Điều kiện kinh tế – xã hội

1. Dân tộc 
Có 3 dân tộc chính trong 3 huyện thuộc khu vực VQG Pù Mát là Thai, Khơ Mú và Kinh. Ngoài ra còn có một số dân tộc khác như: Hơ Mông, Đan Lai, Poọng, Ơ Đu, Tày nhưng số lượng không lớn. Dân tộc Thái có dân số đông nhất (chiếm 66,89%) và ít nhất là dân tộc Ơ Đu (chiếm 0,6%).
2. Dân số và lao động (đến tháng 4/2008) 
Tổng dân số 16 xã là 16.945 hộ với 93.235 nhân khẩu. Phần lớn dân cư phân bố trong 7 xã ở huyện Con Cuông (39.419 nhân khẩu, 7.167 hộ) và 5 xã thuộc huyện Anh Sơn (38.163 nhân khẩu, 6.938 hộ) còn lại thuộc 4 xã của huyện Tương Dương (15.753 nhân khẩu, 2.849 hộ), trung bình mỗi hộ gia đình có từ 3 – 6 người, tăng dân số là áp lực lớn đối với rừng. Dân số trong khu vực phân bố không đều giữa các xã, một số xã có dân số rất thấp như xã Tam Hợp huyện Tương Dương (7 người/km2), xã Châu Khê huyện Con Cuông (13 người/km2) có xã mật độ dân số cao như xã Đỉnh Sơn (495 người/km2), xã Cẩm Sơn (421 người/km2) thuộc huyện Anh Sơn.
Do dân số không đều nên lực lượng lao đông phân bố cũng không đều và tập trung chủ yếu ở các xã vùng thấp của huyện Anh Sơn. Lực lượng lao động ở địa phương rất lớn, nhưng cơ cấu các ngành nghề trong khu vực lại rất đơn điệu. Phần lớn là các hoạt động sản xuất Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số ít người làm trong các lĩnh vực khác như Y tế, Giáo dục, Dịch vụ. Việc dư thừa lao động, đời sống khó khăn khiến người dân đã vào VQG Pù Mát để khai thác lâm sản.
Sản xuất Lâm nghiệp
Các chương trình Lâm nghiệp được thực hiện như chương trình 327, 661. Hiện nay huyện Anh Sơn đã giao cho các hộ, các tập thể khoanh nuôi tu bổ, chăm sóc bảo vệ và trồng được 2.217ha rừng, huyện Tương Dương được 8.305ha, huyện Con Cuông được 30.280ha.
Công tác trồng rừng cũng được chú trọng, cho đến thời điểm hiện nay. Diện tích rừng đã được trồng của huyện Anh Sơn là 2.853ha, Con Cuông là 3.350ha và Tương Dương là 206ha. Ngoài diện tích rừng trồng tập trung các huyện còn trồng được hàng triệu cây phân tán.
Trong phạm vi VQG có 3 Lâm trường quốc doanh (Lâm trường Con Cuông, Lâm trường Anh Sơn và Lâm trường Tương Dương), hoạt động chủ yếu của các Lâm trường này là bảo vệ, tu bổ làm giàu rừng và khai thác.
Bên cạnh các hoạt động truyền thống các Lâm trường trong khu vực còn là trung tâm dịch vụ về kỷ thuật, cây giống cho đồng bào địa phương.
Các dự án phát triển kinh tế trong vùng
Đối với xã vùng đệm thì chương trình lớn nhất về Lâm nghiệp (của Chính Phủ) là dự án 327, 661. Dự án 327 định canh định cư được thực hiện ở 3 bản đó là bản Cò Phạt, Khe Cồn, Bản Búng thuộc xã Môn Sơn.
Nhằm ổn định dân cư, quy hoạch nương rẫy, xoá bỏ cây thuốc phiện. Ngoài ra còn có các dự án khác nữa như: Dự án về giao khoán đất rừng, quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, giãn dân; dự án đầu nguồn sông Cả, sông Giăng do Chính phủ Thuỷ Điện tài trợ; dự án bảo vệ khai thác nguyên vật liệu giấy sợi; dự án trồng cây ăn quả như (cây cam, nhãn, vãi); dự án bảo vệ rừng đầu nguồn, hỗ trợ lương thực; dự án hỗ trợ vốn chăn nuôi, giống cây trồng (lúa, ngô…); dự án trồng cây công nghiệp (tiêu) của huyện Anh Sơn; dự án “LNXH và BTTN” tỉnh Nghệ An; dự án khả thi đầu tư xây dựng VQG Pù Mát.
Các hoạt động ảnh hưởng đến VQG Pù Mát: 
Từ lâu đời cuộc sống đồng bào dân tộc ở đây chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Rừng là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, cây thuốc…cho nhân dân trong vùng từ khi KBT được thành lập, các hoạt động phát rẫy không còn. Nhưng khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng vẫn còn phổ biến, các hoạt động của người dân ảnh hưởng tới tài nguyên rừng và cảnh quan gồm:
– Phát rẫy làm nương gây cháy rừng.
– Khai thác gỗ, củi trái phép.
– Săn bắt cá bằng Mìn, Điên, chất độc trên sông suối phá huỷ môi trường, huỷ diệt hệ thống động vật thuỷ sinh.
– Chăn thả gia súc quá mức dưới tán rừng.
– Các hoạt động khai thác lâm sản khác như: Lấy Trầm hương, Măng, cây thuốc, Mật ong, lấy Nứa, cây cảnh…