng tham gia. Một số ý kiến không đồng ý cách quản lý song song này vì cho rằng khi giao trách nhiệm quản lý cho dân thì hoạt động quản lý và bảo vệ sẽ không được đồng bộ.

Để đảm bảo hợp tác, về phía cán bộ của vườn cần phối hợp với chính quyền địa phương, đảm bảo hợp tác lâu dài, đảm bảo quyền lợi của mỗi bên, duy trì mối quan hệ, tuyên truyền giúp đỡ dân, hoà đồng với cộng đồng.

Về phía VQG, để đảm bảo được hợp tác với cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, đảm bảo quyền lợi của mỗi bên, của mỗi cộng đồng; đầu tư xây dựng, phát triển, hợp pháp hoá các nguyên tắc hợp tác, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp cộng tác, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề khúc mắc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, răn đe, giáo dục để làm gương.

Hầu hết cán bộ VQG đều có mức độ làm việc thường xuyên với cộng đồng, trong đó mức độ hàng tháng chiếm 35%, hàng tuần 23% và hàng ngày 42%. 96% cán bộ đều khẳng định họ rất thích làm việc với cộng đồng. 100% khẳng định làm việc với cộng đồng là một phần trách nhiệm của họ trong công tác được giao.

Những công việc yêu cầu cán bộ VQG làm với cộng đồng: tuyên truyền công tác BVR, tuần tra rừng, giáo dục môi trường, DLST, nghiên cứu khoa học, tư vấn khoa học. tham gia họp bàn cùng cộng đồng, tổng kết công tác bảo vệ rừng, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ mới, nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của cộng đồng.

96% cho rằng có khó khăn nảy sinh khi làm việc với cộng đồng; bất đồng ngôn ngữ, trình độ và nhận thức khác biệt nhau nhiều, phong tục tập quán và lối tư duy cũ của cộng đồng in sâu trong cách suy nghĩ, nhất thời chưa thay đổi được. Để giải quyết vấn đề này, đa số cho rằng cán bộ VQG cần phải học tập ngôn ngữ địa phương, tập tục và văn hoá của địa phương, tuyên truyền vận động, giải thích cặn kẽ, nhiệt tình, giúp đỡ cho cộng đồng trong lúc khó khăn, đề xuất dự án lên BQL và các ban ngành chức năng để được giúp đỡ, hỗ trợ. Do đó, cán bộ của VQG cần được hỗ trợ: kinh phí, phương tiện, tập huấn kĩ năng, phối kết hợp của các ban ngành, chính quyền địa phương, ngôn ngữ địa phương.

Khả năng dùng ngôn ngữ địa phương của cán bộ VQG (tiếng Đan Lai): 46% mới bắt đầu học, 12% tạm ổn, 12% giao tiếp bình thường, 4% nói tiếng Đan Lai rất tốt, 25% không biết tiếng Đan Lai.

Về thực thi pháp luật: 83% cán bộ cho rằng VQG được công báo ở cấp quốc gia, 13% cho rằng mới ở cấp tỉnh, 4% cho rằng thuộc cấp huyện. Tất cả đều khẳng định VQG Pù Mát trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An (62,5%) hoặc trực thuộc UBND nhưng do Chi cục kiểm lâm quản lý (37,6%). 21% cho rằng nên thay đổi cấp quản lý từ chi cục sang UBND và 4% cho rằng nên chuyển lên cấp trung ương. Cơ cấu thực thi pháp luật cho thấy Hạt kiểm lâm Pù Mát thừa hành và thực thi pháp luật QLBVR gồm 42 người với cơ cấu: BQL BVR – Hạt kiểm lâm – Trạm QLBVR – kiểm lâm viên.

Hoạt động của ban thực thi pháp luật: được điều hành từ ban giám đốc VQG, hoạt động hiệu quả, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật QLBVR, kiểm lâm viên làm việc theo sự chỉ đạo của hạt trưởng và trạm trưởng. Tuy nhiên, ban này vẫn còn thiếu nhân lực. Công việc thực hiện: xử lý vi phạm hành chính, điều tra xác minh các vụ việc vi phạm liên quan đến pháp luật QLBVR, tuần tra bảo vệ rừng.

Thực thi pháp luật ưu tiên cho các hoạt động trao quyền hạn lớn hơn để kịp thời xử lý, tính giáo dục cao, xử lý vi phạm, thanh tra nội bộ, tuần tra, trực giác, ngăn chặn khai thác lâm sản. 89% cán bộ VQG khẳng định rằng ban pháp chế có hoạt động tuần tra, khoảng từ 1 – 3 lần/tháng. Với mức độ đó, 84% cho rằng chưa đủ. Lĩnh vực được thực hiện  tốt nhất là quản lý hồ sơ pháp chế, xử phạt hành chính, điều tra, xác minh các vụ vi phạm. Lĩnh vực cần được quan tâm hoàn thiện cũng là xử lý hồ sơ. 67% cho rằng LLKL chưa đủ quyền lực để thực thi pháp luật, 95% cho rằng LLKL có đủ thẩm quyền để bắt giữ trong các trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật QLBVR. Tỷ lệ các buổi bắt giữ là 10%, 1/70 vụ được đưa ra khởi tố. 95% cho rằng LLKL thực thi pháp luật cần phối hợp với cộng đồng, được cộng đồng hỗ trợ, xác minh, thu thập chứng cứ, đánh giá mức độ vi phạm xử lý làm gương để răn đe, giáo dục các đối tượng trong cộng đồng.

Luật liên quan đến buôn bán ĐVHD: phần lớn đều biết về các luật này, đó là pháp luật bảo vệ – phát triển rừng, NĐ 18 HĐBT,  48 CP, NĐ 77 CP, Công ước CITES. Các văn bản liên quan đến vấn đề đồng quản lý: luật bảo vệ – phát triển rừng, quy ước, hương ước của thôn, bản, QĐ 245 – TTg, thông tư 56/1999, cũng tương tự như trên. 36% cán bộ không biết gì về các luật này.

Cán bộ VQG làm việc với ban pháp chế: phía BLĐ – thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo; phía nhân viên và cán bộ cấp dưới – thường xuyên báo cáo để kịp thời xử lý, lập hồ sơ đầy đủ, tham mưu xử lý vụ việc; các bộ phận khác – phối hợp, lập kế hoạch, tổ chức triển khai. 44% cán bộ VQG thấy an toàn khi sử dụng súng, còn lại thấy không được an toàn. 36% cán bộ chưa được hướng dẫn sử dụng

Bảng 21: Số lượng các vụ việc vi phạm

Đi tuần

25

Thiết kế đi tuần

14

Tấn công

4

Bắt giữ

18

Cứu hộ

36

Dừng phương tiện bằng barrier

18

Dùng súng

29

Tịch thu

18

Bắt ĐVHD

18

Thu trong rừng

29

Thả ĐVHD

19

Báo cáo lại

18

 

 

Thiết lập mạng lưới thông tin

18

         

  1. Số lượng ước tính các nhà khoa học tầm cỡ quốc gia tham gia nghiên cứu trong khu dự trữ sinh quyển đề xuất:

trên cơ sở thường xuyên: ___8______

không thường xuyên:  _____25_____

  1. Số lượng ước tính các nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu trong khu dự trữ sinh quyển đề xuất 

trên cơ sở thường xuyên: _____5_____

không thường xuyên:  _______15____

 

  1. Số lượng ước tính các luận văn thạc sỹ hay/và tiến sỹ được thực hiện tại khu dự trữ sinh quyển mỗi năm: 6
  2. (Những) trạm nghiên cứu trong khu dự trữ sinh quyển đề xuất:

Trụ sở của các trạm nghiên cứu sẽ được mở tại các vị trí nghiên cứu và sẽ được trang bị các trang thiết bị nghiên cứu cần thiết cho các nhà nghiên cứu. Những vị trí nghiên cứu khác sẽ được nâng cấp dần theo nhu cầu nghiên cứu trong tương lai. Các vị trí nghiên cứu đã được lập kế hoạch để cung cấp các dữ liệu cần thiết cho việc quản lý một cách thống nhất Khu sinh quyển. Nếu được phê chuẩn về mặt pháp lý thì vẫn đảm bảo được các khả năng phát triển khác mà không ảnh hưởng đến chức năng dự trữ của nó.

7 . Những điểm theo dõi giám sát lâu dài

Bố trí cán bộ và khu chức năng: Các nhân viên và nhân sự hiện tại sẽ được tiếp tục công việc nghiên cứu và kiểm tra bảo vệ. Để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và kiểm tra sẽ được chọn lựa và đào tạo để nâng cao năng lực. Bộ phận nào còn thiếu nhân lực sẽ được tuyển chọn thêm nhân viên mới hoặc uỷ nhiệm cho cán bộ khác và được cấp kinh phí để đào tạo nâng cao năng lực sao cho đáp ứng được công việc mới đảm nhận.

Các nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu các nhân tố vô sinh, sinh học cũng như là các yêu cầu kinh tế – xã hội của khu Dự trữ Sinh quyển. Ưu tiên nghiên cứu các tiêu chuẩn kinh tế – xã hội có sự tham gia của các hộ dân và các giải pháp có thể sử dụng để tiết kiệm nguồn tài nguyên quý hiếm.

  1. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho nghiên cứu của trạm nghiên cứu

Các trạm nghiên cứu được trang bị hệ thống các cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết đối với mỗi mục đích nghiên cứu, hệ thống máy tính và các phương tiện đi lại cần thiết: ô tô, xe máy,…

  1. Các cơ sở vật chất khá

Hiện nay tại mỗi khu vực lõi của Khu DTSQ đề xuất Tây Nghệ An đều có trụ sở văn phòng của Ban Quản lý, các trạm quan sát theo dõi hoạt động của chim (—- trạm ở Pù Mát), các trạm Kiểm lâm (—- trạm ở Pù Mát), các đội dân quân tự vệ… Mỗi trạm được trang bị vỏ lái và máy (—- bộ); xe môtô (—- chiếc), hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện nước và các đồ dùng sinh hoạt khác.

  1. Internet

Khu Dự trữ Sinh quyển đã kết nối Internet

II. Giáo dục môi trường & nhận thức người dân

Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên tổ chức các đợt truyền thông về giáo dục môi trường cho người dân địa phương (đặc biệt là vai trò của rừng và sự bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm) và hướng tới giáo dục phát triển bền vững cho toàn vùng.

Vườn quốc gia Pù Mát: Đã tiến hành truyền thông về môi trường ở 54 trường phổ thông và 111 thôn bản trong địa bàn của Vườn quốc gia.

Khu bảo tồn Pù Hoạt: tiến hành truyền thông giáo dục môi trường ở Trường phổ thông Tiền Phong., Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

Đào tạo, tập huấn:

Vườn quốc gia Pù Mát: đã tiến hành nhiều lớp tập huấn về đa dạng sinh học, công tác truyền thông, công tác điều tra giám sát loài…

  1. Trình bày các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục môi trường, đưa ra nhóm đối tượng cần giáo dục và tuyên truyền.

Ban quản lý, Đoàn thanh niên, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục môi trường qua các hoạt động văn hoá, giao lưu nhân các ngày lễ, tết…và đối tượng đặc biệt quan tâm là thanh thiếu niên.

  1. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục môi trường

Ban quản lý đã có các băng rôn, khẩu hiệu, các tờ rơi… đặc biệt có bảo tàng động thực vật để trưng bày các mẫu vật cũng như dùng nó như một phương tiện trực quan để giáo dục bảo vệ môi trường.

III. Đóng góp cho mạng lưới khu DTSQ thế giới

Việc thiết lập của mạng lưới Internet sẽ tạo điều kiện trao đổi thông tin nghiên cứu khoa học cũng như báo cáo hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, học hỏi kinh nghiệm của các khu Dự trữ Sinh quyển khác trên thế giới một cách dễ dàng.

Sau khi xây dựng xong khu DTSQ Tây Nghệ An, việc hợp tác với nước CHDC Nhân dân Lào sẽ được xúc tiến để xây dựng Khu dự trữ sinh quyển liên quốc gia, liên biên giới trong tương lai.

Việc xúc tiến nâng cấp các dịch vụ internet có đường truyền tốc độ cao ADSL đang được tiến hành tại VQG Pù Mát. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối thông tin và trao đổi kinh nghiệm trước mắt là mạng lưới các khu DTSQ quốc gia, mạng lưới các khu bảo tồn quốc gia, mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển khu vực Châu Á Thái Bình Dương (SeaBRnet0 và mạng lưới các khu DTSQ Quốc tế (WNBR)

 

Vùng Lõi

  1. Việc sử dụng và các hoạt động diễn ra trong vùng lõi:

Bên cạnh việc tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt tại 3 vùng lõi của khu DTSQ đề xuất, một số hoạt động có thể được phép diễn ra để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân và phát triển những hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa…

  1. Những tác động tiêu cực (của việc sử dụng vùng lõi hay của các hoạt động diễn ra trong hay ngoài vùng lõi) có thể xảy ra đối với vùng lõi:

Vùng lõi được sử dụng chủ yếu vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo của các hoạt động giáo dục môi trường. Các hoạt động khác sẽ được tiến hành ngoài vùng lõi, như vậy sẽ đảm bảo được sự phát triển lâu dài.

Vùng đệm 

  1. Các hoạt động kinh tế và các hoạt động sử dụng đất chính trong vùng đệm

Vùng đệm được phép triển khai các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, giải trí và kinh tế – xã hội, văn hoá… nhưng các hoạt động này không được gây ảnh hưởng tới mục đích bảo tồn của vùng lõi. Đất của vùng đệm có thể được sử dụng trong hoạt động sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, nuôi trồng, nông lâm nghiệp, xây dựng các khu du lịch sinh thái… Một trong các hoạt động ưu tiên trong vùng này là tăng cường công tác khuyến nông, cải tiến và nâng cao chất lượng giống, thay đổi tập quán lạc hậu, xây dựng các mô hình Nông-Lâm và Nông-Lâm-Ngư kết hợp. Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm sản xuất ở các vùng miền có điều kiện canh tác tương tự ở trong và ngoài tỉnh.

 

  1. Những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với vùng đệm do việc sử dụng vùng đệm hay các hoạt động diễn ra trong hay ngoài vùng đệm trong thời gian gần và về lâu dài

Việc khai thác tiềm năng của vùng đệm cần phải được quản lý chặt chẽ, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, làm thu hẹp sinh cảnh của các quần xã sinh vật…

Vùng chuyển tiếp

Vùng chuyển tiếp có nhiều tiềm năng phát triển lâu dài và so với vùng lõi hoặc vùng đệm. Vùng này có khả năng phát triển toàn diện. Chúng bao gồm vùng thành thị, đất nông nghiệp, khu dân cư, cây cối và giao thông. Việc sử dụng không hợp lý hoặc các hoạt động trong vùng chuyển tiếp có thể gây ra các tác động không tốt. Rõ ràng là nhiều hoạt động sẽ gây tác động xấu cho vùng, ví dụ như ô nhiễm môi trường, xói mòn lớp đất bề mặt, thiếu chỗ ở…Với sự quản lý một cách thích hợp thì sẽ hạn chế được những tác động xấu này và đảm bảo cho sự phát triển tốt trong tương lai của vùng.

  1. Các hoạt động kinh tế và các mục đích sử dụng đất chính trong vùng chuyển tiếp

Các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng chuyển tiếp vẫn diễn ra bình thường, trong đó người dân địa phương cùng với các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn, công ty, các tổ chức xã hội thoả thuận để cùng quản lý và sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên mà khu dự trữ sinh quyển đem lại.

  1. Những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với vùng chuyển tiếp việc sử dụng vùng chuyển tiếp và do các hoạt động diễn ra tại đây

Ô nhiễm  môi trường, cạn kiệt tài nguyên, quá tải về dân số, thiếu thốn nhà ở… có thể xảy ra nếu như các bên liên quan không có kế hoạch quản lý, phát triển tốt.

 

Chính sách quản lý & cơ chế thực hiện

Vùng chuyển tiếp có nhiều tiềm năng phát triển lâu dài và so với vùng lõi hoặc vùng đệm. Vùng này có khả năng phát triển toàn diện. Chúng bao gồm vùng thành thị, đất nông nghiệp, khu dân cư, cây cối và giao thông. Việc sử dụng không hợp lý hoặc các hoạt động trong vùng chuyển tiếp có thể gây ra các tác động không tốt. Rõ ràng là nhiều hoạt động sẽ gây tác động xấu cho vùng, ví dụ như ô nhiễm môi trường, xói mòn lớp đất bề mặt, thiếu chỗ ở…Với sự quản lý một cách thích hợp thì sẽ hạn chế được những tác động xấu này và đảm bảo cho sự phát triển tốt trong tương lai của vùng.

  1. Các hoạt động kinh tế và các mục đích sử dụng đất chính trong vùng chuyển tiếp

Các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng chuyển tiếp vẫn diễn ra bình thường, trong đó người dân địa phương cùng với các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn, công ty, các tổ chức xã hội thoả thuận để cùng quản lý và sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên mà khu dự trữ sinh quyển đem lại.

  1. Những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với vùng chuyển tiếp việc sử dụng vùng chuyển tiếp và do các hoạt động diễn ra tại đây

Ô nhiễm  môi trường, cạn kiệt tài nguyên, quá tải về dân số, thiếu thốn nhà ở… có thể xảy ra nếu như các bên liên quan không có kế hoạch quản lý, phát triển tốt.

Nhân sự & Cán bộ

1.Ban Quản lý Khu DTSQ đề xuất gồm: 15 thành viên

  1. Số cán bộ quản lý tài nguyên và hành chính:

Biên chế/lâu dài: _____22_______

Làm nửa thời gian: ______0______

 

  1. Số cán bộ tầm cỡ quốc gia phục vụ cho nghiên cứu:

Biên chế/lâu dài: ______15______

Làm nửa thời gian: ______0______

 

  1. Số cán bộ kỹ thuật:

Biên chế/lâu dài: _____300_______

Làm nửa thời gian: _____0_______

Nguồn tài chính & Ngân sách hàng năm

Tỷ lệ phần trăm cấp vốn cho sự công tác bảo vệ môi trường, sử dụng đất cũng như các vấn đề nảy sinh khác là:

Từ Chính phủ: _____40______

Từ tỉnh: ______20_____

Huyện: _____20______

Cá nhân: _____0______

Quốc tế: ______20_____

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An

Uỷ ban Nhân dân các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quì Châu, Quì Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ.

Ban Quản lý các Vườn Quốc Gia Pù Mát.

Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt

  1. Toàn bộ khu dự trữ sinh quyển được đề xuất:

Tên: Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An

  1. Vùng lõi:

Tên cơ quan chịu trách nhiệm thi hành quyền lực pháp lý:

UBND Tỉnh Nghệ An

  1. Vùng đệm

Tên:

Quyền lực pháp lý (nếu có): UBND Tỉnh Nghệ An

4 . Cơ chế tư vấn và hợp tác giữa các cơ quan này:

Một người chịu trách nhiệm chung sẽ được bầu chọn trong cuộc họp của các bên liên quan, chức vụ này kéo dài từ 4-5 năm. Ông/bà này sẽ đứng ra tổ chức các cuộc họp, xúc tiến và duy trì các mối quan hệ với các bên liên quan và những người đại diện.

Cơ cấu tổ chức địa phương

Sự phối hợp sẽ đựơc thiết lập về mặt hành chính cũng như là các mối liên hệ cá nhân.

  1. Cộng đồng địa phương sống trong và gần khu dự trữ sinh quyển đề xuất đã có mối liên quan như thế nào và ở mức nào với quá trình đệ đơn xin thành lập Khu dự trữ sinh quyển (VD thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, sự tham gia của chính quyền địa phương tại các cuộc họp chuẩn bị, …). Các khu dân cư địa phương sống trong và gần Khu Dự trữ Sinh quyển đề xuất đã được thông qua trong các cuộc họp chung, những chiến dịch giáo dục và tham gia của địa chính quyền địa phương trong các hội nghị trù bị.
  2. Cộng đồng địa phương có thể tham gia vào việc hình thành và thực hiện kế hoạch quản lý hay chính sách sử dụng đất như thế nào và ở mức độ nào:

Cộng đồng địa phương có thể tham gia vào quá trình thiết lập và thi hành của kế hoạch quản lý hoặc sử dụng đúng mục đích đã nêu trong cuộc họp giữa các bên liên quan do người chịu trách nhiệm chung liên hệ với các bên liên quan để tổ chức.