Dân gian Nghệ An với “Tiếng đồn cá mát sông Giăng, Dẻo cơm Kẻ Quạ, ngon măng Chợ Cồn”, thành ngữ đó đã ca ngợi nguồn lợi cá phong phú của sông Giăng – Khe Khặng. Chính Vườn Quốc gia Pù Mát là một nơi lưu giữ và phát triển nguồn gen quý giá này. Tuy vậy, cá nước ngọt Pù Mát vẫn còn ít được biết đến trên khắp cả nước và khu vực. Điều này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm cả việc chúng trước đây ít được khảo sát và sự lộn xộn về hệ thống phân loại ở tất cả các vùng lục địa Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Vì vậy, việc nhận biết một cách chính xác các mẫu vật và diễn giải các kết quả khảo sát đã công bố trở nên khó khăn. Các ước tính ban đầu ước đoán rằng các thủy vực trong VQG Pù Mát có khoảng 70 loài, có thể chiếm 60% tổng số các loài cá ở cả lưu vực sông Cả; hầu hết các loài này đều xuất hiện trong các khe lớn nhỏ của Vườn.
Bị giới hạn trong môi trường nước khiến cá nước ngọt của Pù Mát có kiểu phân bố về số lượng loài khác với các loài động vật sống trên cạn khác. Các khe lớn chảy từ sườn phía Đông của dãy Trường Sơn ra biển Đông tạo thành một hệ thống các lưu vưc riêng biệt khác với những khe suối chảy vào sông Mê Kông. Về mặt địa lý sinh vật học, các khu hệ cá chính được hình thành ở Pù Mát: một có quan hệ đồng nhất với sông Hồng, và một với sông Mê Kông. Cá nằm trong hệ thống sông Hồng là một nhóm riêng biệt, giống với nhóm phân bố ở các sông nằm ở vùng Đông Nam của Trung Quốc (cá Bọp, cá Lấu, cá Mát, cá Chiệc, cá Bướm be,…), trong khi đó khu hệ cá của sông Mê Kông có phân bố ở phần lớn các vùng của lục địa Đông Nam Á (cá Mọm, cá Ghé, cá Chiên suối,…). Mặc dù không thực sự có nhiều loài, vùng trung lưu, thượng lưu và các vùng nước chảy xiết có tỷ lệ đặc hữu cao. Các loài này thường có các giác bám chuyên hoá và cơ thể dẹt là các đặc điểm thích nghi với nước chảy xiết như các loài cá Bám đá Vây bằng Vanmanenia, Balitoria, cá Chiên suối Glyptothorax, và cá Chiên thác Oreoglanis.
Cá Mát Onychostoma lepturum, cá Lệch
Anguilla marmorata và cá Lấu Spinibarbus caldwelli ở Khe Choăng.
Ảnh: Phạm Mạnh Hùng
Cá Mát
Cá Mát phân bố đều khắp các Khe lớn tại VQG Pù Mát như Khe Khặng – sông Giăng, Khe Choăng, và Khe Thơi. Cá chủ yếu tập trung sinh sống tại các dòng thác có nước chảy thường xuyên, có độ trong lớn. Rất ít khi bắt gặp cá sống nơi nước tù. Các dòng chảy này có vận tốc khác nhau từ chảy nhẹ đến dòng nước quần xoáy. Nền đáy là đá có nhiều rong rêu bám. Có hai loại cá Mát ở VQG Pù Mát, là Mát Việt Onychostoma lepturum và cá Mọm hay Mát Lào Scaphiodonichthys acanthopterus. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì cá Mát Việt được phân tán từ sông Hồng đến, còn cá Mát Lào thì được phân tán từ sông Mê Kông qua từ cách đây hàng triệu năm về trước. Hai loài này khá giống nhau, chỉ khác là loài cá Mọm có miệng rộng hơn loài cá Mát Việt. Hơn nữa loài S. acanthopterus có vây lưng dài hơn. Tại các Khe, hai loài cá này bắt gặp với tỷ lệ tương đương. Lưng cá Mát có màu xám, bụng màu trắng bạc. Khi cá bơi nghiêng mình dưới nước tìm mồi trong các khe đá rất dễ phát hiện vì chúng lấp lánh màu ánh bạc.
Cá Mát kiếm ăn nơi dòng nước chảy, chúng ăn thiên về thực vật, rất ít động vật. Chính vì ăn thực vật nên ruột cá Mát rất dài. Cá Mát thường rỉa các loài rong tảo bám trên đá và hay xoay mình khi bắt mồi trong các kẻ đá. Vào những ngày trời nắng, khi nước có độ trong lớn rất dễ nhìn thấy cá Mát đi kiếm ăn. Chúng thường đi từng đàn, liết mình lấp lánh dưới mặt nước. Vào mùa sinh sản, khi trời mưa phùn, có nhiều sương mù, nhiệt độ xuống thấp thì cá bắt đầu đẻ. Từ các bãi đẻ trứng nở ra cá con trôi về các dòng sông suối và sinh trưởng phát triển ở những thủy vực nhất định. Các sông suối miền núi chảy qua các vùng có độ cao thấp khác nhau tạo nên ghềnh thác. Chính các ghềnh thác ở Pù Mát là điều kiện môi trường sống lý tưởng cho cá Mát sinh sản.
Cá Mọm hay Mát Lào Scaphiodonichthys acanthopterus ở Khe Phường.
Ảnh: Phạm Mạnh Hùng
Cá Lệch
Cá Lệch (Chình bông) Anguilla marmorata trong lịch sử là loài cá được tìm thấy ở tất cả các lưu vực sông Cả bao gồm các Khe chảy từ VQG Pù Mát. Cá Lệch có khả năng sống ở nhiều môi trường sống hơn bất kỳ loài cá nước ngọt nào và có thể được tìm thấy ở vùng biển ven bờ, cửa sông, và sông hồ. Leptocephali (ấu trùng đầu dẹp) của cá Lệch được di chuyển bằng dòng hải lưu từ các địa điểm sinh sản ở biển Đông. Tám đến mười hai tháng sau khi sinh sản, leptocephali bắt đầu biến thái thành cá Lệch thủy tinh (trong suốt) khi chúng tiếp cận các cửa sông và các vùng thủy triều sông Lam. Cá Lệch thủy tinh có thể chịu đựng được độ mặn rộng và bắt đầu hình thành sắc tố ngay khi đến vùng nước ven biển. Lệch con phát triển thành giai đoạn Lệch vàng, có thể tồn tại ở bất cứ đâu từ ba đến 25 năm trở lên trong các khe của VQG Pù Mát. Cuối cùng, cá Lệch vàng biến thái một lần nữa để trở thành cá Lệch bông, trước khi trở lại biển Đông để hoàn thành vòng đời của chúng.
Cá Bướm be, Rhodeus sp. (trái) và Acheilognathus longibarbatus (phải) tại Khe Thơi.
Ảnh: Phạm Mạnh Hùng
Cá Bướm be
Cá Bướm be, Acheilognathus longibarbatus và Rhodeus sp. là những loài cá màu sắc đẹp sinh sống tầng giữa các khe trong Pù Mát. Nhóm cá này đẻ trứng trong loài Trai nước ngọt ở những đoạn nền Khe bằng phẳng, nơi chúng nở và tồn tại trong một đến tám tháng. Cá Bướm be không thể hoàn thành vòng đời của chúng mà không có Trai và do đó sự sống sót của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện diện của Trai. Ngược lại, Trai có giai đoạn ấu trùng, được gọi là glochidia, lại ký sinh và bám vào mang và vây cá cho đến khi chúng biến thái, rơi xuống sống đáy. Vì sự hiện diện của Trai là cần thiết để cho phép vòng đời hoàn chỉnh của cá Bướm be, nên các hoạt động bảo tồn là tập trung vào cả Cá và Trai.
Cá Chạch suối Vanmanenia serrilineata ở Khe Kèm.
Ảnh: Phạm Mạnh Hùng
Cá Bậu và Chạch suối
Các loài cá này thuộc các giống Garra, Ageneiogarra, Vanmanenia, Cobitis, Traccatichthys, và Schistura. Chúng thích nghi cao độ với đời sống ở các con suối nước ngọt chảy nhanh và xiết cũng như thác. Thân và đầu dẹt, miệng, vây ngực và vây bụng đã được biến đổi rất nhiều thành các cơ quan bám giống như đĩa ở phía dưới thân để giúp chúng bám vào bề mặt nằm ngang và dựng đứng của đá và sỏi trong môi trường sống khó khăn này. Các loài cá này hoạt động vào ban ngày, nấp và kiếm mồi là các động vật không xương sống sống trong nước ở giữa nền sỏi và mảnh vỡ ở đáy sông. Ở Khe Kèm, cá rất tự nhiên hay rỉa chân các du khách tạo cảm giác thích thú.