– Chương trình tổng điều tra đa dạng sinh học được tiến hành trong 2 năm 1998 và 1999. Đây là công sức và trí tuệ của 55 nhà khoa học trong nước và quốc tế và 17 cán bộ của VQG Pù Mát, kết quả đem lại là tổng hợp về số liệu ĐDSH của Vườn ở trên. Năm 2003 chương trình điều tra đa dạng thực vật tiếp tục được thực hiện cho quần thể thuộc khu vực núi đá vôi, do các chuyên gia của Đại học quốc gia Hà Nội thực hiện.
– Cứu hộ động vật hoang dã và thả vào rừng: Từ khi thành lập trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đến nay đã nhận cứu hộ và thả vào rừng hàng ngàn cá thể của các loài thú, chim, bò sát. Các động vật này được tịch thu từ các hạt kiểm lâm trong tỉnh và các trạm QLBVR của vườn. Một số loài động vật quý hiếm đã được trung tâm cứu hộ đảm bảo sức khoẻ và thả về môi trường hoang dã đó là Chó sói lửa, Gấu chó, Gấu ngựa, Báo gấm, Yúng, Trăn
– Lưu giữ bảo quản tiêu bản nhà bảo tàng: VQG Pù Mát là một trong số ít các VQG và Khu bảo tồn của Việt Nam có hệ thống nhà Bảo tàng có thể tham quan nghiên cứu và học tập được. Hiện nay số tiêu bản đang được lưu giữ tại bảo tàng gồm:
– Thực vật: Có 36 tủ bảo quản với 10.064 mẫu của 1.311 loài thuộc 144 họ
– Thú và bò sát: 21 mẫu tiêu bản nhồi bông.
– Bướm lưu giữ: 304 mẫu (198 mẫu bướm ngày; 106 mẫu bướm đêm)
– Cá: 71 tiêu bản của 71 loài thuộc 17 họ 6 bộ (cá nước ngọt).
Các mẫu tiêu bản động thực vật là tư liệu quý phục công tác nghiên cứu, tham quan được du khách và các nhà khoa học yêu thích.
Bên cạnh đó việc tiếp tục sưu tập bổ sung tiêu bản vẫn được tiến hành thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2006, đã tiến hành điều tra hai đợt về thực vật tại khu vực Khe Kèm, số tiêu bản thực vật được sưu tập bổ sung là 200 mẫu.
Ngoài việc điều tra bổ sung tiêu bản thực vật, Phòng Khoa học cũng đã phối hợp với Chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Chuyên gia phân loại Kiến của Trường Đại học Kagoshima Nhật Bản điều tra khu hệ kiến của Vườn Quốc gia. Kết quả đã thu thập được hơn 140 tiêu bản của 78 loài thuộc 40 chi, 9 phân họ Kiến có mặt tại VQG Pù Mát.
– Chương trình bẫy ảnh tự động: Thực hiện từ năm 1998-2002 thu được 556 bức ảnh của 50 loài thú, chim, bò sát trong đó có những loài thú quý hiếm lần đầu tiên chụp ảnh trên thực địa tại Việt Nam đó là Sao La, Thỏ vằn trường sơn, Hổ, Voi, Gấu chó, gấu ngựa, Beo lửa, Cầy vằn.
– Chương trình theo dõi diễn biến rừng thông qua hệ thống ô định vị: đã lập được 12 ô với tổng diện tích là 205.000m2 chiếm 0.02 % diện tích của Vườn. Hiện tại các ô đã được kiểm kê đo đếm tỷ mỷ và đóng cột mốc kiên cố để theo dõi hàng năm.
– Nhằm đánh giá và xây dựng các khu vực giám sát cho khu hệ thú, năm 2003 các chuyên gia tư vấn của Trung tâm bảo tồn chim quốc tế (Birdlife) đã tiến hành điều tra nghiên cứu khu hệ thú ở một số khu vực Khe Bống, Khe Bu.
– Năm 2004 phòng khoa học và hợp tác quốc tế đã thực hiện các chương trình nghiên cứu gồm: chương trình điều tra linh trưởng; Chương trình điều tra phân bố, đặc tính sinh thái, khả năng tái sinh và thử nghiệm khả năng nhân giống một số loài cây lá kim tại VQG Pù Mát.
– Năm 2005 tiến hành chương trình điều tra, nghiên cứu côn trùng và chim Vườn quốc gia Pù Mát và kết thúc cuối năm 2006.
– Bên cạnh các chương trình đã thực hiện ở trên, các cán bộ của Phòng Khoa học đã cùng các chuyên gia thực hiện, nghiên cứu nhiều chương trình khác đó là: chương trình lục hoá cây xanh khu văn phòng, chương trình du lịch sinh thái, chương trình tái định cư đồng bào dân tộc Đan Lai, Chương trình đánh giá tình trạng buôn bán sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn, chương trình bảo tồn có sự tham gia ở thung lũng khe Bống, Chương trình đánh giá sơ bộ quần thể núi đá vôi ở vùng đệm và vùng bảo vệ nghiêm ngặt…